Quy tắc ứng xử sẽ giúp người Việt đẹp hơn

13:37 | 29/04/2017
Sau mỗi dịp nghỉ lễ, những hình ảnh chưa đẹp tại các điểm vui chơi công cộng lại tràn ngập, khiến dư luận bất bình. Để hạn chế tình trạng này, Bộ VHTTDL và nhiều tỉnh, thành trên cả nước vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử - đang được kỳ vọng như “cây đũa thần”, giúp tuyên truyền để du khách Việt nâng cao ý thức, giảm đi hình ảnh phản cảm.
quy tac ung xu se giup nguoi viet dep hon Bộ quy tắc ứng xử du lịch: Sao vẫn “nên” và “không nên”?
quy tac ung xu se giup nguoi viet dep hon Quy tắc ứng xử nơi công cộng: Khen cái đẹp, dẹp cái xấu
quy tac ung xu se giup nguoi viet dep hon
Du khách xả rác tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: TRẦN VƯƠNG

Kỳ vọng vào các Bộ quy tắc ứng xử

“Chúng ta cứ chê khách Trung Quốc đi đâu cũng ồn ào, xả rác bừa bãi, tranh nhau khi ăn buffet, nhưng người Việt cũng xấu xí chẳng kém” - nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung trong buổi tọa đàm “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” diễn ra mới đây. Ông Chung đưa ra nhiều dẫn chứng để khẳng định cho câu nói của mình.

Đó là việc Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế) - một bảo vật quốc gia - đã bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên. Không chỉ riêng Đại hồng chung “kêu cứu”, mà rất nhiều di tích trên cả nước đều có tình trạng bị xâm hại bởi những nét vẽ nguệch ngoạc của du khách. Rồi việc nam thanh nữ tú vô tư mặc phản cảm đến đình chùa, hay sau mỗi mùa lễ hội, nghỉ lễ, những địa điểm công cộng lại ngập rác. Rồi việc người Việt khi đi du lịch nước ngoài nói to, ồn ào, không xếp hàng ở nơi công cộng… - những hình ảnh xấu xí của du khách Việt đang bị lên án mạnh mẽ.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng, việc ban hành quy tắc ứng xử trong du lịch và cả trong cuộc sống đang trở thành nhu cầu cấp bách, do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực du lịch.

Thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương, công ty lữ hành đã soạn thảo và cho ra đời nhiều Bộ quy tắc ứng xử, để nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân. Đà Nẵng giữa năm 2016 phát hành 5.000 bản in bộ quy tắc bằng tiếng Trung (trước đó có tiếng Anh và tiếng Việt) cho du khách, phát video tuyên truyền tại nơi công cộng. TPHCM cũng phát hành 75.000 bản quy tắc cho du khách theo hai đợt, tháng 1 và tháng 6.2017, bằng 5 thứ tiếng. Lào Cai phát các clip hướng dẫn ứng xử cho du khách từ tháng 2.

Hà Nội cũng ban hành các Bộ quy tắc ứng xử hướng đến nhiều đối tượng, từ cán bộ công chức đến người dân, doanh nghiệp. Bộ VHTTDL cũng vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử, với mục tiêu định hướng hành vi nên và không nên cho du khách khi đặt chân đến mỗi địa danh. Các bộ quy tắc đều nêu rõ, du khách nên: Xếp hàng, tôn trọng thành viên trong đoàn, trang phục lịch sự, tôn trọng sự khác biệt văn hóa, tín ngưỡng, lấy thức ăn, đồ uống vừa đủ dùng, kiểm soát việc sử dụng rượu, bia... Và không nên: Chen lấn xô đẩy, không vứt rác, không hút thuốc lá ở những nơi không được phép, không hái hoa, bẻ cành, không khạc nhổ bừa bãi…

Nhiều người kỳ vọng, các Bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp người dân nâng cao ý thức. Bởi những thói quen chưa đẹp của người Việt khi đi du lịch sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín quốc gia, tác động không nhỏ đến cộng đồng du lịch Việt.

Ngoài nhắc nhở, cần có chế tài

Từ ngày 25.4, để đưa Bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống, các di tích ở Hà Nội đã đồng loạt thực hiện lệnh “cấm” du khách ăn mặc phản cảm vào nơi linh thiêng. Một số địa điểm như đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn chuẩn bị áo choàng để cho du khách mượn, ngoài ra cũng tăng cường các hình thức truyên truyền, nhắc nhở.

Những ngày qua, Tổng cục Du lịch cũng lên kế hoạch đưa Bộ quy tắc ứng xử vào thực tế, bằng cách phối hợp với các đơn vị lữ hành để tuyên truyền cho du khách “khi đi du lịch cần biết quy tắc ứng xử”. Tuy nhiên theo nhiều người, ngoài việc triển khai bộ quy tắc tới hàng trăm nghìn du khách trước khi đi du lịch, thì cần có chế tài xử phạt những du khách vi phạm để tạo tính răn đe.

“Việc nâng cao hình ảnh du khách Việt phải làm kiên trì mới mong có kết quả, chứ không dừng lại ở việc hô hào. Chúng tôi xác định mỗi hướng dẫn viên có sứ mệnh tuyên truyền, yêu cầu du khách thực hiện theo bộ quy tắc. Ngoài ra cần có chế tài. Chẳng hạn như ở Singapore, chỉ cần vứt một mẩu thuốc lá ra đường, khách đã bị phạt tới 500USD, còn các bộ quy tắc của ta mới chỉ là khuyến nghị, thuyết phục khách thực hiện. Họ thích thì làm, mà không làm cũng đành chịu” - ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty du lịch Transviet - kiến nghị.

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist - hiến kế: “Nên pháp lý hóa các quy định này trong nội bộ các công ty lữ hành. Thậm chí cơ quan chức năng và doanh nghiệp làm du lịch nên mạnh dạn “cấm cửa” những du khách nghi ngờ bỏ trốn hay mắc lỗi nghiêm trọng như ăn cắp, gây gổ đánh nhau, chửi bậy... để nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện”.

Theo Chung Đang/laodong.com.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này