Công nhân vẫn “thèm” đọc

15:13 | 17/03/2017
Cho dù đại bộ phận CNLĐ còn thờ ơ với sách, báo vì nhiều nguyên nhân (không có  thời gian, sau ngày làm việc quá mệt mỏi nên chỉ thèm ngủ, hoặc phải chi tiêu tằn tiện nên không thể dành tiền cho thứ văn hóa đọc “sa sỉ”) thì vẫn có nhiều công nhân yêu thích và mong ước có nhiều sách, báo để đọc.  
cong nhan van them doc Các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng
cong nhan van them doc Tạo niềm tin của Công đoàn trong lòng người lao động

Có gì đọc nấy

Bận rộn cả ngày với công việc của một công nhân may, nhưng Thu Hằng, công nhân khu công nghiệpVĩnh Tuy, quận Hoàng Mai vẫn giữ được cho mình niềm đam mê đọc sách, báo. Trong căn phòng trọ chật hẹp ở một ngõ nhỏ thuộc phường Vĩnh Hưng, Hằng dành hẳn một góc để đặt giá sách.

cong nhan van them doc
CNLĐ say sưa đọc báo Lao động Thủ đô trong giờ giải lao.

Gọi là giá sách cho oai, chứ đó chỉ là mấy miếng gỗ được Hằng nhờ người ghép lại một cách thô sơ, để cô có thể xếp, giữ những cuốn báo, tạp chí, đa số đã cũ, thậm chí có quyển đã ố vàng, sờn mép. Hằng bảo: “Có bà đồng nát gạ em bán đi cho rộng phòng, cất làm gì những quyển báo cũ, nhưng em muốn giữ để thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi lại mang ra đọc, hoặc bạn nào thích đọc thì em cho mượn”.

Trả lời câu hỏi đọc đi đọc lại như thế sao không thấy ngán, vả lại sách báo cũ như thế thì còn gì là tính thời sự? Hằng trả lời, những cuốn đó tuy cũ, nhưng đều là những cuốn cô vừa mua lại được ở quầy sách báo cũ. “Cái gì mình chưa đọc tức là mới hết chị à. Bọn em làm công nhân, không có nhiều tiền, nên chỉ dám mua lại báo cũ như thế này thôi”- Hằng nói.

Hằng bảo, đối với những nữ công nhân ngày chôn chân trong nhà máy, tối loanh quanh ở phòng trọ như cô, những quyển báo, tạp chí như Tiếp Thị Gia Đình, Thế Giới Phụ Nữ, Gia đình Việt Nam, Phụ Nữ chủ nhật... của người đẩy xe bán dạo quanh khu nhà trọ là một “món ăn tinh thần” vô cùng hấp dẫn.

Trong đó có đủ thứ từ chuyện yêu đương, làm đẹp, nuôi con, nấu nướng đến chuyện những tài tử, giai nhân thay người yêu như thay áo, tiêu tiền như nước... “Mấy quyển tạp chí đó cũ mà hấp dẫn lắm chị ạ. Hôm nào được lấy lương, mấy đứa chúng em lại rủ nhau góp tiền mua cả chục quyển. Phòng này đọc xong lại chuyền sang phòng khác, có khi quyển tạp chí trở về với chủ nhân không còn bìa”- Hằng bảo.

Nếu như Hằng thích tạp chí cũ thì Duyên, Hà- công nhân trong KCN Sài Đồng (Gia Lâm) lại mê tiểu thuyết diễm tình- mà cũng toàn sách đã cũ. Duyên bảo: “Chúng em đâu biết chỗ nào để vui chơi, mà ra đường thì tốn tiền lắm! Thôi cứ về nhà, mấy đứa góp tiền thuê một bộ tiểu thuyết đọc được mấy đêm”.

Duyên cho biết, không chỉ có cô, mà nhiều công nhân nơi đây, nhất là công nhân nữ, đều mê đọc tiểu thuyết, không có tiền mua sách mới, thì thuê truyện tại cửa hàng sách cũ. Chẳng thế mà: “Mấy của hàng cho thuê tiểu thuyết vào giờ tan ca đều đắt như tôm tươi”- Duyên nói.

