Hạn chế nuôi cá tại hồ Tây để bảo vệ môi trường:

Phải chấm dứt việc tận thu

21:14 | 02/03/2017
Để đảm bảo việc giữ  gìn và cải tạo môi trường nước Hồ Tây, UBND TP Hà Nội vừa có chỉ đạo chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hoá thể thao, vui chơi giải trí cũng như nuôi trồng khai thác thuỷ sản trong phạm vi quản lý hồ Tây.
phai cham dut viec tan thu ​Dừng việc nuôi cá ở Hồ Tây
phai cham dut viec tan thu ​Hiện tượng cá chết ở các hồ do việc xả thải trái phép

Trao đổi với PV xoay quanh vấn đề này, công dân Thủ đô ưu tú năm 2012, PGS.TS Hà Đình Đức - Hội viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết:

Thực tế vấn đề này không phải bây giờ mới được nhắc tới. Nói như vậy để thấy, cùng với tốc độ đô thị đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn và sự gia tăng về quy mô dân số cơ học đã tạo áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng Hà Nội cùng môi trường sống tự nhiên. Cụ thể, so với trước đây, nhiều ao hồ của Hà Nội đã mất dần. Đặc biệt là các hồ ở Hà Nội cùng với cây xanh không chỉ đơn giản góp phần điều hòa không khí, môi trường mà còn ít nhiều là ấn tượng đẹp của Hà Nội trong lòng du khách. Do vậy, bảo vệ hồ cũng được xem là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Việc bảo vệ này cần phải có những giải pháp cụ thể với từng bước đi thích hợp. Chúng ta phải có những tiến hành nghiên cứu, đánh giá đối với từng hồ điều hòa, nghiên cứu môi trường xung quanh, phải tính đến câu chuyện xử lý nước thải trước khi cho vào hồ…. Tóm lại công việc rất nhiều và đã đến lúc phải được tiến hành sớm.

phai cham dut viec tan thu

PV: Thưa ông, mới đây TP đã có những chỉ đạo cụ thể như việc chấm dứt nuôi trồng khai thác thuỷ sản trong phạm vi quản lý hồ Tây, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này.

PGS Hà Đình Đức: Theo tôi, quan trọng không phải là cấm mà là quản lý sao cho thực sự hiệu quả. Bởi việc chấm dứt hoàn toàn việc nuôi trồng thủy sản tại hồ Tây cần được cân nhắc kỹ bởi nó cũng sẽ có những tác động nhất định đến môi trường sinh thái của hồ. Việc làm này không gây ảnh hưởng trước mắt nhưng sẽ gây những ảnh hưởng lâu dài. Chúng ta đều biết, cá cũng là một trong những yếu tố tự nhiên giúp cân bằng sinh thái và tăng cường khả năng điều hòa của nước, nói một cách dễ hiểu nếu không có cá và các loài thủy sinh khác như rong, rêu, bèo tự hấp thu các chất thải, thì môi trường ao hồ cũng sẽ mất đi khả năng làm sạch tự nhiên của mình.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc nuôi thả cá chính là một tác nhân gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường hồ và việc nuôi trông này không chỉ diễn ra ở hồ Tây mà còn diễn ra tại nhiều hồ khác trên địa bàn Thành phố?

Tất nhiên việc nuôi trồng sẽ gây những ảnh hưởng nhất định. Nhưng không thể hoàn toàn đổ cho việc nuôi trồng thủy sản làm ô nhiễm môi trường. Những yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường hồ Hà Nội thì có rất nhiều. Ví như, nguồn chất thải (nước thải, rác thải) xả trực tiếp vào các hồ hiện tại cũng không phải như trước đây là chất thải tự nhiên mà nó còn bao hàm nhiều chất nguy hiểm, khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Rõ ràng nếu chúng ta xử lý được chất thải trước khi nó ra môi trường tự nhiên thì môi trường hồ sẽ tốt hơn rất nhiều.

