Cám cảnh người phụ nữ 70 tuổi vẫn nhặt rác lo cho con

20:32 | 03/05/2017
Không biết sinh con trai nên bị gia đình chồng đuổi đi, sau đó bị “thờ sống” vì tưởng đã chết, không ai ngờ rằng trong quãng thời gian ấy bà Nguyễn Thị Phải (SN1946, ở Phổ Yên,Thái Nguyên) đã lang thang đi tìm người con gái mất tích của mình… đó chỉ là một trong vô vàn những đau khổ mà người phụ nữ đó phải gánh chịu.
cam canh nguoi phu nu 70 tuoi van nhat rac lo cho con Trượng nghĩa, khinh tà
cam canh nguoi phu nu 70 tuoi van nhat rac lo cho con Em bé nhặt rác ở Hồ Gươm

Bị đuổi khỏi nhà vì “không biết đẻ”

Tại xóm trọ Phúc Xá, Long Biên (Hà Nội), bà Phải đang lúi húi ngồi phân loại rác. Bà nhỏ bé, hai mắt đã mờ đục, gương mặt khắc khổ, trông bà già hơn nhiều so với tuổi vốn có. Dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, nhưng hằng ngày bà vẫn phải lang thang khắp các khu chợ, ngõ ngách ở khu vực Long Biên để gom nhặt đồ phế thải mưu sinh.

Căn phòng trọ của bà chật chội, lụp xụp và xiêu vẹo, chúng tôi phải khom lưng mới bước bước vào nhà được, thấy vậy bà Phải ái ngại: “Các cháu còn dám vào, chứ nhiều người vào chơi với bà ngại còn chẳng vào nhà vì căn nhà quá ẩm thấp và nóng lực”.

cam canh nguoi phu nu 70 tuoi van nhat rac lo cho con
Bà Phải chia sẻ câu chuyện với phóng viên.

Nhắc đến công việc hàng ngày của mình, bà Phải thấy mình còn may mắn vì tự kiếm được miếng ăn bằng nghề nhặt sắt vụn. Được biết, bà bắt đầu công việc từ 3 giờ sáng, cho tới khi thành phố đã lên đèn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chỉ trừ khi nào ngã bệnh bà mới chịu nằm yên trong phòng. Vất cả nhưng số tiền bà kiếm được cũng chỉ đủ ăn qua ngày và trả tiền thuê trọ. Bà tâm sự: “Dãy trọ này gọi là khu ổ chuột, phòng tồi tàn nhưng cũng 1 triệu/ tháng, chưa kể điện nước.Vậy nên dù ở 4 người để san sẻ tiền nhà, nhưng mỗi tháng tôi cũng mất tới 3-4 trăm/tháng”.

Mấy năm trước, trong một lần đang lúi húi nhặt rác, bà bị một chiếc xe tải quệt phải làm gãy bên chân phải. Từ đó đến giờ bà vẫn mang dị tật ở chân, và không thể mang vác nặng. Khi chúng tôi nhắc đến câu chuyện cuộc đời, bà Phải bần thần thở dài rồi kể, bố mẹ mất sớm từ khi bà được 2 tuổi. Đến năm 22 tuổi, theo sự sắp đặt của anh chị bà Phải lên xe hoa về nhà chồng. Và đó cũng là những ngày tháng bắt đầu những chuỗi ngày bi kịch của cuộc đời bà.

Lấy chồng 8 năm bà Phải vẫn chưa có được mụn con. Những ngày tháng đó bà chịu biết bao lời xỉa xói của mẹ chồng với những lời cay đắng "cây khô không lộc, gái độc không con". Đang trong lúc tuyệt vọng nhất, tưởng không còn sức để chịu đựng thì bà Phải đậu thai. Nhưng đứa con bà sinh ra là gái, không được như kỳ vọng con trai nối dõi của mẹ chồng, nên sự hắt hủi lại càng tăng lên. Rồi bà bị mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà, cùng cô con gái vừa tròn tháng tuổi.

