Nói về “chấm điểm” Cánh Diều 2016 - Đạo diễn Lương Đình Dũng :

Ban giám khảo chưa tiếp cận phim đầy đủ

11:53 | 13/04/2017
Tại lễ trao giải Cánh Diều 2016 diễn ra tối 9/4 tại TP Hồ Chí Minh, “Cha cõng con” đã nhận ba đề cử: “Phim xuất sắc”, “Đạo diễn xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Tuy nhiên, tác phẩm trượt cả ba hạng mục và chỉ nhận bằng khen “Phim truyện xuất sắc”.
ban giam khao chua tiep can phim day du Cánh Diều Vàng 2016: Xướng tên “Zippo, Mù tạt và Em”
ban giam khao chua tiep can phim day du Cánh diều 2016: Không bất ngờ cho giới chuyên môn lẫn khán giả!
ban giam khao chua tiep can phim day du Hơn 100 phim tranh giải “Cánh diều 2016”

Ngay sau đó, đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại Bằng khen cho ban tổ chức. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Lương Đình Dũng xoay quanh bộ phim này.

PV: Được biết, bộ phim “Cha cõng con” được anh ấp ủ 10 năm và mất tới 3 năm để hoàn thành với kinh phí lên đến 18 tỷ đồng. Vậy anh có thể chia sẻ về tâm huyết của mình trong suốt quá trình quay bộ phim?

Đạo diễn Lương Đình Dũng: Tôi phải mất 10 năm trong đó song hành với chuẩn bị làm việc kiếm tiền đến 6 năm. Còn lại những năm sau đó là đi vào thực hiện chính thức, nếu năm 2013 không bị bão lũ thì thực tế phim sẽ mất khoảng 7 năm thôi, nhưng đến tận năm 2015 quay và 2016 mới xong vì thế nó dài thành 10 năm. Bây giờ nếu tôi có làm thì trung bình sẽ là 2 đến 3 năm cho một phim, như vậy cũng là đủ cho một phim mà tôi hài lòng. Do mỗi mục tiêu và yêu cầu của các nhà sản xuất khác nhau, nên quay bao nhiêu là quyền quyết định của họ và liên quan đến nguồn kinh phí đầu tư nữa.

Phim “Cha cõng con” ghi hình ở thung lũng Bắc Mê (Hà Giang) vào đúng mùa mưa bão năm 2015. Những cảnh quay mưa lũtrong phim đều là cảnh mưa thật. Để quay được những hình ảnh thực tế ấy, đoàn phim phải đội mưa làm việc vất vả gấp bội so với lúc quay phim ở bối cảnh khô ráo. Suốt một tháng, ngày nào đoàn cũng mất 30 - 45 phút để leo lên đỉnh đồi Minh Ngọc ở độ cao 200 mét. Lúc xuống đồi, chúng tôi gặp khá nhiều nguy hiểm vì phải đi qua con suối. Buổi sáng, suối có thể cao đến đầu gối nhưng đêm về, nước đã ngập đến cổ. Bên sản xuất phải kéo dây điện từ chân lên đỉnh đồi để soi đường và chăng dây cáp qua suối.Mọi người cũng phải tháo rời các thiết bị điện rồi mới đưa được lên đỉnh đồi và lắp ghép.Trong lúc quay, chúng tôi liên tục gặp mưa, bão lớn. Mỗi lúc có mưa và sấm sét, anh em đều bảo nhau bỏ bộ đàm và điện thoại thật xa để tránh tai nạn. Xin nói thêm, để có được cảnh cậu bé chạy trên triền cỏ xanh, giữa ánh sáng vàng ruộm, hoa may phất phơ trong gió, tôi đã thuê người chăm sóc riêng bãi cỏ. Mỗi ngày, êkíp chỉ có 15 phút để quay bởi đó là thời điểm ánh sáng tốt nhất. Riêng cảnh này, chúng tôi phải mất mấy ngày mới có sản phẩm ưng ý.Êkíp cũng phải liên tục di chuyển giữa các địa điểm gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Sài Gòn. Khi các cảnh quay đã hoàn thành, về đến phòng dựng, xem lại thấy vẫn chưa thực sự hài lòng về vẻ đẹp của thiên nhiên, êkíp lại đi từ Hà Nội lên Hà Giang quay thêm ba lần nữa.

ban giam khao chua tiep can phim day du
Cảnh trong phim “Cha cõng con”.

