Liên kết dạy tiếng Anh trong các trường công lập:

Vì sao mỗi trường thu phí một kiểu?

18:40 | 16/03/2017
Chương trình liên kết dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) đã trở nên phổ biến trong các trường học công lập của Hà Nội từ bậc mầm non đến THPT. Thậm chí tại nhiều trường, tỷ lệ học sinh theo học chương trình liên kết dạy tiếng Anh (gọi tắt là chương trình liên kết - CTLK) đạt tới 100%. Tuy nhiên, điều khiến các bậc phụ huynh học sinh và dư luận xã hội băn khoăn là bên cạnh chất lượng của các trung tâm liên kết, giáo trình, đội ngũ giáo viên giảng dạy CTLK còn nhiều bất cập  thì mức thu học phí cùng khoản hoa hồng trích lại cho từng trường cũng trong tình trạng: mỗi nơi một kiểu. 
tin nhap 20170316110210 Hà Nội khảo sát dạy ngoại ngữ liên kết trong nhà trường
tin nhap 20170316110210 Lớp học tiếng Anh miễn phí cho sinh viên
tin nhap 20170316110210 Thấy gì từ việc giáo viên dạy thêm bị “xử lý”?

Thu phí trăm hoa đua nở

Một cuộc khảo sát thực tế tại một số quận huyện do Ban Văn hóa – xã hội - HĐND TP Hà Nội tiến hành (từ ngày 13 -15/3) về việc triển khai chương trình dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường học công lập trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, nhu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh) cho con em mình của các bậc phụ huynh học sinh Hà Nội là rất lớn. Điều này thể hiện khá rõ qua số lượng trường (từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT) triển khai CTLK và số lượng học sinh tham gia (có những nơi tỷ lệ học sinh theo học CTLK đạt tới 100%). Đơn cử như tại Trường Tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm) có 1.451/1.453 học sinh theo học chương trình liên kết dạy tiếng Anh. Tại quận Long Biên, Trường Tiểu học Ngọc Lâm chỉ có 4 trên tổng số 1.715 học sinh không đăng ký học liên kết tiếng Anh trong trường. Còn ở huyện Thanh Trì, Trường THCS Thanh Liệt cũng có tới 86% học sinh theo học chương trình tiếng Anh liên kết. Còn theo báo cáo của Sở GD- ĐT Hà Nội, cấp THPT có tới 38 trường triển khai CTLK bổ trợ tiếng Anh cho học sinh với con số hơn 17 nghìn học sinh theo học; cấp THCS có 145 trường thực hiện CTLK với hơn 30 nghìn học sinh theo học; cấp tiểu học có 652 trường với hơn 375 nghìn học sinh theo học. Còn cấp mầm non cũng có tới 215 trường với hơn 22 nghìn trẻ theo học làm quen với tiếng Anh.

tin nhap 20170316110210
Giờ học Tiếng Anh tại trường MN Việt Triều.

Theo Trưởng ban Văn hoá Xã hội - HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương - Trưởng đoàn khảo sát, trước nhu cầu lớn của người dân trong việc trang bị ngoại ngữ cho con em mình thì việc ngành giáo dục tổ chức triển khai CTLK này nhằm đáp ứng nhu cầu trên. Kết quả tích cực của CTLK cũng đã được Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - xã hội ghi nhận như: Chất lượng tiếng Anh của HS, giáo viên được nâng cao… Tuy nhiên, thực tế khảo sát cho thấy có những điểm đúng như phản ánh trên một số cơ quan báo chí. "Thu phí của học sinh trăm hoa đua nở, nơi 700.000 đồng nơi 400.000 đồng, có trường thu chỉ có 150.000 đồng/tháng/học sinh. Thậm chí ngoại thành học phí cao hơn nội thành như một trường Mầm non ở Thanh Trì thu tới 400.000 đồng/tháng/học sinh… Mức chênh lệch này sẽ là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh so sánh, thắc mắc. Ngoài ra, phần trăm trung tâm liên kết chia cho các trường cũng rất nhiều mức 60-40, 82-18, có nơi 93-7%. Dù mức học phí và phần trăm trích lại được các hiệu trưởng giải thích trên cơ sở tính toán thu đủ chi nhưng phụ huynh sẽ không hiểu" - ông Trần Thế Cương cho biết.

