Vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp

Vẫn còn một bộ phận công chức gây khó

16:39 | 16/03/2017
Doanh nghiệp không chỉ cần sự quyết liệt ở những buổi xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp rầm rộ mà cần có sự chuyển biến, hành động trong bộ phận cán bộ, công chức.
van con mot bo phan cong chuc gay kho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp
van con mot bo phan cong chuc gay kho Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Đảm bảo tính nhất quán về cơ chế, chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp" được tổ chức mới đây, một số doanh nghiệp cho rằng, mặc dù thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn sự thiếu nhất quán trong chính sách hỗ trợ, mâu thuẫn giữa quy định pháp luật với thực tiễn, giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương… gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam cho biết, trên đã quyết liệt nhưng doanh nghiệp không chỉ cần sự quyết liệt ở những buổi xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp rầm rộ mà cần có sự chuyển biến, hành động trong bộ phận cán bộ, công chức bởi vẫn còn một bộ phận công chức gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình giải quyết về hồ sơ, thủ tục đầu tư của doanh nghiệp tại địa phương.

"Chúng tôi cần cả bộ máy phải thực sự chuyển động, có như vậy chúng tôi mới có niềm tin đầu tư được"- ông Tỉnh bày tỏ.

van con mot bo phan cong chuc gay kho

Thừa nhận còn có sự thiếu nhất quán trong chính sách hỗ trợ, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Có sự không nhất quán, trùng lặp, thậm chí có sự mâu thuẫn giữa quy định pháp luật với thực tiễn, giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương. Điều này đã phổ biến và tồn tại nhiều năm.

Theo ông Cung, có nhiều lý do: Thứ nhất là các bộ, ngành khi soạn thảo, ban hành văn bản quy định pháp luật thường nghiêng về quan điểm của mình, cách thức nhìn nhận của mình và thậm chí có lợi ích của mình, kéo thuận lợi về phía mình, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, khi doanh nghiệp thực hiện luật theo chiều ngang, họ không phải thực hiện 1 văn bản mà thực hiện hàng chục văn bản, thực hiện đúng văn bản này thì lại sai với văn bản khác.

Ông Cung cho rằng, đây là điểm các công chức thừa hành bên dưới rất nhạy cảm với việc này và họ có thể “hành” doanh nghiệp bởi những quy định này. Họ có thể tạo điều kiện giải quyết cũng được mà không tạo điều kiện giải quyết cũng được, cho nên phần đúng luôn luôn thuộc về phía công chức nhà nước. Họ luôn nói là làm đúng quy định, nhưng giá như họ có trách nhiệm hơn, có sự thông cảm hơn với doanh nghiệp thì mọi công việc sẽ được ổn thỏa, nhanh chóng. “Vấn đề vẫn nằm ở thái độ và cách thức làm việc của 1 bộ phận công chức hiện nay”, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, để thay đổi việc nay nếu đòi hỏi từng công chức thay đổi sẽ rất khó nhưng nếu những người đứng đầu như Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Giám đốc các sở, ngành thay đổi thì cả bộ máy sẽ thay đổi. “Những người đứng đầu cần phải vào cuộc với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ thì mới thay đổi được theo đúng với tinh thần mong muốn xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”- TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Trước thềm cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp năm 2017, đại diện các doanh nghiệp cho rằng: Để những kiến nghị của các doanh nghiệp sớm được giải quyết, Chính phủ nên thành lập một tổ đặc nhiệm, chuyên trách theo dõi, phân tích đánh giá các nhóm vấn đề doanh nghiệp kiến nghị, yêu cầu các cơ quan liên quan phải xử lý trong thời hạn nhất định; có thanh, kiểm tra để thúc đẩy các ban, ngành cùng vào cuộc hành động, đúng với mục tiêu: Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ngọc Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này