Trượng nghĩa, khinh tà

08:32 | 03/03/2017
Mấy ngày qua, dường như câu chuyện về bà lão nhặt rác Trần Thị Nậm (1951, Hà Nam), tay không bắt “tăm tặc” trở thành sự kiện gây xôn xao dư luận. Ai cũng coi bà như một người hùng, nhưng những việc trượng nghĩa mà bà lão tuổi “thất thập cổ lai hy” đã từng làm không chỉ có thế.
truong nghia khinh ta Những “người gàn” làm đẹp Hà Nội
truong nghia khinh ta Em bé nhặt rác ở Hồ Gươm

Câu chuyện về bà Nậm bắt bọn lừa đảo bán “tăm tặc” với giá 500.000 đồng thời gian qua thì ít ai biết về cuộc sống khốn khó, cũng như tính cách thẳng thắn, ghét gian tà của bà.

Bà Nậm kể: Tôi sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em ở mảnh đất Hà Nam, bố mất sớm, mẹ không đủ sức nuôi nên đành gửi tôi đi ở cho 1 gia đình giàu có ở Thái Nguyên từ năm tôi 6 tuổi. Và đó cũng là khoảng thời gian tủi hờn, đau đớn nhất của bà, những trận đòn roi ngày ngày hằn lên thân thể.

truong nghia khinh ta
Chân dung bà Nậm – người hùng nhặt ve chai.

Nhưng vì thương mẹ, tôi chấp nhận chịu đựng 13 năm trong gia đình xa lạ đó, cho đến một ngày vì chứng kiến cảnh người con của ông bà chủ đi ăn trộm xe máy về nhưng bố mẹ không nói một lời. Thấy quá khó chịu vì phải phục vụ việc nhà của gia đình lừa đảo, vô văn hóa nên tôi quyết định tìm đường về quê với mẹ vào năm 19 tuổi”.

Về quê, bà kết hôn với người đàn ông hàng xóm nhờ sự mai mối của mọi người, tưởng chừng hạnh phúc đã đến, nhưng không ngờ, những trận đòn roi trong quá khứ 1 lần nữa lại đến. Lần này, là từ chính người đàn ông bà gọi làm chồng. Không chịu nổi sự chà đạp, bà quyết tâm bỏ quê hương lên Hà Nội kiếm sống.

Bắt đầu từ những gánh rau lang, bà kiếm từng hào qua ngày. Bà kể, cứ ban ngày đi lấy hàng ở chợ Long Biên và đi bán ở khắp các ngõ ngách Hà Nội, đêm về, bà ngủ lại ở vỉa hè hoặc xin vào nhờ nhà người dân.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, cho đến một hôm, khi chưa bán được hàng, gánh rau lang vẫn còn nặng, có người phụ nữ đến hỏi mua hết 50 mớ rau của bà và bảo tối qua sau chợ sẽ trả tiền 50 hào. Tin người, bà bán nợ cho người phụ nữ không quen ấy, đến tối mới biết, bà đã bị lừa. Chính vì lẽ đó, bà rất căm phẫn bọn lừa đảo, ăn không công sức của người khác.

Rồi qua những nghề bốc vác, bán hàng rong, giờ đây, đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này, bà chọn nhặt ve chai xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Vì trải qua cuộc sống tủi khổ, từng bị lừa đảo, cướp đi những đồng tiền mồ hôi xương máu nên vì lẽ đó, nhìn những kẻ trộm cắp, lừa lọc, bà vô cùng bức xúc.

Và câu chuyện bắt “tăm tặc” vừa qua, cũng chỉ là 1 câu chuyện nhỏ trong chuỗi “diệt gian trừ tà” của bà. Chỉ mới năm ngoái, trên đường đi nhặt ve chai, bà phát hiện một người khả nghi điệu bộ gấp gáp đang cho nhiều bộ áo quần vào túi trên phố Hàng Ngang. Ngay lập tức, bà báo cho chủ cửa hàng và tóm gọn tên tội phạm. Sau đó, bà biết rằng số hàng mà bị lấy cắp có giá trị trên 10 triệu đồng”.

Và không chỉ dừng lại tại đó, khi thấy cảnh những người nước ngoài phải mua đồ bị chặt chém, bà đã ra sức lấy lại công bằng cho họ, gần đây nhất, có hai vị khách phải mua 500.000 đồng/ 5 cái bánh rán, bà đã bắt tiểu thương trả lại tiền thừa đúng với giá cái bánh và xin lỗi họ.

Bà bảo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ của mọi người mà sinh hoạt hàng ngày của bà cũng đỡ vất vả hơn. Trước đây, bà Nậm ngủ ở vỉa hè nhưng dạo gần đây vì sức khỏe cũng như hiểu được lòng tốt của bà thì tổ trông xe Hàng Khoai đã cho bà ngủ tạm vào buổi tối.

Khi hỏi chuyện về vụ “tăm tặc”, bà cười rồi nói: “Việc làm này xin đừng nhắc nữa, nhiều người gọi tôi là anh hùng, tôi không dám nhận đâu. Tôi làm không chỉ vì mọi người và cũng vì tôi nữa”.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này