Phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công: Quản lý và giám sát chặt

16:52 | 21/03/2017
Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra, có 2 nội dung quan trọng được các đại biểu đặc biệt quan tâm là Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) ...
quan ly va giam sat chat Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Phải giám sát chặt

Theo đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nươc (NSNN) kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương 1,12 triệu tỉ đồng (vốn trong nước 820.000 tỉ đồng, bao gồm 260.000 tỉ vốn trái phiếu CP và vốn nước ngoài 300.000 tỉ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỉ đồng.

quan ly va giam sat chat
Quản lý chặt đầu tư công để tránh nợ công tăng cao.

Và để tiền ngân sách không bị đầu tư dàn trải, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến hết 28/2, bộ, ngành, địa phương nào phân bổ không đúng quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa vào dự phòng chung vốn đầu tư ngân sách Trung ương. Còn với tư cách cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, đối với những dự án tỷ lệ vốn bố trí quá thấp, không đủ khả năng hoàn thành thì cần đưa ra khỏi danh mục để tập trung cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020, khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải, dở dang ở nhiều dự án.

Trên 2 triệu tỉ đồng là một con số cực lớn, vì vậy theo các đại biểu, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội và cả UBTVQ phải giám sát quy trình đầu tư một cách chặt chẽ để tránh thất thoát.

Tránh lách luật trong đầu tư công

Cũng liên quan đến đầu tư công tại dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) các đại biểu kiến nghị vấn đề quan trọng là xác định tiêu chí nợ công thế nào để mỗi cơ quan tính và báo cáo một kiểu. Quản lý đầu tư công, nợ công ra sao để nợ công không gia tăng quá nhanh.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ công tăng nhanh trong những năm qua như ý kiến một số đại biểu QH nêu là đúng. Và sở dĩ tăng cao là do nhiều yếu tố cấu thành. Ví dụ, GDP tăng trưởng không đạt chỉ tiêu đề ra, song vẫn phải thực hiện yêu cầu đảm bảo mục tiêu khác đã đề ra như an sinh xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ theo Nghị quyết Trung ương và Quốc hội nên thời gian dài giữ bội chi rất cao. Còn Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu thẳng thắn nhìn nhận, nợ công tăng nhanh do nguyên nhân điều hành, đầu tư kém hiệu quả. Giải quyết tình trạng trên không phải chỉ do luật này mà chủ yếu ở Luật Đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng. Vì vậy, theo thứ trưởng Thu là dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) phải chữa cho được bệnh đầu tư manh mún và nhiều nấc, nhiều tầng quản lý.

Nói là vậy, nhưng nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra lỗ hổng về đầu tư công. Ví dụ, theo quy định hiện hành, dự án 1.000 tỉ đồng trở lên phải giải trình Quốc hội. Nhưng để lách luật, chủ đầu tư sẽ chia nhỏ ra làm 2 - 3 gói như thế chả phải trình Quốc hội xem xét. Do đó, mấu chốt phải có những quy định mang tính trách nhiệm và ràng buộc về đầu tư công, về quản lý nợ công để giảm tối đa đầu tư lan man, đầu tư không hiệu quả; hạn chế việc quá nhiều cấp được đi vay vốn nước ngoài để triển khai dự án dẫn đến nợ công tăng cao… con cháu sau phải trả nợ cả lãi, lẫn gốc quá nhiều.

N.Doăng- H.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này