Làm rõ việc xếp hạng

Bà Đỗ Thuỳ Dương, thành viên đoàn khảo sát HĐND Thành phố cho biết, xã hội rất kỳ vọng vào việc giảng dạy tiếng Anh cho con em mình. Với mức học phí rất chênh lệch, các cấp quản lý cần làm rõ thông tin, giúp phụ huynh yên tâm gửi con em mình vào các chương trình này. “Qua khảp sát ở một số trường thì thấy không ít trường có nhiều đối tác tham gia liên kết dạy tiếng Anh - liệu có đánh giá, xếp hạng nào để phụ huynh căn cứ vào đó xác định mức đóng sao cho phù hợp?”- bà Dương đặt vấn đề.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Nội cho biết, sở dĩ tại sao có chuyện thu kinh phí CTLK không đồng đều như nhau giữa các trường là do: Cùng thực hiện 2 tiết CTLK /tuần nhưng có đơn vị (nhà trường sau khi thống nhất ý kiến với nhu cầu và nguyện vọng của từng phụ huynh học sinh) yêu cầu cả 2 tiết/ tuần đều do giáo viên nước ngoài đảm nhận dạy; có trường lại chỉ thực hiện: 1 tiết do giáo viên nước ngoài dạy, còn tiết còn lại do giáo viên người Việt dạy. Có trường lại yêu cầu cả 2 tiết đều do người Việt dạy. Tùy chương trình cao thấp khác nhau trong việc học CTLK mà mỗi trường lại có mức thu học phí CTLK khác nhau. Chưa kể, Sở có yêu cầu là mỗi trường không được liên kết quá 2 trung tâm. Vì sao lại thế, là bởi để giúp phụ huynh có thể lựa chọn chương trình học tiếng Anh cho con em mình theo nhu cầu mong muốn riêng cũng như phù hợp với điều kiện chi trả của từng gia đình. Đây cũng còn là sự cạnh tranh của các trung tâm cũng như chất lượng các chương trình liên kết.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết thêm: Chủ trương liên kết tiếng Anh đã đáp ứng đúng nhu cầu phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, để phụ huynh thực sự yên tâm với chất lượng chương trình, ông Dũng đề nghị hiệu trưởng các trường phải căn cứ thực trạng nhà trường, mong muốn từ phụ huynh học sinh, tránh duy ý trí, chủ quan cá nhân khi quyết định mô hình liên kết dạy tiếng Anh. "Sở chịu trách nhiệm thẩm định khung chương trình đạt yêu cầu liên kết với nhà trường. Tuy nhiên, Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc liên kết này. Nếu chỉ trung tâm đứng ra thì không thể 100% học sinh tham gia mà là phụ huynh tin vào nhà trường thì mới đăng ký số lượng đông như vậy nên trách nhiệm thuộc về thầy cô giáo. Trung tâm chỉ có vai trò hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường. Hiệu trưởng không đủ năng lực quản lý thì chưa nên triển khai chương trình liên kết dạy ngoại ngữ" - ông Dũng nhấn mạnh.

Còn liên quan đến kinh phí trích lại cho cơ sở, theo Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, được quy định rõ trong Quy chế Chi tiêu nội bộ của các nhà trường, quy chế dân chủ của các nhà trường. Bởi cái này nếu không đưa vào Quy chế Chi tiêu nội bộ, thống nhất trong toàn trường thì rất dễ nảy sinh ra ý kiến này ý kiến khác, rồi nội bộ mất đoàn kết. Thậm chí, “Chúng tôi được biết nhiều phòng giáo dục các quận huyện đã tham mưu cho UBND quận huyện là thông qua phòng Tài chính phê duyệt chứ không phải chỉ có 2 đơn vị liên kết với nhà trường”- ông Tiến cho hay.

Thế nhưng, để việc triển khai CTLK có hiệu quả, theo ông Trần Thế Cương nhấn mạnh: "Việc học sinh tham gia chương trình liên kết dạy tiếng Anh xuất phát từ việc phụ huynh tin tưởng vào nhà trường chứ không phải phụ huynh nào cũng hiểu biết đầy đủ về các trung tâm. Có thể thấy phụ huynh và học sinh sẵn sàng thực hiện theo định hướng của Ban Giám hiệu nhà trường. Có thể nói chất lượng học tiếng Anh của học sinh tốt hay không, trung tâm nào được liên kết với nhà trường đều do hiệu trưởng quyết định. Do vậy, Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng chương trình liên kết dạy tiếng Anh trong nhà trường".

Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ khảo sát ngẫu nhiên 20% học sinh trên Thành phố tham gia chương trình liên kết tiếng Anh để đánh giá việc dạy và học trong các trường như thế nào vào cuối tháng 3 này.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này