Kể từ ngày đó hai mẹ con bà lang thang khắp nơi, rồi dạt về Hà Nội. Thấy bà nhỏ bé lại bận con nhỏ, nên một người bán phở đã thương tình đồng ý nhận bà gánh nước thuê cho cửa hàng. Khi không gánh nước, bà Phải lang thang nhặt đồng nát bán kiếm tiền nuôi con. Bi kịch lại đổ lên vai người phụ nữ bất hạnh vào năm 1981, con gái Nguyễn Thị Sinh khi đó mới 4 tuổi mất tích, trong lần bà gửi con cho hàng xóm đi làm. "Lúc đó tôi như phát điên, gào khóc vật vã ở bãi rác. Đời tôi chỉ còn nó là máu mủ, giờ nó thất lạc, tôi không còn thiết sống nữa", bà Phải bùi ngùi kể lại.

Suốt những ngày sau đó, bà Phải nhất quyết đi tìm con gái của mình. “Quả thực, ngày đó khó khăn tôi không có điều kiện chụp cho cháu lấy một bức ảnh. Những ngày tìm con mà như “mò kim đáy bể. May mắn sau hơn một năm trời rong ruổi khắp nơi, cuối cùng tôi bất ngờ tìm được con mình trong một gia đình hiếm muộn ở Bắc Giang”, bà Phải nhớ lại.

70 tuổi vẫn chưa hết lo cho con

Tìm được con gái, hai mẹ con bà lại trở về gầm cầu Long Biên sinh sống. Vẫn tiếp tục guồng quay cũ, ngày ngày bà lang thang nhặt rác, ai thuê gì làm nấy để nuôi con. Con gái ngày một lớn, điều kiện lại khó khăn nên không được học hành và rồi đành theo mẹ đi nhặt rác. Năm 1997, chị Sinh khi đó 20 tuổi, gặp một thanh niên quê Bắc Giang, hai người yêu nhau và xin cưới. Con gái thương mẹ lúc đầu cũng không muốn đi lấy chồng, nhưng khi được bà phải động viên, an ủi, rồi bảo: “Mẹ coi như vứt đi rồi, giờ con phải có cuộc sống riêng. Phải động viên mãi nó mới đồng ý đấy”.

cam canh nguoi phu nu 70 tuoi van nhat rac lo cho con
Bữa cơm qua ngày của bà Phải chỉ có cơm với trứng.

Hiện tại, cuộc sống chị Sinh cũng vất vả. Vợ chồng chị đã có 3 người con, đứa lớn cũng đã 19 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Do điều kiện khó khăn, lên cả 3 con cùng ở Bắc Giang sống với bố. Còn chị Sinh vẫn cố gắng bám trụ lại Hà Nội làm thuê, lấy tiền gửi về nuôi con và chăm mẹ già. “Con Sinh nó sài đẹn từ nhỏ, nên người gày mà sức khỏe không được tốt lắm. Nhưng hàng ngày vẫn sáng, tối đi rửa bát thuê cho các quán ăn. Làm việc vất vả mà tháng cũng chỉ được 4-5 triệu/ tháng”, bà Phải tâm sự.

Gần 40 năm phiêu bạt nơi đất khách quê người thì có tới 30 năm mẹ con bà phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Giờ đây, dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng ngày ngày bà Phải vẫn đi nhặt phế liệu. Đối với bà, niềm an ủi lớn nhất của bà chính là làm việc để đỡ đần, mong sao con gái được hạnh phúc. Khi được hỏi về những mong muốn của mình, bà Phải vui vẻ: “Những gì cần làm tôi đã làm hết rồi, giờ thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Ở đây, tôi có công việc, có con cháu, có những người hàng xóm tốt bụng đã cưu mang, đùm bọc gia đình tôi bao nhiêu năm qua, tôi không còn ước mơ gì cao xa nữa”.

Theo lời bà Phải kể, mẹ con bà về quê vào tháng 9/2010. Ngày bà hồi hương, điều bất ngờ nhất là trong gian nhà của đứa cháu, bà nhìn thấy trên ban thờ là tấm di ảnh của chính mình, vì mọi người đều tưởng bà đã mất. Bà Phải cay đắng tâm sự: "Tôi nói với đứa cháu là không cần phải gỡ cái ảnh đó xuống đâu. Đời người ai cũng có lần phải chết, chết trước chết sau không quan trọng. Quan trọng là mình đã phải sống, một cuộc đời còn bất hạnh hơn nhiều lần cái chết mới đáng sợ".

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này