Tập trung giải quyết “quá tải” trường, lớp

14:45 | 28/02/2017
Tập trung đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học trong bối cảnh quy mô học sinh trên địa bàn Thành phố ngày càng gia tăng sẽ là ưu tiên cao nhất mà UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GDĐT, các sở ngành liên quan và UBND quận, huyện cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
tap trung giai quyet qua tai truong lop Hà Nội: Các khu đông dân cư sẽ có thêm trường mầm non
tap trung giai quyet qua tai truong lop Đánh giá mạng lưới trường lớp mầm non tại khu công nghiệp

Theo báo cáo của Sở GDĐT, từ năm 2012-2015, toàn Thành phố đã xây mới 121 trường học, gần 1.700 phòng học với kinh phí hơn 3 nghìn tỷ đồng, song mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu học tập cho con em của người dân trên địa bàn TP. Cụ thể, năm học 2016-2017, mạng lưới các trường học trên địa bàn Thành phố tiếp tục phát triển với 2.665 trường học, gần 53 nghìn nhóm lớp với 1,8 triệu học sinh (tăng so với cùng kỳ năm học trước 43 trường, hơn một nghìn nhóm lớp với 95 nghìn học sinh). Trong đó, đáng chú ý là số học sinh bậc mầm non và tiểu học có sự gia tăng về mặt cơ học rất lớn, năm sau luôn cao hơn năm trước khiến nhiều trường, lớp của hai bậc học này ở một số quận huyện trở lên quá tải.

tap trung giai quyet qua tai truong lop
Ảnh minh họa.

Đơn cử như quận Cầu Giấy, theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, so với nhu cầu hiện tại thì số trường học cơ bản đủ nhưng tại mỗi trường thì sĩ số HS/lớp lại khá cao. Dự báo, năm học tới (2017-2018), quy mô HS sẽ tăng khoảng 10%, tương đương 6.300 học sinh. Để đáp ứng đủ nhu cầu cho số học sinh này sẽ cần xây thêm 4 trường học. Còn theo kế hoạch từ nay tới năm 2020, Cầu Giấy cần bổ sung khoảng 10 trường ở các cấp học. Còn theo bà Phạm Thị Hòa – Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, hiện trên địa bàn quận có hơn 100 dự án nhà ở, chung cư, khu đô thị đang triển khai, trong đó 60 dự án đã đưa vào hoạt động.

Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng mạnh mẽ về dân số trên địa bàn quận, đòi hỏi quận phải chủ động chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, trong đó có trường học. Chưa kể, 5 năm qua, mỗi năm quận Hà Đông đầu tư xây mới từ 4 - 5 trường học, nhưng nhiều trường vẫn quá tải. Quy mô tuyển sinh những năm gần đây tăng trung bình trên 5 nghìn HS/năm. Theo dự báo của lãnh đạo quận này, từ nay đến năm 2020, Hà Đông cần thêm 85 trường học mới nhưng hiện quỹ đất để thực hiện thì chưa có. Ngay như, huyện Hoài Đức, theo dự báo của lãnh đạo huyện này từ nay tới năm 2020, huyện này cũng cần bổ sung 77 trường học để đáp ứng đủ nhu cầu chỗ học tập cho con em người dân trên địa bàn.

Trong khi các quận nội thành và huyện tập trung nhiều khu công nghiệp chưa có hoặc thiếu quỹ đất để triển khai xây mới thêm điểm trường thì tại một số huyện lại gặp khó khăn trong việc xóa điểm phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học tạm, học nhờ do thiếu kinh phí. Đơn cử như huyện Ba Vì, theo lãnh đạo Phòng GD ĐT huyện chia sẻ, hiện toàn huyện vẫn còn 234 phòng học xuống cấp, không bảo đảm chất lượng. Trong đó có 206 phòng học mượn, học tạm và phòng học cấp 4 xuống cấp, chủ yếu ở cấp học mầm non. Nhiều nơi thiếu phòng, phải ngăn đôi để HS có chỗ học. Tương tự, theo phản ánh của huyện Phú Xuyên thì số phòng học cần thay mới của huyện này cũng trên 100 phòng nhưng đến nay chưa thể giải quyết do nguồn ngân sách của huyện hạn chế, công tác xã hội hóa khó khăn do điều kiện cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban của ngành GDĐT tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu Sở GDĐT, các ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã tập trung đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học.Tùy điều kiện cụ thể từng nơi nhưng yêu cầu các đơn vị tập trung ưu tiên đầu tư theo 4 thứ tự: Trước hết là bổ sung số trường học còn thiếu (thiếu bao nhiêu, vị trí nào, kinh phí ra sao). Tiếp đến là ưu tiên xóa phòng học cấp 4 xuống cấp, phòng học nhờ, học tạm. Ưu tiên thứ ba là xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn và cuối cùng mới tới ưu tiên xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đặc biệt, Thành phố cũng lưu ý các đơn vị, tùy theo điều kiện thực tế mà lựa chọn mục tiêu đầu tư cho phù hợp, trong đó những huyện khó khăn cần ưu tiên cho việc xóa phòng học cấp 4 xuống cấp, không để tình trạng HS phải đi học nhờ đình, nhà văn hóa...

Còn Sở GDĐT, trước ngày 30/4/2017 có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về điều chỉnh, bổ sung mạng lưới trường, lớp với những con số cụ thể về nhu cầu trường, phòng học trên toàn Thành phố báo cáo UBND Thành phố xem xét.

H.Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này