Giá cao vì hệ thống phân phối nhiều tầng: Biết rồi, nói mãi vẫn thế...

12:09 | 21/04/2017
Từ trước đến nay ở Việt Nam, hàng hóa đến tay người tiêu dùng vẫn tồn tại nghịch lý, giá sẽ bị nâng lên gấp nhiều lần so với giá sản xuất ban đầu. Nguyên nhân được cho là do thị trường tồn tại quá nhiều khâu trung gian, hệ thống phân phối. Mặc dù đây là một trong những khâu không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, nhưng nó lại đang tồn tại quá nhiều bất cập. Rốt cuộc người tiêu dùng và người sản xuất là chịu thiệt nhất.
biet roi noi mai van the Các cơ sở cung cấp RAT phải xác định rõ về nguồn gốc

Mua một bán mười

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đang tồn tại quá nhiều khâu trung gian, chính sự tồn tại này đang chiếm dụng phần lớn các khoản lãi sinh ra từ chuỗi thương mại hàng hóa. Trong khi đó, hai đối tượng chính là người sản xuất và người tiêu dùng lại đang phải chịu thiệt thòi. Nói về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, hiện khâu trung gian đang chiếm một vị trí rất lớn, theo thống kê trong xuất khẩu và thương mại nội địa, khâu trung gian, nhà phân phối đang kiếm lợi nhuận lên đến 60% lợi nhuận ròng.

biet roi noi mai van the
Giảm bớt khâu trung gian để lợi nhuận thực sự thuộc về nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Trước chia sẻ của các chuyên gia kinh tế về sự bất cập của khâu trung gian, anh Bùi Văn Nghị, một người trồng rau ở xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, anh trồng được một ít rau muống và rau cải xanh. Đến vụ thu hoạch, thương lái về tận vườn mua rau cải, rau muống với giá 3000 – 4000 đồng/1kg. Nhưng khi ra đến chợ, người tiêu dùng phải mua lại với giá cao gấp nhiều lần. “Ở ngoài chợ, 1 mớ rau muống bán từ 3000 – 5000 đồng. Mỗi mớ rau cũng chỉ khoảng từ 2 – 3 lạng, nếu tính ra thì rau đến tay người tiêu dùng sẽ có giá cao hơn từ 3 – 5 lần”, anh Nghị cho biết. Cũng theo anh Nghị, nhiều khi rau vào vụ mà thương lái không đến mua, anh cũng như nhiều người trồng rau khác lại phải cắt rau mang ra chợ bán. Dĩ nhiên, sản phẩm từ người sản xuất mang đến chợ sẽ rẻ hơn nhiều so với qua trung gian. Tuy nhiên, nghịch lý lại xảy ra khi người tiêu dùng cho rằng, giá thành rẻ là sản phẩm không an toàn.

Hay như sản phẩm thịt lợn, thương lái chỉ mua lợn hơi của người chăn nuôi với giá khá rẻ từ 25.000 – 35.000 đồng/1kg, song khi qua tay thương lái, giá thịt lợn hơi được đến tay người tiêu dùng vẫn không có sự thay đổi với trước đây (giá bán vẫn giao động từ 100 – 120.000 đồng/1kg). Điều này cho thấy, sản phẩm qua khâu trung gian không những bị nâng lên, mà các thương lái thậm chí còn ép giá người sản xuất. Trong khi đó, giá bán ra thị trường không đổi. Câu chuyện đã phản ánh đúng thực trạng, cũng như sự bất hợp lý trong hệ thống phân phối hàng hóa của nước ta hiện nay. Qua đó cũng chứng tỏ rằng, nhu cầu và lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng chưa thể gặp nhau.

Phải loại các khâu trung gian rườm rà

Hiện thị trường Việt Nam và các sản phẩm trong nước đang phải cạnh tranh rất nhiều với các sản phẩm cùng loại, nhưng lại được nhập khẩu từ nước ngoài. Vị thế đã yếu, sự cạnh tranh còn yếu hơn bởi sự lòng vòng của khâu trung gian, khiến sản phẩm đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên cao gấp nhiều lần. Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng là do thị trường hàng hóa của chúng ta từ trước đến nay đang bị phân chia ra nhiều tầng, nhiều lớp. Qua mỗi tầng, mỗi lớp trung gian, sản phẩm lại được nâng lên để rồi lợi nhuận cuối cùng thuộc về khâu trung gian, bởi họ đều cố gắng kiếm lời bằng việc đẩy giá sản phẩm tăng lên.

