Âm vang từ Pháo Đài Láng: Niềm tự hào của người dân Thủ đô

08:01 | 29/04/2017
30/4/1975, ngày Đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất thu về một mối. Cứ đến mỗi dịp ấy, người dân cả nước lại xốn xang, trang nghiêm kỷ niệm ngày toàn thắng, thống nhất. 
niem tu hao cua nguoi dan thu do Trên những pháo đài canh chủ quyền Tổ quốc

Hồ hởi với người dân cả nước, trong đó có người dân Thủ đô. Thủ đô Hà Nội là trái tim của đất nước. Nhịp đập của trái tim ấy hòa cùng nhịp của cả nước, đại diện cho những ý chí, quyết tâm, kiêu hãnh, anh hùng, phát động ngay từ những ngày đầu, đồng hành cùng Tổ quốc đi đến thắng lợi cuối cùng.

Trong những thần kỳ, hiển hách ấy, ngay từ ngày đầu có oai hùng âm vang những phát đạn pháo, nã những loạt đầu tiên vào cơ sở, đồn trú của giặc Pháp; mở màn cho toàn quốc kháng chiến vào 20 giờ 03 phút, ngày 19/12/1946. Âm vang từ PHÁO ĐÀI LÁNG- Niền tự hào của người dân Thủ đô!

niem tu hao cua nguoi dan thu do
Một khẩu đội pháo tại trận địa Pháo đài Láng tháng 12-1946. (Ảnh tư liệu)

Những ngày này ta điểm lại nơi dấu son chói lọi ấy:

Di tích lịch sử Pháo đài Láng nằm ở cánh đồng thôn Láng Trung xưa (nay thuộc phố Pháo đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội). Khu vực pháo đài di tích lịch sử được xây dựng nằm trong khuôn viên cơ quan Tổng cục khí tượng Việt Nam.

Năm 1940, thực dân Pháp bắt nhân dân làng Láng Trung, xã Yên Lãng (nay thuộc phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) nhổ bỏ lúa trên cánh đồng rộng 4 ha để xây dựng pháo đài, nhằm chống phát xít Nhật đang tràn vào Việt Nam. Trong pháo đài có 3 khẩu pháo 75 mm nhưng sau hỏng một khẩu, còn hai hoạt động được. Năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, chiếm pháo đài. Sau Cách mạng tháng Tám thành công ta tiếp nhận và nhanh chóng làm chủ kỹ thuật sử dụng. Tháng 11/1945, phòng Quân giới thành lập xưởng sửa chữa pháo đầu tiên ở Hà Nội.

Ngày 29/6/1946, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Trung đội Pháo đài Láng, Xuân Tảo và Xuân Canh. Trung đội Pháo đài Láng gồm 20 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Nguyễn Ứng Gia làm trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Khoát làm chính trị viên. Pháo đài có 2 khẩu cao xạ 75 mm và 01 khẩu súng máy 12,7 mm. Tháng 9.1946 thành lập thêm Trung đội pháo Thủ Khối, nằm ở tả ngạn sông Hồng, đồng thời thành lập Đại đội Pháo binh thủ đô. Vinh dự sau này ngày 29.6.1946 trở thành ngày truyền thống của Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu, đúng 20 giờ 03 phút, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, nhà máy điện Hà Nội nổ mìn cho phá máy phát điện, toàn thành phố đèn tắt; Pháo đài Láng phát hỏa, bắn những phát đầu tiên lên đầu địch, đồng thời là hiệu lệnh của cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ngay hôm sau, địch cho máy bay trinh sát để ném bom. Pháo đài Láng bằng cách ngắm trực tiếp, đã mở đầu lập chiến công vang dội bắn rơi một máy bay địch vào ngày 21.12.1946; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen vào ngày 22.12.1946. Đến 10.1.1947, được lệnh mặt trận, Pháo đài Láng phá hủy pháo và rút về Hà Đông.

niem tu hao cua nguoi dan thu do
Một góc khu di tích Pháo đài Láng ngày nay

Sau 60 ngày đêm, pháo đài Láng đã cùng quân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Giam chân quân địch ở Hà Nội, tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng để tạo điều kiện cho nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài...”. Để ghi nhận những chiến công dũng cảm, kiên cường của quân và dân nơi đây, ngày nay con phố dẫn vào pháo đài được mang tên phố Pháo đài Láng.

Khu di tích Pháo dài Láng sau này trở thành di tích lịch sử cách mạng và năm 1993 được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Ngày nay Khu di tích Pháo đài Láng vẫn được bảo tồn xây dựng tường vây khép kín, bảo vệ trong khuôn viên khang trang. Một nhà trưng bày hiện vật được xây dựng đẹp đẽ trong khuôn viên, ở đó trưng bày nhiều hiện vật quý như: Danh sách cán bộ, chiến sỹ Đại đội Pháo binh Thủ đô ngày ấy, bằng công nhận Di tích lịch sử pháo đài, nhiều kỷ vật, tranh ảnh tiêu biểu như quả bom ba càng, 5 viên đạn pháo cao xạ 75 mm..., mô hình Hà Nội xưa. Khẩu pháo trong khuôn viên trưng bày là một trong hai khẩu pháo 75 mm lịch sử ấy. Khu di tích là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc ta.

Suốt xấp xỉ 30 năm dòng dã cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy hy sinh gian khổ, oanh liệt của dân tộc ta, 9 năm làm một Điện Biên, Mỹ hất cẳng Pháp, đến ngày toàn thắng 30.4.1975, thống nhất toàn vẹn đất nước; kể từ 20 giờ 03 phút, ngày 19.12.1946, nơi Pháo đài Láng anh hùng nã những phát “đại bác” thủa ấy lên đầu quân xâm lược, như Lời súng lệnh mở màn cho cuộc kháng chiến trường kỳ, thần thánh “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của dân tộc ta.

Người lao động và nhân dân Thủ đô luôn đi đầu và có quyền tự hào trong những thành tựu, chiến công vẻ vang chung của đất nước. Trong đó có dấu son rực rỡ của Âm vang “Pháo đài Láng’- anh hùng!

Ta tự hào và có ý thức chung tay giữ gìn “di tích lịch sử Quốc gia” ấy. Thủ đô Hà Nội tự hào về lịch sử, truyền thống trong mọi giai đoạn lịch sử đất nước, của mình; phấn khởi, sáng tạo để xây dựng Thủ đô luôn đi đầu, đạt được thành tựu tương xứng với tầm vóc và trọng trách của Thủ đô anh hùng. Vẻ vang với Thành phố anh hùng, thành phố vì hòa bình!

Hà Nội, 4/2017.

Việt Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này