Đồng đội!

19:43 | 29/04/2017
Hai tiếng gọi thân thương này lại ngân lên trong tháng 4, kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc. Đây cũng là những thời khắc người lính nhớ về đồng đội…
dong doi Giao lưu nghệ thuật đặc biệt ở Quảng Trị kỷ niệm 42 năm thống nhất đất nước
dong doi Ký ức người anh hùng bên sông Nổ

Đầu tháng, tôi nhận được cú điện thoại của Mai Xuân Vân, đồng đội, đồng hương, từ Vũng Tàu, gọi ra. Vân bảo: “Năm nay, chúng mình phải tổ chức một cuộc họp mặt hoành tráng hơn mọi năm để kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ…”. Tôi ôkê liền và háo hức chờ đợi ngày ấy. Chẳng là, hàng năm, chúng tôi, những người lính cùng nhập ngũ, lại hội ngộ, ôn lại những năm tháng chiến tranh gian khổ, hy sinh và đầy hào hùng…Đã mấy chục năm trôi qua, những cuộc hội ngộ này vẫn được duy trì. Và những câu chuyện về tình đồng đội cứ dài theo năm tháng.

Nhớ lại, tháng 8, năm 1972, tôi lên đường nhập ngũ. Cùng đi đợt này, trong xã có gần 10 người. Riêng xóm tôi có 3. Tôi, Mai Xuân Vân và Đặng Văn Hải. Ngày lên đường, mẹ tôi ôm lấy tôi, nước mắt đầm đìa. Bà nói trong nấc nghẹn: "Con ốm yếu thế này làm sao mà trụ được..." Bố tôi thì đứng đó, im lặng với những suy tư sâu thẳm. Nhìn sang bên cạnh, tôi thấy, bố của Hải đang xiết chặt đứa con vào ngực.

dong doi

Ba tháng huấn luyện, ba đứa chúng tôi ở chung một tiểu đội. Trước ngày vào Nam chiến đấu, Vân gọi Hải và tôi ra góc lán và bảo: “Thế nào, có định về thăm nhà không?”. Hải thừ người: “Ai cho về mà về!”. “Bỏ về, hoá ra mình đào ngũ à?”, tôi đế thêm. Sau một hồi bàn soạn, cuối cùng, ba chúng tôi quyết định: “Trốn về”, với một kế sách rõ ràng. Ngay đêm hôm đó, chúng tôi rời đơn vị, băng rừng đi thâu đêm. Đơn vị cách nhà chúng tôi gần 100 cây số. Bằng cách nào không ai nhớ rõ và sáng hôm sau, ba thằng đã có mặt ở nhà. Chúng tôi thống nhất nói với mọi người, do có thành tích trong huấn luyện, đơn vị “thưởng” cho về thăm nhà 1 ngày. Ở thăm nhà đúng 1 ngày, cả ba lại hối hả trở về đơn vị. Vừa hay, đơn vị chuẩn bị sức giấy và cử người về địa phương tróc nã. Tất nhiên, chúng tôi không thoát khỏi bị phê bình, cảnh cáo trước toàn đại đội nhưng đổi lại ba đứa chúng tôi không phải mang trên mình cái “án” đào ngũ.

Vào Nam, chúng tôi được điều về chiến trường Đông Nam Bộ (B2) và may mắn tôi, Vân và Hải lại được ở chung một đơn vị. Lúc này, cuộc chiến vào hồi quyết liệt. Cả ta và địch đều muốn giành lợi thế ở chiến trường để làm điều kiện trên bàn hoà đàm ở Pari. Đơn vị chúng tôi chiến đấu triền miên ở mặt trận Long Thành. Sau mỗi cuộc chiến, đồng đội của chúng tôi lại có người hy sinh. Trong số nhập ngũ một ngày, cùng xã, có Sửu, Phú đã hy sinh. Hải mang đến tin này sau một trận đánh, chống càn, mặt còn đen nhẻm thuốc súng. Hải nức nở: “Thằng Sửu, thằng Phú hy sinh rồi…”. Hải vốn là người can trường, nổi tiếng gan dạ, là tay súng B40 khét tiếng của đơn vị, thế mà nức nở như một trẻ nít. Nhận được hung tin, ba đứa chúng tôi cụm lại bên nhau. Sau nhiều phút yên lặng, Vân cất tiếng: “Chúng ta phải cố sống đấy nhé. Tao cấm thằng nào…chết!”

