Bộ LĐTBXH hướng dẫn giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng

16:55 | 21/03/2017
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa ban hành Quyết định số 408/QĐ-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.
bo ldtbxh huong dan giai quyet ho so nguoi co cong ton dong Đề xuất tăng phụ cấp với người có công
bo ldtbxh huong dan giai quyet ho so nguoi co cong ton dong Sẽ xử lý nghiêm trường hợp làm giả hồ sơ người có công
bo ldtbxh huong dan giai quyet ho so nguoi co cong ton dong Sẽ tổ chức cấp Quốc gia Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ

Theo mục tiêu đề ra của ngành, năm 2017, Bộ LĐTBXH sẽ giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐTBXH, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên.

bo ldtbxh huong dan giai quyet ho so nguoi co cong ton dong
Năm 2017, Bộ LĐTBXH sẽ giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh

Về đối tượng, trong năm 2017 ngành LĐTBXH sẽ xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng được lập trước ngày 1/7/2013 nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục, hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; các hồ sơ đang được lưu trữ tại cơ quan LĐTBXH, công an, quân đội cấp tỉnh trở lên.

Bộ LĐTBXH sẽ không xem xét đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng (không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định pháp luật).

Về quy trình giải quyết, Sở LĐTBXH phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh rà soát hồ sơ tồn đọng để xác định địa phương có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết theo nguyên tắc: Với đối tượng hoạt động không thoát ly, thực hiện quy trình giải quyết tại tỉnh, thành phố nơi đối tượng hoạt động cách mạng. Với đối tượng hoạt động thoát ly thì thực hiện tại tỉnh, thành phố nơi đối tượng cư trú khi bắt đầu hoạt động cách mạng.

Theo Bộ LĐTBXH, do tính chất quan trọng, phức tạp của việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐTBXH yêu cầu: Đối với các tỉnh, thành phố có từ 50 hồ sơ trở lên thì chọn một số địa phương cấp huyện để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra phạm vi toàn tỉnh, thành phố.

Đối với các tỉnh, thành phố có từ 10 đến 50 hồ sơ thì tổ công tác liên ngành trực tiếp phối hợp với địa phương để triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố. Đối với các tỉnh, thành phố có dưới 10 hồ sơ thì giao địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch của trung ương và báo cáo tổ công tác liên ngành, Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) thẩm định kết quả.

Về việc xem xét, xác nhận kết quả, Ban chỉ đạo, hội đồng xác nhận người có công các cấp họp công khai, biên bản cuộc họp chỉ có giá trị khi có ít nhất 80% thành viên dự họp và ký biên bản thống nhất đề nghị xác nhận, các thành viên vắng mặt được lấy ý kiến bằng văn bản.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này