Để việc đọc thật sự hữu ích với công nhân

Ngoài mấy quyển tạp chí cũ, phòng của Hằng hầu như không còn sách báo gì khác. Khi tôi hỏi: “Các em có biết Nhật ký Đặng Thùy Trâm không?” Hằng nhanh nhảu: “Đó là sách gì vậy chị? Bà ấy là ai?” Sau khi được giải thích một hồi lâu và nghe về những diễn biến sau khi quyển sách ra đời, Hằng và các bạn cùng phòng trọ chặc lưỡi: “Đúng là hay thật nhưng chúng em làm gì có thời gian, điều kiện để biết và đọc những cuốn sách đó! Suốt ngày đầu tắt mặt tối. Ở nhà máy thì làm, về tới nhà thì ăn rồi ngủ, thích đọc thật đó nhưng chỉ đọc tạp chí với những câu chuyện nhẹ nhàng về yêu đương, hôn nhân gia đình, làm đẹp… để giải trí mà thôi”.

Trong điều kiện lương thấp, giá cả tiêu dùng vùn vụt tăng cao, dành tiền để mua sách báo quả là việc quá sa sỉ đối với công nhân. Tuy vậy, nhiều công nhân cũng đã biết cách để thỏa mãn nhu cầu thèm đọc, làm giàu thêm kiến thức của mình, đó là đọc nhờ tại các nhà sách, các sạp sách báo vỉa hè. Quan sát một cửa hàng sách báo cũ trên đường Vĩnh Tuy vào buổi tối thấy đông nghẹt người, trong đó có rất nhiều khách hàng vẫn mặc đồng phục công nhân.

Minh Thu (công nhân khu công nghiệp Vĩnh Tuy) là khách hàng thường xuyên tại đây cho biết: “Em rất thích truyện của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... Bất kỳ tác phẩm nào của các tác giả này tái bản, em đọc cho hết”. Nhưng được một vốn liếng văn học kha khá như thế, Thu cũng phải nhiều lần ê mặt khi nhân viên cửa hàng sách nhắc nhở: “Chị thông cảm, đừng đọc lâu quá!”.

Cũng như Thu, Hoàng (Công nhân khu công nghiệp Sài Đồng) cũng là một chuyên gia đọc nhờ ở nhà sách. Hoàng rất thích các sách dạy làm người: Tâm hồn cao thượng, Sống đẹp... nhưng cũng chẳng dám mua quyển nào vì “lương công nhân có hạn”.

Thiết nghĩ sách báo đem đến những thông tin rất bổ ích cho việc bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao kiến thức cho công nhân. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc tích cực của công đoàn, của doanh nghiệp, toàn xã hội với những biện pháp hữu hiệu như dành kinh phí mua sách báo, tặng sách báo miễn phí, tổ chức đọc sách báo tập thể... thì văn hóa đọc sẽ mãi mãi là xa xỉ với công nhân- những người có đồng lương quá eo hẹp.

Tại Hà Nội, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ, LĐLĐ Thành phố đã chủ trương xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp, các nhà trọ công nhân.

Tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đều được trang bị sách, báo, tạp chí để phục vụ nhu cầu đọc của công nhân. LĐLĐ Thành phố cũng đã tham mưu cho UBND Thành phố phát hành miễn phí báo Lao động Thủ đô đến CNLĐ trong các KCN&CX. Tuy nhiên, hiện nay, sách, báo, tạp chí tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn ít cả về số lượng và đầu sách, báo, tạp chí... Lượng phát hành báo Lao động Thủ đô vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đọc thực tế của đông đảo CNLĐ.

Bởi vậy, LĐLĐ Thành phố kêu gọi bạn đọc gần xa, các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ sách, báo cho các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân và kiến nghị UBND Thành phố tăng số lượng phát hành báo Lao động Thủ đô đến với CNLĐ, nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần và tri thức cho công nhân lao động Thành phố trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này