Ở đây tôi cũng lưu ý, hành vi tận thu mới là điều đáng lên án. Tôi còn nhớ những năm 80, 90, Hà Nội có nhiều đơn vị quốc doanh cá, các đơn vị này có nhiệm vụ nuôi trồng thủy, hải sản tại các hồ, ao của Hà Nội. Việc làm này là nhằm đảm bảo các nguồn cung thực phẩm cần thiết cho Thành phố, cũng như đảm bảo các yếu tố về kinh tế, tránh gây lãng phí. Như vậy, việc khai thác thủy, hải sản tại các hồ ở Hà Nội đã có từ lâu và vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, mặt xấu là do đã được khoán cho các đơn vị doanh nghiệp vì vậy nhiều nơi đã xảy ra tình trạng tận thu mà thiếu sự kiểm soát chặt từ phía các cơ quan chức năng, hoặc từ chính quyền. Do đó, theo quan điểm của tôi, việc cần làm là tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động này, chứ không phải ngừng hẳn việc nuôi trồng.

Quay trở lại câu chuyện về tình trạng ô nhiễm các ao hồ của Hà Nội, ông có những chia sẻ gì về vấn đề này?

Cá nhân tôi đã có nhiều nghiên cứu đối với thực trạng sông hồ Hà Nội, điều này đó đã được thể hiện qua “Báo cáo sông hồ Hà Nội, xưa và nay” của tôi. Theo tìm hiểu của tôi vào thế kỷ XVII, kinh thành Thăng Long xưa được ví như thủ đô Venice của nước Ý. Lúc này, tại Hàng Buồm vẫn diễn ra các hoạt động buôn bán tấp nập. Chẳng nói đâu xa, những năm 60-70 của thế kỷ trước, tại hồ Gươm vẫn diễn ra các hoạt động đua thuyền, lướt ván nhưng đến nay, theo khảo sát chỗ sâu nhất của hồ chỉ còn xấp xỉ 1m. Năm 2014, 2015 khi đo mực nước hồ Hoàn Kiếm tụt xuống mốc số 5 chúng ta đã phải tiến hành thêm nước vào hồ, thế nhưng đến nay mực nước chỉ còn mức số 3. Tại hội thảo về cải tạo hồ Hoàn Kiếm vừa qua, tôi cũng đã phát biểu nếu không hành động sớm, hồ Hoàn Kiếm sẽ biến thành đầm lầy.

Nói như vậy để thấy, cùng với đô thị phát triển, cả về con người, hạ tầng Hà Nội đã mất rất nhiều ao hồ và điều này sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta không có những giải pháp cụ thể như khai thác như thế nào, đảm bảo môi trường ra sao… Một vấn đề ở đây nữa, theo tôi chúng ta không nên giao cho các đơn vị làm kinh tế, mà nên giao cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Lấy ví dụ hồ Tây, UBND thành phố có thể giao Sở Du lịch chịu trách nhiệm quản lý. Sở sẽ xây dựng đề án, trình thành phố xem xét phê duyệt, triển khai dưới sự giám sát của thành phố… rõ ràng khi đã chịu sự giám sát của thành phố, anh sẽ phải có những kế hoạch, phương án cụ thể không thể làm ăn tùy tiện, linh tinh được. Hơn nữa, việc làm này cũng chính là góp phần thúc đẩy du lịch, môi trường của thành phố.

PV: Xin trân trọng cám ơn PGS!

UBND TP vừa có thông báo truyền đạt Kết luận của Chủ tịch UBND TP về nạo vét, cải tạo môi trường nước hồ Tây.Theo đó, để phục vụ công tác nạo vét, cải tạo môi trường nước hồ Tây, căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, sau khi xem xét kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực hồ Tây và các kiến nghị, UBND TP giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hoá thể thao, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thuỷ sản trong phạm vi quản lý hồ Tây. Đồng thời, chủ tịch UBND TP yêu cầu phần việc này phải hoàn thành, báo cáo lãnh đạo thành phố trong quý I/2017.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này