Bể nước ngầm tại các khu nhà trọ:

Nguy cơ nhiễm bẩn kép

11:40 | 17/03/2017
Vì mô hình nhà trọ nên nước máy không thể đến từng phòng mỗi gia đình thuê, nên tất cả phải dùng thông qua bể chứa ngầm dưới đất của gia chủ. Tuy nhiên, vì “cha chung không ai khóc” nên công tác vệ sinh ít được quan tâm.. dẫn tới chất lượng nước đang có vấn đề, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
nguy co nhiem ban kep Nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh từ nhà vệ sinh bệnh viện
nguy co nhiem ban kep Kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước
nguy co nhiem ban kep Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông

Bẩn vì không chịu thau, rửa

Anh Nguyễn Văn Hoàng có thâm niên 6 năm trong nghề thau rửa bể nước ngầm tại địa bàn Hà Nội cho biết: Nhiều gia đình ở Hà Nội có đất rộng, xây cả mấy chục phòng trọ cho thuê. Họ xây bể ngầm chứa nước rộng cả chục khối để đảm bảo nước sinh hoạt. Trong khi đó, cảnh sống ở xóm trọ chật chội, vệ sinh không đảm bảo, bể ngầm được làm sơ sài, nắp đậy bể tạm bợ, gia chủ lại tiết kiệm tiền nên vài năm mới cho thau rửa bể một lần, nên nhiều bể nước ngầm rất bẩn.

nguy co nhiem ban kep
Nắp bể nước ngầm bị vỡ, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến nguồn nước phía dưới.

Anh Hoàng dẫn chứng, vào cuối năm 2016, khi thau rửa bể ngầm cho một hộ gia đình có kinh doanh nhà trọ tại ngõ 79, đường Cầu Giấy mới thấy thế nào là bẩn. Trên bể là chỗ để xe máy cùng bao thứ đồ đạc lỉnh kỉnh của mọi người. Nắp để thì đậy nửa kín nửa hở, ai đi không để ý còn bị thụt chân xuống bể. Khi thau bể ngoài gián, bọ, chúng tôi còn vớt được đủ thứ như túi nilon, giầy dép, thậm chí còn thấy cả một số thứ khó nói ở dưới bể nước.

Còn chị Kim Oanh (hiện đang thuê trọ tại Phạm Văn Đồng, Nam Từ Liêm) cho biết, nắp bể của khu nhà trọ đặt ngay cạnh chỗ để xe máy và thùng rác chung của cả tòa nhà. Vì mọi người dắt xe đi lại nhiều nên nắp bể bị vỡ, bể nước ngầm bị lộ thiên một khoảng lớn, trống hoác. “Để tránh bụi bẩn và mất an toàn chúng tôi đã lấy một tấm bảng gỗ đậy tạm bể lại rồi gọi chủ nhà đến sửa. Tuy nhiên, lúc nhìn xuống bể, mọi người đều hãi hùng vì trong bể rác nhiều quá. Tôi hỏi những người thuê trọ lâu năm ở đây thì họ nói mới thấy chủ nhà thuê người đến thau rửa bể ngầm được hai lần. Lần nào thau rửa, cả xóm cũng đều phát hoảng khi nước dưới đáy bể múc lên đen ngòm như nước cống. Rồi cả đống rác được vớt lên. Mọi người đều góp ý bảo chủ nhà thau rửa một năm hai lần cho vệ sinh sạch sẽ hoặc mua bồn chứa nước inox cho đảm bảo nhưng chủ nhà nhất quyết không chịu bởi sợ tốn kém.

Tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm

Về việc xây bể nước ngầm và để lâu không thau, rửa PGS.TS Từ Bình Minh, bộ môn Hóa Môi trường (Khoa Hóa học, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì việc xây dựng bể nước ngầm để chứa nước sạch là cách làm phổ biến để người dân được sử dụng nguồn nước dồi dào và đảm bảo sức khỏe. Song phải hiểu rằng trên bề mặt của bể ngầm luôn có một lớp không khí thông lên trên, còn ở các vách bể là nơi cư trú tuyệt vời của gián, bọ và thậm chí là chuột. Khi các sinh vật này chết đi, xác của chúng sẽ phân hủy ngay trong bể nước, các chất độc hại sẽ ngấm vào nước và làm ô nhiễm nguồn nước trong bể. Đó là những rủi ro không phải do nước gây ra, mà từ chính điều kiện của các bể nước ngầm.

Không chỉ vậy, thông thường trong các bể nước ngầm, hàm lượng amoni cao, khi có ôxi và vi khuẩn sẽ chuyển hóa thành ni-tơ-rít là một trong những tác nhân gây ra bệnh, trong đó có ung thư. Nếu trong nguồn nước có Asen mà sử dụng nguồn nước đó lâu ngày, liên tục thì sẽ dẫn đến nhiễm độc rối loạn sắc tố (xuất hiện những chấm nhạt hoặc đậm hơn màu da), dày sừng ở những vùng da ít tiếp xúc như giữa lòng bàn tay, lòng bàn chân…

Một tác nhân gây bẩn cho nguồn nước ngầm ở nhà dân khác là hiện tượng thấm nước ngầm dưới lòng đất. Vì điều kiện diện tích hạn chế, nhiều nhà dân hiện nay xây bể phốt và bể nước có bề mặt ngang nhau, gần nhau nên khi có biến động về địa chất, lún nứt hay các nhà xung quanh xây dựng gây ảnh hưởng, bể nước sinh hoạt sẽ bị thấm cả nước bẩn vào dẫn đến nước có mùi, bị nhiễm bẩn, nhiễm độc.

Nguyễn Văn Minh (sinh viên Đại học Dược Hà Nội) cho biết do được học về những tác hại cho sức khỏe có thể xảy ra nên đã cùng với các bạn ở khu trọ cùng nhau thau bể nước ngầm định kỳ 6 tháng/lần. Với trường hợp người dân tự thau bể, PGS.TS Từ Bình Minh cũng nhắc kỹ: “Tuyệt đối không được dùng nước sát trùng, không dùng thuốc xịt muỗi, gián để xịt vào trong bể nước vì đó cũng là những nguồn gây ô nhiễm nguồn nước do bể kín. Trường hợp bể quá bẩn, có thể dùng vôi bột để vệ sinh bể”.

Quỳnh Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này