-Với một bộ phim không có ngôi sao, không sử dụng siêu xe, không có chiêu trò để thu hút sự chú ý của khán giả, anh mong chờ điều gì ở bộ phim này?

Phim mục tiêu của tôi hướng đến khán giả là đầu tiên, một câu chuyện dung dị, nhẹ nhàng và cần sự chân thật thì mời diễn viên không chuyên đối với tôi là mục đích phục vụ nội dung, tạo ra một câu chuyện bằng hình ảnh thuyết phục nhất.

“Cha cõng con” kể về cuộc sống của cậu bé tên Cá sống cùng người cha bên bờ sông. Cá luôn mơ về thành phố tràn ngập ánh sáng trong những câu chuyện kể của một người đàn ông mù. Cậu mơ ước khi lớn lên sẽ được đến nơi mà anh mù từng ở, được chạm vào những đám mây trên “tòa nhà của tương lai”. Đến một ngày, cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo. Cha của cậu quyết định cõng con đi hiện thực hóa ước mơ trước khi mọi chuyện quá muộn. “Cha cõng con” đã ra rạp từ ngày 5/4.

- Với tâm huyết mình đã gây dựng, anh đánh giá thế nào về kết quả của bộ phim tại Cánh Diều 2016?

Khi các đoàn phim lên nhận giải Cánh Diều Vàng, Cánh Diều Bạc xong, tôi đã lặng lẽ ra trả lại Bằng khen cho Ban giám khảo. Sau đó trở về chỗ ngồi dự đến khi hết chương trình mới ra về. Tôi tự nhận mình là người vô duyên với Cánh Diều. Năm 2004, tôi tham dự ở hạng mục phim ngắn với “Hạnh phúc đỏ”. Phim được giải khuyến khích nhưng sau đó phim được chọn chiếu tại Liên hoan phim lớn của Pháp. Năm 2007, tôi tham dự Cánh Diều ở hạng mục phim ngắn với “Chuyện ông Mờ” và chỉ nhận được bằng khen của Ban giám khảo. Bộ phim này sau đó được giải “Phim xuất sắc” tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo video lần thứ 29 năm 2007. (dành cho phim ngắn)

Trước khi đến với Cánh Diều 2016, “Cha cõng con” đã chu du gần chục liên hoan phim quốc tế, được chọn trình chiếu tranh giải chính thức. Giữa tháng 4, tôi và đoàn phim sẽ sang Mỹ tham gia lễ trao giải Boston, Houston...

Tôi xin tránh chuyện đánh giá hay nhận xét về giải thưởng, vì tôi chỉ ở đó một buổi trao giải. Còn việc tôi gửi lại Ban giám khảo giải thưởng như tôi đã chia sẻ rồi, chuyện đó xong rồi, bây giờ tôi đang thực hiện một dự án khác.

- Vậy lý do anh trả lại bằng khen tại giải là gì?

Có lẽ cách thể hiện khác lạ của “Cha cõng con” là nguyên nhân khiến ban giám khảo Cánh Diều chưa thể tiếp cận bộ phim một cách đầy đủ. Và như vậy, tôi quyết định gửi lại Giải thưởng cho Ban giám khảo.

- Được biết, phim “Cha cõng con” vừa được chọn tranh giải Remi “Phim truyện xuất sắc” trong khuôn khổ liên hoan phim quốc tế Houston lần thứ 50 (Texas, Mỹ). Anh có mong chờ bộ phim của mình sẽ làm nên chuyện?

Đến hiện tại có 8 Liên hoan chọn chiếu “Cha cõng con” và tranh giải chính thức. Với tôi, chọn chiếu tại Liên hoan là vui rồi. Còn giải thưởng chắc phải đến lúc đó mình mới biết.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này