Tội phạm buôn bán động vật hoang dã

Phải xử lý thật nghiêm

10:19 | 11/04/2017
Liên tiếp trong những ngày gần đây, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Điều đó cho thấy, tình hình tội phạm liên quan đến động vật hoang dã đang diễn biến ngày càng phức tạp. Trong khi đó, quy định xử loại tội phạm này vẫn còn khá nhẹ. Chủ yếu là phạt hành chính.
tin nhap 20170411094608 Cảnh sát nổ súng truy bắt xe chở động vật hoang dã số lượng khủng
tin nhap 20170411094608 Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc động vật hoang dã bị xâm hại

Liều lĩnh, manh động

Khoảng 16h ngày 5/4 tại km 492 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, tổ tuần tra kiểm soát giao thông đường Hồ Chí Minh (Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình) đã tiến hành kiểm tra xe ô tô 7 chỗ mang BKS 29A-168.06 trên xe có 2 người đi hướng tỉnh Thanh Hóa - Hà Nội.

Tuy nhiên, lái xe đã bỏ chạy. Trong quá trình bỏ chạy lái xe luôn chống đối, chèn ép xe tuần tra. Khi đối tượng cho xe ô tô chạy vào đường nhánh bên trái đường 12B, tổ tuần tra đã dùng súng bắn vào lốp sau bên trái xe ô tô. Để khống chế phương tiện của đối tượng, tổ công tác tiếp tục bắn vào lốp trước bên trái ô tô làm cho xe của đối tượng không chạy được. Ngay lúc dừng xe lại cả 2 đối tượng đã mở cửa xe và bỏ chạy, tổ công tác đã tiến hành truy bắt 1 đối tượng. Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm đếm hàng hóa trên xe, có 118 cá thể tê tê với tổng khối lượng 556kg.

tin nhap 20170411094608
Lực lượng chức năng triệt phá đường dây buôn bán động vật hoang dã

Cùng thời điểm này, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn chạy qua huyện Thạch Thành phát hiện xe cứu thương lưu thông theo hướng Nam - Bắc có dấu hiệu nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện kiểm tra hành chính. Khi vừa ra tín hiệu dừng xe thì tài xế xe cứu thương đã tăng tốc bỏ chạy. Ngay lập tức, tổ công tác đã truy đuổi theo xe cứu thương đến km 508+300 thì tài xế dừng xe bên đường. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng CSGT phát hiện trên xe có vận chuyển 1 cá thể hổ đông lạnh được để trong bao tải với trọng lượng 180kg. Vào thời điểm trên khi truy đuổi thì trên xe cứu thương có 2 người nhưng đã chạy trốn vào rừng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thực tế cho thấy, tội phạm liên quan đến hành vi xâm hại, đe dọa các loài động vật trong “sách đỏ” vẫn chưa được coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng. Theo luật sư Lại Xuân Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội: Điều 190 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định hình phạt cao nhất cho tội phạm về động vật hoang dã là 7 năm tù. Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào bị tù giam liên quan đến hành vi vi phạm xâm hại, đe dọa các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Điều này làm giảm tính răn đe của pháp luật đối với người phạm tội. Việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã, quý hiếm đang tạo ra một mức lợi nhuận khổng lồ.

Việc đấu tranh với tội phạm buôn bán động vật hoang dã ngày càng khó khăn. Khi thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các đối tượng tội phạm thường xuyên sử dụng mạng xã hội để thực hiện các giao dịch buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, kiểm soát.

Trong khi nếu có bị bắt nhiều khi cũng chỉ bị xử lý hành chính nên nhiều người vẫn bất chấp. Bên cạnh đó, Điều 190 của BLHS đã quy định việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm liên quan đến các loài thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ không cần phải có căn cứ về định giá trị, khối lượng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, các cơ quan chức năng đã áp dụng Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử phạt hành chính. Việc áp dụng xử lý hành chính không trái luật nhưng rõ ràng, mức phạt trên chưa đủ tính răn đe.

Năm 2017, toàn thế giới thực hiện những hành động mạnh mẽ và bền vững trong việc đóng cửa những thị trường buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và giảm nhu cầu tiêu dùng đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, cũng là thể hiện cam kết có trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, các hiệp định song phương, đa phương và Nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã, ngày 17/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Thông qua đó, các cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân, cán bộ, công chức, nhất là lực lượng thực thi pháp luật về cuộc chiến bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã. Phối hợp chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế về các đường dây buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã xuyên quốc gia.

Thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát thu thập, xử lý thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn, xác định trọng điểm, kiểm tra giám sát chặt chẽ các mặt hàng động, thực vật hoang dã, để xác lập các chuyên án đấu tranh, bắt giữ, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm, nhất là kiểm soát buôn bán, truy tố xét xử các vụ án tồn đọng liên quan đến ngà voi, sừng tê giác. Cùng với đẩy mạnh việc thực thi luật pháp có hiệu quả, cần sớm thay thế, sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt là BLHS năm 2015, cũng như có giải pháp tạo công ăn việc làm bền vững cho cộng đồng gây nuôi, buôn bán hợp pháp động vật, thực vật hoang dã tại Việt Nam.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này