Thêm 800 cơ hội việc làm tại Hàn Quốc: Cơ hội cho lao động nghèo

13:08 | 04/04/2017
Năm nay, lần đầu tiên, 800 lao động thuộc 64 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30A của Chính phủ) và lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (theo Quyết định 131/QĐ-TTg) sẽ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành nông nghiệp, nếu vượt qua kỳ thi tiếng Hàn được tổ chức vào cuối tháng 7/2017.
them 800 co hoi viec lam tai han quoc co hoi cho lao dong ngheo Hà Nội: 5 huyện bị tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc
them 800 co hoi viec lam tai han quoc co hoi cho lao dong ngheo Thêm 1.300 cơ hội việc làm tại Hàn Quốc

Cơ hội tăng thu nhập cho LĐ huyện nghèo

Tại cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí diễn ra ngày 3/4, ông Đặng Sỹ Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội- LĐTBXH) cho biết: Đối tượng tuyển chọn lần này là người lao động (NLĐ) chưa từng đi làm việc tại Hàn Quốc, đang cư trú dài hạn tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ- CP ngày 27/02/2008 của Chính phủ và tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trừ các xã thuộc các huyện tạm dừng tuyển chọn năm 2017.

them 800 co hoi viec lam tai han quoc co hoi cho lao dong ngheo
LĐVN đi làm việc tại Hàn Quốc

Đối với những NLĐ chuyển hộ khẩu từ các địa phương không tuyển chọn trong ngành nông nghiệp hoặc tạm dừng tuyển chọn năm 2017 đến các địa phương được tuyển chọn nói trên thì phải có thời gian cư trú tối thiểu tại địa phương chuyển đến là 1 năm tính đến ngày 10/4/2017.

Ngoài ra, NLĐ đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp về nước đúng hạn hợp đồng, bao gồm trường hợp NLĐ có hộ khẩu thường trú tại các huyện tạm dừng tuyển chọn năm 2017; NLĐ đã từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp và ở lại cư trú bất hợp pháp nhưng đã tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1/4/2016 đến ngày 31/12/2016 cũng trong đối tượng được tuyển chọn đợt này.

Không ai có thể tác động vào kết quả

Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết: Theo quy định, để được tuyển chọn đi làm việc tại Hàn Quốc, NLĐ phải thi đỗ kỳ thi tiếng Hàn. Với kỳ thi này, thí sinh ghi nhớ là không được mang điện thoại di động, cassette, PDA, máy nghe nhạc MP3, từ điển điện tử và các thiết bị điện tử khác vào phòng thi.

Việc mang và sử dụng những thiết bị trên tại địa điểm thi sẽ bị xem là gian lận. Những thí sinh nào có hành vi gian lận trong quá trình làm bài sẽ bị hủy bài kiểm tra và bị cấm dự thi trong thời gian 3 năm.

Ngoài ra, nếu có sự khác biệt về các thông tin cá nhân (họ tên và ngày tháng năm sinh) giữa chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước và Đơn đăng ký dự thi tiếng Hàn thì hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc Hàn Quốc sẽ không được chấp nhận dù NLĐ đã có kết quả thi đạt yêu cầu.

“Theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTBXH Việt Nam về chương trình đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc, Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất của Bộ LĐTBXH Việt Nam có thẩm quyền phái cử NLĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, đồng thời đây cũng là đơn vị duy nhất được chỉ định phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức kỳ kiểm tra tiềng Hàn.

Các tổ chức, cá nhân khác không được tham gia hay tác động vào bất cứ quá trình nào của việc phái cử LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Vì vậy, NLĐ không nên tin vào cò mồi, môi giới hứa hẹn việc giúp thi đỗ, đi nhanh... dễ bị mất tiền oan”, ông Đặng Sỹ Dũng nhấn mạnh.

Thông tin về việc tạm dừng tuyển chọn LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc ở 58 quận, huyện thuộc 12 tỉnh vừa được công bố, Phó Cục trưởng Đặng Sỹ Dũng cho biết, việc tạm dừng tuyển LĐ căn cứ vào tỷ lệ LĐ bỏ hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp còn cao.

Việc này không phải là quyết định riêng từ phía Việt Nam mà theo thỏa thuận với phía Hàn Quốc, nếu Việt Nam không tạm dừng tuyển LĐ ở 58 quận, huyện này thì phía Hàn Quốc sẽ không ký lại Thỏa thuận hợp tác về LĐ.

Cùng với danh sách tạm dừng tuyển tại 58 quận, huyện, Bộ LĐTBXH cũng đưa ra danh sách 109 quận, huyện được đưa vào diện xem xét tạm dừng tuyển trong năm 2017. “Chúng tôi không loại trừ năm 2018 sẽ mở rộng hơn số quận, huyện, tỉnh trong diện bị tạm dừng tuyển- nếu NLĐ và gia đình có con đi làm việc tại Hàn Quốc tiếp tục không cải thiện tình hình vi phạm hợp đồng”, ông Đặng Sỹ Dũng cho biết.

Tại cuộc gặp mặt báo chí, đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết: Hiện Việt Nam có khoảng 40.000 người làm việc tại Hàn Quốc, trong số này, tính đến hết tháng 12/2016, số LĐ đã hết hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 16.100 LĐ (khoảng 40%).

“Đây là việc khiến cơ quan quản lý nhà nước rất đau đầu và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều LĐVN có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc. Qua nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc và đàm phán với phía Hàn Quốc, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã hiểu trách nhiệm này không chỉ nằm ở phía NLĐ Việt Nam. Bởi, nếu chủ sử dụng LĐ Hàn Quốc không tiếp nhận, sử dụng LĐ bất hợp pháp, liệu NLĐ có thể ở lại không ?.

Tuy nhiên, dù thế nào, các cơ quan quản lý LĐ của Việt Nam cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh khâu tuyên truyền cả trong và ngoài nước để NLĐ hiểu, ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đã cam kết trước khi đi làm việc”, ông Đặng Sỹ Dũng cho biết.

Lan Ngọc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này