Thấm thoát đã đến Tết Quý Sửu, năm 1973, một cái tết đặc biệt. Bởi lẽ, lúc này Hiệp định Pari lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Chúng tôi có được ít ngày im tiếng súng. Thật ra, hiệp định chỉ mới đem lại hòa bình ở miền Bắc còn miền Nam lại bước vào một cuộc chiến đấu mới gay go ác liệt hơn. Đơn vị của chúng tôi phải chia nhỏ, dàn mỏng lực lượng để cắm cờ, giữ cờ, đánh địch vi phạm hiệp định, giữ đất, giành dân… Ta cắm cờ, địch nhổ, địch cắm cờ, ta lại nhổ, cứ như thế cuộc chiến dai dẳng, giằng co. Chiến trường B2 loang lổ kiểu da báo. Nguỵ Sài Gòn trước ngày thất bại đã huy động tổng lực lực lượng, hô hào “tràn ngập lãnh thổ” với sức mạnh tối đa của vũ khí Mỹ vào “canh bạc cuối cùng”.

Dưới sự yểm trợ của pháo binh, máy bay, xe tăng, chúng tung quân càn quét hòng đẩy lực lượng ta ra khỏi địa bàn. Trong một cuộc chiến như thế, Hải bị thương và được gửi về trạm thu dung để đợi ngày ra Bắc. Trước khi về trạm, ba chúng tôi lại gặp nhau. Anh em bịn rịn chia tay. Tôi nói với Hải: “Mày về nhà nhớ nói với bố mẹ chúng tao rằng, thế nào tao và thằng Vận cũng sẽ lành lặn trở về…”. Thế mà, chỉ hơn một tuần, tôi và Vận nhận được tin: Hải đã…chết. Một cái chết tức tưởi. Chẳng là, ở trạm thu dung, không có việc gì để làm… Hải cùng mấy đồng đội ra suối lấy mìn ném cá. Tai nạn đã xảy ra. Cái chết của Hải là một vết thương lòng không bao giờ lành trong tim chúng tôi.

dong doi
Bộ đội giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 3041975. Có thể thấy, còn vô số máy bay vận tải của quân đội chính quyền Sài Gòn bị bỏ lại.

Chiến dịch mùa xuân 1975 cuối cùng cũng khai hoả. Đơn vị được lệnh tiến đánh Long Thành rồi “thần tốc” giải phóng Sài Gòn. Trong chiến dịch này, tôi và Vân lạc nhau. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, tôi được chuyển ngành ra Bắc đi học. Vân ở lại quân ngũ và tiếp tục cuộc hành trình của người lính, tham gia giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ bọn Khơ Me đỏ Pol Pot. Vân bị thương nặng trong một trận đánh và được chuyển về Sài Gòn chữa chạy. Sau này, Vân được điều về công tác ở trạm điều dưỡng của Quân khu 7, đóng ở Vũng Tàu. Trước khi về hưu, Vân đảm nhiệm chức trạm trưởng và đeo hàm Trung tá…

Điểm lại, sau cuộc chiến, đồng đội cùng nhập ngũ, ở xã, có 3 người hy sinh, không kể Đặng Văn Hải chỉ được ghi nhận là tử sỹ. Số còn lại, mỗi người một số phận, một cuộc đời và ở các phương trời khác nhau. Tôi ở Hà Nội, Vân ở Vũng Tàu, hai người khác là Thuyết và Sơn về quê…Dẫu vậy, hàng năm chúng tôi đều hội ngộ. Tình đồng đội chưa bao giờ phai nhạt, dẫu một khắc trong chúng tôi. Lần nào gặp nhau, việc đầu tiên chúng tôi làm là đến nhà đồng đội đã hy sinh để được thắp một nén nhang tưởng nhớ. Đặc biệt, đối với Đặng Văn Hải, với chúng tôi, anh luôn là anh hùng, liệt sỹ. Chúng tôi không bao giờ quên lần đầu đến thắp hương cho Hải. Bố anh ôm lấy chúng tôi khóc ròng. Ông nói trong nghẹn ngào: “Thôi thì, nó chết vì dân, vì nước bác cũng cam lòng. Nhưng tại sao lại không là liệt sỹ…hả các cháu?”. Câu hỏi của ông đeo đẳng chúng tôi tới tận bây giờ…

Sắp tới, chúng tôi, đồng đội, lại được gặp nhau. Lần này, chúng tôi không còn được gặp Thuyết. Đồng đội của chúng tôi đã về với tổ tiên bởi căn bệnh ung thư, sau những năm tháng lên bổng, xuống trầm, một thời nổi tiếng, vang danh “Đại ca lò vàng”. Gặp nhau kỷ niệm 45 năm trở thành đồng đội, chúng tôi lại sẽ cùng nhau hát vang: “Tự hào ta ôm cây súng…Rùng rùng đoàn quân tiến về…”. Đồng đội gặp nhau với biết bao bài hát ngợi ca người lính, ngợi ca tình đồng đội…đi cùng năm tháng.

Hồ Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này