Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

Vẫn dậm chân tại chỗ

16:04 | 25/04/2017
Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS),  mặc dù Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc và chưa có hướng dẫn chi tiết về những vấn đề có liên quan.
tin nhap 20170425105410 Chính thức mở cửa cho người nước ngoài mua nhà

Các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ phát triển đồng bộ hơn nếu những khoản đầu tư gián tiếp của Việt kiều, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam được triển khai nhanh.

Theo báo cáo phân tích diễn biến thị trường BĐS quý 1/2017 của Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Vietnam), Việt Nam tiếp tục thể hiện sức hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

tin nhap 20170425105410
Nhiều Việt Kiều vẫn chưa thể tiếp cận được với nhà ở. Ảnh minh họa

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã thu hút 493 dự án đăng ký mới với khoảng 2,9 tỷ USD và 3,9 tỷ USD vốn FDI tăng thêm từ 223 dự án. Trong tổng số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hàn Quốc vẫn giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, với tổng vốn đăng ký mới đạt 3,75 tỷ USD, chiếm 48,6% tổng nguồn vốn FDI, theo sau là Singapore (910,9 triệu USD) và Trung Quốc (823,6 triệu USD). Trong đó, vốn FDI chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6,5 tỷ USD, chiếm 84,9% tổng FDI và hoạt động kinh doanh BĐS thu hút khoảng 344 triệu USD, chiếm 4,5% tổng vốn FDI. Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam cho biết: "Theo thống kê, hiện hầu hết nguồn vốn đầu tư nước ngoài đều đổ mạnh vào phân khúc BĐS cao cấp, trong đó dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ châu Á như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan…

“Tuy nhiên, về vấn đề bán nhà cho người nước ngoài, Việt kiều hiện nay vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, cần được làm rõ” - ông Đặng Văn Quang nhấn mạnh.

Vị Giám đốc JLL Việt Nam nêu ra một loạt các vấn đề như Luật quy định người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là có thời hạn, nhưng khi họ bán nhà cho người Việt Nam thì chủ sở hữu là người Việt có được chuyển thành nhà ở vô thời hạn hay không? Bên cạnh đó có quy định không được phép bán quá 20% cho người nước ngoài là đối với một tòa nhà, hay với một dự án…Ngoài ra, việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của ngân hàng từ nguồn tiền người nước ngoài cho thuê hoặc bán nhà ở Việt Nam để chuyển về nước cũng nhiều phức tạp khi phải chứng minh các hóa đơn, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng… góp phần khiến một số chủ đầu tư ngại rót tiền vào lĩnh vực này.

Chuyên gia BĐS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, những đối tượng vào Việt Nam đầu tư còn đem theo cả gia đình, vợ con và đều có nhu cầu về chỗ ở để yên tâm công tác. Vì thế, chính sách về nhà ở sẽ có vai trò quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế, thu hút các tổ chức cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có trình độ, bằng cấp vào Việt Nam, trở về Việt Nam sinh sống, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bởi thế, cần sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể để các đối tượng này được tiếp cận với nhà ở.

Ông Đặng Văn Quang cho biết, trong số hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và hơn 4 triệu Việt kiều, thì số lượng người sở hữu nhà ở Việt Nam mới dừng lại ở con số vài trăm. Đây là con số khiêm tốn không như những gì chúng ta kỳ vọng khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở có hiệu lực. Giám đốc JLL cho rằng, để được mua nhà tại Việt Nam, Việt kiều phải xin xác nhận công chứng giấy đăng ký kết hôn ở nước sở tại và dịch thuật, công chứng tại Việt Nam, điều này cũng khiến các Việt kiều tốn thời gian và gặp nhiều trở ngại.

Từ thực tế này, luật sư Nguyễn Đắc Thực – Giám đốc công ty Luật Minh Thư (Đoàn LS Thành phố Hà Nội) cho rằng, để khuyến khích việc sở hữu nhà ở, Chính phủ cần xem xét, đề ra các chính sách ưu đãi hơn về thuế, lãi suất… đối với các ngân hàng trong trường hợp họ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể vay tiền để mua nhà sinh sống, làm ăn tại Việt Nam. “Hơn nữa, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 và các văn bản pháp luật liên quan thì đã có quy định cho phép thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai để vay tiền. Vì vậy, các ngân hàng có thể yên tâm và tránh các rủi ro khi cho người nước ngoài vay tiền mua nhà ở tại Việt Nam bằng cách sử dụng chính nhà ở sẽ mua của các tổ chức cá nhân nước ngoài và Việt kiều để làm tài sản bảo đảm.”

Chuyên gia BĐS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, những đối tượng vào Việt Nam đầu tư còn đem theo cả gia đình, vợ con và đều có nhu cầu về chỗ ở để yên tâm công tác. Vì thế, chính sách về nhà ở sẽ có vai trò quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế, thu hút các tổ chức cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có trình độ, bằng cấp vào Việt Nam, trở về Việt Nam sinh sống, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bởi thế, cần sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể để các đối tượng này được tiếp cận với nhà ở.

Ngọc Linh - Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này