Chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội VN: Trong mức cho phép

16:30 | 11/03/2017
“Ủy ban thường vụ Quốc hội và cơ quan giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn luôn giám sát rất chặt chẽ, minh bạch các vấn đề chi phí của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, tin tưởng vảo chính sách an sinh xã hội của nhà nước".
chi phi quan ly cua bao hiem xa hoi vn trong muc cho phep Tăng cường đối thoại trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT
chi phi quan ly cua bao hiem xa hoi vn trong muc cho phep Nên trao quyền cho cả cơ quan bảo hiểm?
chi phi quan ly cua bao hiem xa hoi vn trong muc cho phep Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Sẽ được nhà nước hỗ trợ

Đó là khẳng định của ông Bùi Sĩ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại buổi Tọa đàm trực tuyến về các vấn đề liên quan đến quản lý quỹ BHXH do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 11/3. Cùng tham dự chương trình với tư cách khách mời Tọa đàm còn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; ông Doãn Mậu Diệp- Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

chi phi quan ly cua bao hiem xa hoi vn trong muc cho phep
Tọa đàm trực tuyến về các vấn đề liên quan đến quản lý quỹ BHXH do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 11/3

Chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết: Vừa qua, một số cơ quan báo chí thông tin cho rằng, “chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014”. Tôi xin khẳng định, thông tin này là hoàn toàn không chính xác. Chi phí quản lý và hành chính của ngành BHXH đều năm trong nguồn được Chính phủ phê duyệt”.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết: Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng khoảng 3.193 tỉ đồng so với năm 2014. Tôi xin nhấn mạnh, đây là “việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015” chứ không phải là số chi phí quản lý của BHXH Việt Nam. Đây là số liệu dự toán BHXH Việt Nam lập gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan, không phải là dự toán chi phí quản lý được Thủ tướng phủ giao.

Theo ông Sơn, chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2015 tăng 2.445 tỉ đồng so với dự toán năm 2014 là để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp do tuân thủ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ nhất là chi cho công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; chi đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN (nội dung chi này năm 2014 chưa được bố trí kinh phí); chi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo yêu cầu của Luật BHXH, Luật BHYT, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 28/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai là chi phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng. Năm 2015, khoản mục chi này tăng 36% so với năm 2014. Nguyên nhân là do số đối tượng tham gia, số đối tượng thụ hưởng, số thu, số chi BHXH, BHYT, BHTN đều tăng nên các khoản chi thù lao Đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng và chi UBND xã lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, phục vụ công tác thu; chi phí chi trả lương hưu, giám định BHYT... cũng tăng tương ứng.

Thứ ba là chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy: Năm 2015 chỉ tăng 6% so với năm 2014 do nâng lương hàng năm. Còn chi quản lý hành chính năm 2015 không tăng so với năm 2014.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sĩ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Chi phí quản lý của BHXH Việt Nam được Ủy ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết và giao chi phí không vượt quá 2,3% so với tổng số chi và số dư và được lấy từ đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH.

Việc tăng chi phí của BHXH là do chúng ta mở rộng và tăng đối tượng người tham gia BHXH, BHYT nên việc tăng đó là đương nhiên. Cụ thể, về BHYT chúng ta phấn đấu đến năm 2020 theo Nghị quyết 15 là 80% dân số được bao phủ BHYT trong khi đó đến nay chúng ta đã đạt 81,7%. Năm 2016 so với 2015, đã tăng hơn 1 triệu người vào hệ thống BHXH. Việc tăng này kéo theo chi phí tăng lên, về tuyên truyền, đầu tư, vận động đối tượng. Năm 2016, theo Nghị quyết của Đảng, ngành BHXH được giao nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản là là đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng đối tượng.

Bên cạnh đó Chính phủ cũng yêu cầu ngành BHXH phải quyết liệt đẩy mạnh CNTT- việc này cũng chiếm tỷ trọng tiền lớn chi cho nối mạng, kết nối giữa người tham gia BHXH, BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh và với hệ thống BHXH trong toàn quốc. Việc tăng chi phí này để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý. Tôi xin khẳng định con đường phát triển, bền vững, công khai, minh bạch của BHXH là phải công nghệ hóa thông tin.

“Ủy ban thường vụ Quốc hội và cơ quan giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội luôn luôn giám sát rất chặt chẽ, minh bạch các vấn đề chi phí của BHXH Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu là không được tăng biên chế, nhưng phải tăng điều kiện làm việc và tăng chất lượng để công tác BHXH, BHYT được công khai, minh bạch, để người dân thực sự tin tưởng vào chính sách an sinh xã hội của nhà nước”, ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này