“Để xóa bỏ khâu trung gian là rất khó, tuy nhiên các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đầu mối cần sắp xếp lại hệ thống trung gian làm sao hiệu quả nhất. Khâu nào không tạo ra giá trị sáng tạo, không tạo ra giá trị tăng trưởng thực sự, thì cần phải thay đổi và loại bỏ. Qua đó, kích thích sự phát triển của khâu trung gian đơn giản, sáng tạo, giảm tối đa sự rườm rà trong hệ thống phân phối. Có như vậy, lợi ích thực sự mới đến được tay người tiêu dùng và người sản xuất”- ông Tiền chia sẻ.

Trước thực tế trên, làm sao để giảm thiểu khâu trung gian để sản phẩm đến trực tiếp tận tay người tiêu dùng?. Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia kinh tế, T.S Đặng Đình Tiền cho rằng, bản chất sâu xa của vấn đề vẫn là do truyền thống và đặc điểm sản xuất của người Việt vẫn theo lối nhỏ lẻ, manh mún và không gắn liền với thị trường. Trong khi đó, phần lớn hệ thống, doanh nghiệp (DN) bán lẻ của Việt Nam chưa chủ động tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa cho riêng mình, điều mà các DN vốn nước ngoài từ lâu đã làm được.

“Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của thương nhân, thương lái trong các hoạt động thu mua. Khi vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn tồn tại như hiện nay. Vì thế, khi đến tay người tiêu dùng tỷ lệ hao hụt cũng như chi phí tăng theo là tất nhiên. Kèm theo đó là “đội” giá, an toàn thực phẩm… họ cũng tính vào chí phí sản phẩm. Và việc sản phẩm bị đẩy giá không chỉ xảy ra tại các chợ truyền thống, mà ngay các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích… giá sản phẩm cũng bị đẩy lên rất nhiều. Bởi ngoài chi phí sản phẩm, khâu trung gian sẽ còn phải mất rất nhiều chi phí như: phí bôi trơn, chiết khấu, phí mở mã, khuyến mãi… sản phẩm bị đội giá cũng là do những khâu trung gian và chi phí như thế này”- ông Tiền cho hay.

Cũng theo ông Tiền, về nguyên tắc, mọi nhà kinh doanh đều muốn mua tận gốc, bán tận ngọn. Một hệ thống có nhiều khâu trung gian là không phù hợp với cả thương mại hiện đại lẫn truyền thống. Tuy nhiên, đối với thị trường Việt Nam, khâu trung gian vẫn có “đất sống”, bởi một phần nguyên nhân là do vấn đề hạn chế vốn. Ngoài ra, việc các nhà kinh doanh chấp nhận có thêm các khâu trung gian như một cách để giúp chiếm dụng và xử lý một phần khó khăn về vốn nhờ các hình thức như mua chịu, nợ vốn, trả sau…

“Để xóa bỏ khâu trung gian là rất khó, tuy nhiên các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đầu mối cần sắp xếp lại hệ thống trung gian làm sao hiệu quả nhất. Khâu nào không tạo ra giá trị sáng tạo, không tạo ra giá trị tăng trưởng thực sự, thì cần phải thay đổi và loại bỏ. Qua đó, kích thích sự phát triển của khâu trung gian đơn giản, sáng tạo, giảm tối đa sự rườm rà trong hệ thống phân phối. Có như vậy, lợi ích thực sự mới đến được tay người tiêu dùng và người sản xuất”- ông Tiền chia sẻ.

Thực ra không phải bây giờ chúng ta mới bàn đến vấn đề này, cách đây 10 năm nhiều chuyên gia đã cảnh bảo về sự nhiều tầng, nhiều lớp trong lưu thông hàng hóa khiến giá cả chênh nhau quá lớn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Giờ đây ai cũng biết điều đó, cơ quan quản lý hứa cũng nhiều nhưng để có giải pháp hữu hiệu thì vẫn dậm chân tại chỗ.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này