Từ việc “giải cứu” chuối cho nông dân:

Nông dân khi nào thoát cảnh “được mùa mất giá”?

20:19 | 06/03/2017
Vài năm gần đây, hết dưa hấu, vải thiều, thanh long, hành tím, và gần đây nhất là chuối… bị ế thừa, nông dân phải “nuốt nước mắt” đổ cho bò ăn. Không ít lần, các tổ chức, cá nhân tự phát giải cứu nông sản, hỗ trợ bà con nông dân đỡ bị thiệt hại. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, vấn đề là các ngành chức năng thiếu giải pháp căn cơ giải quyết tận gốc nguy cơ nông sản thừa ế.
nong dan khi nao thoat canh duoc mua mat gia Coi trọng chính sách tam nông
nong dan khi nao thoat canh duoc mua mat gia Để người nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng

nong dan khi nao thoat canh duoc mua mat gia

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.Hồ Chí Minh bán chuối giúp nông dân Đồng Nai. Ảnh: K.Q

Đồng Nai lặp lại bài học Vĩnh Phúc Năm 2015, hàng trăm tấn chuối của người dân xã Liên Châu (tỉnh Vĩnh Phúc) bị tồn đọng do thương lái Trung Quốc từ chối mua, phải đổ cho bò ăn, phần thối rữa trong vườn.

Để giúp đỡ nông dân, các tổ chức, cá nhân đã tự phát kêu gọi người tiêu dùng thu mua, hỗ trợ. Bài học “chuối ế” của Vĩnh Phúc chưa kịp lắng xuống, thì từ 1 tuần nay, hàng chục ngàn tấn chuối của người dân trên các địa bàn huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán… (tỉnh Đồng Nai) đang phải đối mặt với tình cảnh rớt giá thảm hại, phải đổ bỏ và mang cho dê, bò ăn, do thương lái không thu mua. Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 24.2, ông Huỳnh Thành Vinh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai - cho biết: Xuất phát từ các vụ chuối của các năm trước đây, khi chuyển đổi mục tiêu cây trồng, người dân trồng chỉ cần đầu tư từ 150-180 triệu đồng/ha, thu hoạch về 50 tấn/ha, với giá bán 6.000 đồng/kg, người dân có lãi khá cao.

Đặc biệt, vụ chuối năm 2016, giá lên tới 18.000 đồng/ha, lãi rất lớn nên người dân đổ xô trồng chuối khiến “cung” vượt “cầu”, giá chuối rớt tận đáy. “Hiện nay diện tích trồng chuối của cả tỉnh Đồng Nai khoảng 6.500ha, trong đó có 672ha chuối già hương. Nếu như các loại chuối khác như chuối bom, chuối cau… có thể chế biến được để cất trữ, thì chuối già hương để ăn tươi, nên khi tăng diện tích, nếu không bán được cũng không thể chế biến” - ông Huỳnh Thành Vinh cho hay.

Theo ông Trần Lâm Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Đồng Nai - chuối già hương cấy mô chỉ phục vụ xuất khẩu, không thể ép sấy thành sản phẩm tiêu thụ. Trong nước cũng không ưa chuộng loại chuối này, khi diện tích tăng nhanh, đột ngột, việc xuất khẩu bị giảm lại, nên nhu cầu trong nước không thể tiêu thụ hết được. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các đội tình nguyện, giá chuối đã nhích lên một chút, khoảng 3.000-4.000 đồng/kg. “Với mức giá 3.000-4.000 đồng/kg, với mức giá này, bà con đã có thể có lãi” - ông Huỳnh Thành Vinh khẳng định.

Tuy nhiên, thông tin mà chúng tôi có được, số lượng chuối do các đội giải cứu bán ra không được bao nhiêu so với số lượng chuối đang tồn đọng trong vườn nông dân. Hàng ngàn tấn chuối thấm đẫm mồ hôi, công sức và tiền bạc của nông dân có nguy cơ để thối rục trong vườn. Giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Thanh Tùng - Phụ trách Văn phòng phía Nam - Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - cho rằng: Các bài học từ các vụ “giải cứu” dưa hấu, thanh long, khoai lang… từ nhiều năm trước đã có nhiều. Vậy nhưng, hầu như năm nào tình trạng này cũng lặp lại.

Khi thấy một mặt hàng nông sản nào đó xuất khẩu tốt, lập tức nông dân đua nhau ồ ạt mở rộng diện tích. Hơn nữa, nông sản chỉ chăm chăm nhìn vào xuất khẩu, mà không chú trọng thị trường trong nước. Vì vậy, khi doanh nghiệp nước ngoài ngừng mua, doanh nghiệp Việt Nam cũng ngừng mua luôn, rủi ro dồn hết lên người nông dân. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Hiện nay, Bộ NNPTNT đang quy hoạch cây ăn quả của cả nước, trong đó đầu tư tập trung quy hoạch ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, “quy hoạch không có nghĩa là chế tài, mà sẽ thay đổi uyển chuyển dựa trên nhu cầu thị trường và điều kiện của từng địa phương để ứng phó với mọi biến động của thị trường.

Quy hoạch là góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, giải quyết tận gốc vấn đề. Trong đó, người nông dân phải tuân thủ mọi điều kiện mà doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đưa ra, tuân thủ quy trình, quy định về chất lượng nông sản, vấn đề an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì… để đáp ứng được yêu cầu của thị trường cao cấp”.

Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, “giải cứu” nông sản chỉ là giải pháp tạm thời, với số lượng tồn ứ vài chục tấn, chứ nếu số lượng lên đến hàng ngàn tấn, thì không đơn vị nào có thể “giải cứu” nổi. Bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng xuất khẩu hàng nông-lâm-thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) - cho rằng: “Giải cứu” nông sản chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giảm thua thiệt cho nông dân trước mắt, còn về lâu dài, cần phải nắm rõ thị trường để có định hướng đúng trong việc mở rộng diện tích nông sản xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nông-lâm-thủy sản bằng cách tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng, hạ mức thuế đến thấp nhất, phá các hàng rào kỹ thuật… tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm được thị trường mới. “Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NNPTNT cung cấp thông tin cụ thể của thị trường từng nước, để định hướng đúng đắn cho người nông dân” - bà Nguyễn Thị Mai Linh khẳng định.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này