Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao:

Người thu nhập thấp cũng phải được thụ hưởng

08:42 | 09/04/2017
“Nông nghiệp công nghệ cao” (NNCNC) trở thành đề tài được nhiều người quan tâm. Bên cạnh sự kỳ vọng Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) sẽ tạo nên kỳ tích giúp nông sản Việt vươn xa, nhiều chuyên gia đầu ngành nông nghiệp lại tỏ ra lo ngại và cho rằng, sẽ có bao nhiêu người tiêu dùng trong nước tiếp cận được với sản phẩm này?.
nguoi thu nhap thap cung phai duoc thu huong Xây dựng chuỗi giá trị tiêu chuẩn Quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp
nguoi thu nhap thap cung phai duoc thu huong Đổi mới và sáng tạo: Không còn con đường nào khác

Ưu đãi lớn cho nông nghiệp công nghệ cao

Trước khi vấn đề NNCNC nhận được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (sau khi chỉ đạo nâng gói hỗ trợ cho đầu tư NNCNC từ 60.000 tỉ đồng lên 100.000 tỉ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ để thực hiện), NNCNC cũng đã nhận được nhiều ưu đãi để phát triển. Tuy nhiên do sự thiếu vốn, thiếu đầu tư, quỹ đất và đầu ra cho sản phẩm nên NNCNC gặp không ít khó khăn. Đơn cử như Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển NNCNC (với điểm nhấn là mô hình sản xuất rau thủy canh). Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, địa phương này có khoảng hơn 50.000ha đất đầu tư phát triển NNCNC và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân.

nguoi thu nhap thap cung phai duoc thu huong
Phát triển NNCNC là hướng đi tốt, tuy nhiên để người tiêu dùng trong nước tiếp cận được vẫn cần thời gian dài.

Còn ở phía Bắc, một số tỉnh thành như Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên… cũng đã thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư phát triển NNCNC. Đối với Hà Nam, hiện bước đầu đã quy hoạch được khoảng 300ha trên tổng số 500 ha quỹ đất dành cho sản xuất NNCNC. Tại Thái Bình, một dự án lớn với 3000ha vừa được Tập đoàn TH đầu tư vào NNCNC… Cùng với đó, việc các ngân hàng khơi thông nguồn vốn cho vay, cũng như việc Bộ NN&PTNT hoàn thiện tiêu chí NNCNC, tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất, đã tạo được động lực lớn giúp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tin tưởng vào sự đổi thay của nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Dù ưu đãi lớn là vậy, thế nhưng theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, để đón được nguồn vốn đầu tư NNCNC là điều không hề đơn giản. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty rau sạch Thành Trung chia sẻ, hiện vấn đề NNCNC đã và đang nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ. Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, thì các DN nhỏ và DN trong quá trình khởi nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. “Yêu cầu gần như bắt buộc của các ngân hàng là phải có tài sản thế chấp là sổ đỏ hoặc sổ hồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho NNCNC đã phải thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng từ trước. Vì thế, mặc dù tài sản trên đất nông nghiệp có vốn hàng tỉ đồng, nhưng vẫn không được ngân hàng xem xét cho vay vốn, đó chính là cái khó”, ông Trung nói.

Việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đón nguồn vốn vay đầu tư phát triển NNCNC, đồng nghĩa với việc nguồn vốn này sẽ “rơi” vào tay các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không đòi hỏi quá nhiều vào việc quỹ đất, nhưng nguồn vốn đầu tư cho công nghệ, kỹ thuật và cơ sở vật chất thì rất lớn. Đây cũng chính là một rào cản để doanh nghiệp nhỏ phát triển NNCNC.

Người tiêu dùng có được thụ hưởng?

Theo quy luật, các sản phẩm từ đầu tư NNCNC chắc chắn sẽ có sản lượng tốt hơn, chất lượng hơn và giá thành cũng sẽ cao hơn. Điều này khiến số đông người tiêu dùng tỏ ra lo ngại và cho rằng, đầu ra của sản phẩm sẽ ra sao và liệu sản phẩm NNCNC này có đến được gần với người tiêu dùng hay không, hay cũng giống như tất cả những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao khác như nông sản hữu cơ, nông sản sạch… khi chỉ đáp ứng đủ và phù hợp với một bộ phận người tiêu dùng có điều kiện?.

Ông Nguyễn Thành Trung cho hay, hiện nay đa số người tiêu dùng khó tiếp cận được rau sạch, rau hữu cơ… một phần là do hệ thống phân phối ít, mặt khác là do có sự chênh lệch về giá (gấp 1/3 so với sản phẩm thông thường) nên khó tiêu thụ. Ngoài ra, thói quen của người tiêu dùng chính là trở ngại khiến cho nhiều sản phẩm loại này trong nước vẫn đang bế tắc ở khâu đầu ra, dù cho chất lượng không thua kém hàng ngoại. Vì thế, việc sản phẩm NNCNC có đến được tay người tiêu dùng hay không, đó vẫn là câu hỏi phía trước.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Tiến Dũng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, phát triển NNCNC là hướng phát triển rất tốt. Nhờ có khoa học kỹ thuật và hệ thống nhà kính sẽ ngăn chặn được các loại dịch bệnh. Ngoài ra, người dân cũng sẽ tự điều chỉnh được nền nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với từng loại nông sản, khi đó chất lượng sẽ tốt hơn và năng suất cũng cao hơn. Đặc biệt là tiết kiệm được lao động, chi phí phát sinh…

Tuy nhiên, các sản phẩm NNCNC hiện rất phù hợp cho xuất khẩu và đẩy mạnh thương hiệu nông sản Việt ra thế giới. Ngược lại, với sản phẩm NNCNC khả năng tiếp cận của người tiêu dùng trong nước sẽ rất khó bởi giá thành cao và hệ thống phân phối chưa hoàn chỉnh. “Hiện nay NNCNC đang được quan tâm nhiều nhưng không thể thay thế hoàn toàn kinh tế nông hộ, đây là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân. Do đó, cần những mô hình hỗ trợ liên kết nông dân, hỗ trợ kỹ thuật để họ sản xuất những sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu thị trường. Sẽ không thể có một nền nông nghiệp công nghệ cao nếu nông dân (một trong hai chủ thể quan trọng nhất của lĩnh vực này, cùng với doanh nghiệp) lại không đủ trình độ để áp dụng và sản phẩm làm ra không đến được với người tiêu dùng trong nước”- ông Dũng cho hay.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này