Đừng chờ Giờ trái đất!

14:44 | 10/03/2017
Nhiều năm gần đây, hành động tắt đèn trong Giờ Trái đất để tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được người dân Thủ đô và nhiều tỉnh thành trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng.
dung cho gio trai dat "Tắt đèn bật tương lai"
dung cho gio trai dat Hà Nội hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2017

Hiệu quả từ hành động này ai cũng thấy rõ, nhưng không phải ai cũng ý thức “tắt đèn khi không cần thiết” để tiết kiệm điện, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước?

Để đáp ứng nhu cầu điện cho người dân và nền kinh tế, Nhà nước đã phải chi rất nhiều ngân sách cho việc xây dựng đập thủy điện, nhà máy sản xuất điện năng, chi phí vận hành, bảo trì máy móc, thiết bị sản xuất, nhập khẩu điện… Và khi nhu cầu điện của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng cao, Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ thiếu điện dài hạn. Ước tính, mỗi năm Nhà nước phải chi trả ngân sách khoảng hơn 10 tỉ đồng để bù đắp thiếu hụt năng lượng điện, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

dung cho gio trai dat
Thông điệp kêu gọi hành động vì Chiến dịch Giờ trái đất 2017 (25/3)

Để giảm gánh nặng ngân sách, bù đắp thiếu hụt năng lượng, bảo vệ môi trường, nhiều nước đã chung tay thực hiện Chiến dịch Giờ trái đất. Tính đến nay đã có khoảng 7.000 thành phố thuộc 172 quốc gia và vùng lãnh thổ hưởng ứng chiến dịch này. Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi toàn dân hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất, theo đó, mỗi năm, sẽ có 1 giờ cắt điện trong cả nước. Chỉ bằng một hành động nhỏ tắt điện, không sử dụng trong một giờ, trong mấy năm gần đây, chúng ta đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Ví dụ, năm 2012 số điện tiết kiệm được trong Giờ trái đất là 546.000kWh; năm 2013 là 401.000 kWh; năm 2014 là 431.000kWh; năm 2015 là 520.000kWh và năm 2016 là 451.000 kWh.

Chúng ta đều nhìn thấy rõ hiệu quả của hành động “tắt đèn, bật tương lai”, chúng ta cũng hiểu Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu điện trung và dài hạn, nhưng nghịch lý ở chỗ, nhiều người dân, nhiều tập thể chưa ý thức được việc tiết kiệm điện vừa là hành động “ích nước, lợi nhà” vừa là trách nhiệm của mỗi công dân. Không ít người dân có tư duy “trả tiền nên có quyền dùng”, thích bật tắt điện tùy ý, dùng bao nhiêu tùy thích. Ở không ít nhà máy, công sở, cơ sở sản xuất, chế biến, tình trạng lãng phí điện vẫn thường xuyên diễn ra.

Đơn cử, những hành vi như nghỉ làm việc giữa giờ, giải lao không tắt máy tính, không tắt điện; khi ra về không tắt điện hành lang, tắt điện nhà vệ sinh, xả nước thoải mái… nhiều người cho rằng đây là những hành vi tưởng nhỏ nhặt, không gây ảnh hưởng tới tập thể. Nhưng trên thực tế, nếu “tích tiểu thành đại”, những hành vi này sẽ gây lãng phí hệ thống, lãng phí nguồn điện năng, góp phần gây thiếu hụt điện năng của Quốc gia.

Chỉ với những hành động nhỏ tắt đèn khi không cần thiết, chỉ bật đèn đủ sáng, dùng điện vừa đủ nhu cầu và luôn có ý thức tiết kiệm điện mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm cả ở nơi không phải nhà mình, cả khi mình không phải trả tiền, đó mới thực sự là hành vi văn minh. Tiết kiệm để đem lợi ích đến cho chính mình, cho cộng đồng và tương lai, là những điều nên làm. Tắt đèn, đâu cần đợi đến Giờ trái đất!

Nguyễn Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này