Quy hoạch cốt nền

Bao giờ mới hết lệch pha?

07:23 | 25/03/2017
 Thực tế trên địa bàn Thành phố thời gian qua có những địa điểm cốt nền bị “lệnh pha” với kết cấu đường đi dẫn đến việc nhà quy hoạch phải chấp nhận hiện trạng, song ở những chỗ mới vẫn có thể khắc phục được. Vấn đề là  làm sao trong thời gian tới, việc quy hoạch  trên địa bàn Thành phố  không còn sự “lệch pha” như trên?
bao gio moi het lech pha Không ngại điều chỉnh quy hoạch nếu đó là vì lợi ích của người dân
bao gio moi het lech pha Đề án quy hoạch: Người dân phải được tham gia

Những ngày này, trên nhiều tuyến đường của Hà Nội, âm thanh dễ bắt gặp là tiếng “ỳ ầm” của máy khoan bê tông, búa đập đang tháo dỡ các bậc thềm tam cấp sai quy định trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Và cũng từ đây, nhiều vấn đề “bất cập” nảy sinh. Bác Nguyễn Thi Nhung, người dân trên phố Nguyễn Khuyến cho biết, phố Nguyễn Khuyến vốn là vùng trũng của Thành phố, khu vực này cũng được liệt vào danh sách các điểm đen “úng ngập” của Hà Nội trong mùa mưa, do đó khi xây dựng người dân cũng thường xây cao hơn vỉa hè từ 20 phân đến 1 mét. “Chúng tôi ủng hộ chủ trương để Thành phố thêm sạch thêm thoáng, nhà tôi cũng như nhiều bà con trên phố này đã tự giác tháo dỡ phần bậc tam cấp của mình. Vướng nhất bây giờ là bậc thềm cao nên việc ra vào nhà trở nên khó khăn” – bác Nhung tâm sự.

bao gio moi het lech pha
Sau thi tháo dỡ bậc thềm lấn chiếm vỉa hè, nhiều nhà bỗng cao vút so với mặt đường.

Cùng chung hoàn cảnh ở trên, anh Nguyễn Tuấn Long (một hộ dân trên phố Xã Đàn) cho biết, gia đình anh làm nền nhà dựa theo cốt đường Xã Đàn cũ, cốt này chênh gần 20 cm so với đường mới, ngoài ra khi xây nhà gia đình cũng chủ động đẩy nền nhà cao hơn để tránh nước ngập. Do đó, mới dẫn đến tình trạng “dở khóc, dở cười” nền nhà cao hơn mặt đường cả mét như hiện nay. “Sáng 15.3, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã tiến hành tháo dỡ 2 bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè trước cửa nhà. Cũng từ đó đến nay việc kinh doanh trong nhà gặp khó vì khách ngại trèo cao, khổ là vậy nhưng đến nay gia đình cũng vẫn chưa có giải pháp thay thế” – anh Long tâm sự.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một trong những ví dụ tiêu biểu (cùng với các điểm khu dân cư thường xuyên bị ngập úng mỗi khi trời mưa) có liên quan đến câu chuyện quy hoạch “cốt nền” và trách nhiệm của những người trong cuộc.

Từ những bất cập về “lệch pha” cốt nền mà các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đang phải giải quyết khi chiến dịch thiết lập lại trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố đang diễn ra, câu hỏi đặt ra đến bao giờ mới không để diễn ra sự “lệnh pha” trong quy hoạch cốt nền và quản lý xây dựng?

Thực tế, theo khảo sát của PV, tình trạng chênh lệch cốt nền trên địa bàn Thành phố là khá phổ biến, đặc biệt tại các khu đô thị mới. Nằm sát KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì, cứ mỗi mùa mưa, người dân thôn Đình Thôn, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội lại được phen khốn đốn, đường làng thành “sông”, người xe bì bõm. Nguyên nhân được xác định là do cốt nền xây dựng trong thôn vốn thấp hơn cốt nền của KĐTM Mỹ Đình - Mễ Trì và thấp hơn cốt đường Phạm Hùng nên mưa to là nước không thoát, thậm chí nước mặt còn chảy ngược lại… Không chịu được cảnh sống chung với nước mỗi khi mưa ngập, người dân trong làng thi nhau tôn nền, nâng ngõ, nâng đường vào thôn. Điệp khúc nâng nền, tôn đường cứ lặp lại không hồi kết, nhà nọ tôn nền, nhà kia tôn nền, cứ thế câu chuyện ngập thì nâng, nâng xong lại ngập, ngập rồi lại nâng trở thành vòng tròn không lối thoát.

Cũng mới đây, nhiều hộ dân sinh sống tại xóm Đình, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội đang nơm nớp “lo ngại” cảnh ngập úng khi mùa mưa sắp đến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính quyền địa phương đang mở đường dẫn vào khu tái định cư Bờ Lờ. Tuy nhiên, điều đáng bàn là con đường này có cốt nền cao hơn hẳn so với cốt nền trung bình của đường xóm Đình khoảng 80cm, thậm chí có những điểm lên tới 120cm. Với độ vênh của cốt nền mới và cốt nền cũ khiến người dân không khỏi lo ngại nước sẽ tràn vào nhà mỗi khi trời mưa.

Nói về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quy hoạch chung có cốt chuẩn những các nhà đầu tư có tôn trọng hay không? Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, thực tế trong quy hoạch có những vị trí nhà làm quy hoạch phải chấp nhận hiện trạng, nhưng những chỗ mới hoàn toàn thì phải có cách giải quyết để khắc phục. Cái chính, do việc kiểm tra chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn đã dẫn đến tình trạng khập khiễng cốt nền. “ Các nhà đầu tư hoặc những người thi công không tuân thủ theo quy định cốt chuẩn”- PGS.TS Hùng nhấn mạnh.

Ủng hộ chủ trương ra quân thiết lập lại kỷ cương văn minh đô thị của Thành phố, tuy nhiên theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, cơ quan quản lý cũng cần tìm một giải pháp hài hòa, bởi có giải quyết hài hòa thì xã hội mới phát triển bền vững. “Chúng ta phải nên tìm thêm những giải pháp thay thế, ngoài ra cũng cần tuyên truyền rõ để người dân hiểu và ủng hộ để tránh việc “bắt cóc, bỏ dĩa”” - PGS. TS Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Từ những bất cập về “lệch pha” cốt nền mà các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đang phải giải quyết khi chiến dịch thiết lập lại trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố đang diễn ra, câu hỏi đặt ra đến bao giờ mới không để diễn ra sự lệnh pha trong quy hoạch cốt nền và quản lý xây dựng?

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này