Dừng hay tiếp tục hệ thống truyền thanh cơ sở:

Vẫn đang trưng cầu ý kiến

09:58 | 28/02/2017
Trước đây, đài truyền thanh cơ sở “loa phường” từng là một loại hình thông tin không thể thiếu trong đời sống của người dân đô thị. Thế nhưng trong thời đại bùng nổ của các loại hình thông tin, vị trí đài phường, loa phường ở đâu, tồn tại và phát triển như thế nào là một bài toán khó?  
van dang trung cau y kien Gần 90% ý kiến người dân đồng tình bỏ loa phường ở Hà Nội
van dang trung cau y kien Hà Nội lấy ý kiến người dân về "số phận" loa phường

Khảo sát gần đây nhất của Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội (Sở TT-TT) cho thấy, có đến 90% ý kiến kiến nghị của người dân đồng tình nên bỏ loa phường. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 10% ý kiến cho rằng thông tin loa phường là hữu ích và 3,96% ý kiến người dân vẫn cập nhập thông tin qua loa phường nhưng phải đổi mới từ nội dung thông tin đến kỹ thuật truyền dẫn phát sóng và đặc biệt là vị trí đặt loa công cộng ở đâu cho hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường sống bằng tiếng động.

van dang trung cau y kien
Ảnh minh họa

Như vậy, nguyên nhân vì sao người dân không còn mặn mà với loa phường thì có nhiều, đầu tiên có thể kể đến đó là do quy hoạch và mật độ dân số đô thị ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Rất khó để đòi hỏi những chiếc loa, có thể phát huy hết khả năng của mình trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút. Hậu quả là những gia đình sống gần loa phường lại lĩnh đủ cường độ âm thanh. “Chưa nói đến thời điểm phát thanh không đúng, khi thì sáng sớm, lúc thì tối muộn, nội dung phát thanh cũng không thực sự hợp lý, phạm vi thông tin hạn hẹp lại lặp đi lặp lại khiến chúng tôi cảm thấy nhàm chán” – chị Nguyễn Phương Mai, KTT K9, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng Hà Nội chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ TT-TT đến cuối năm 2015, cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí trung ương, 137 tạp chí địa phương), 67 đài PT-TH, 1 hãng thông tấn quốc gia. Đó là chưa kể các trang mạng xã hội vẫn đang cập nhật thông tin từng giờ, từng phút… ngay cả chính quyền của nhiều địa phương cũng đã phải cập nhật các thông tin qua các trang mạng của mình. Vậy trong biển thông tin khổng lồ như vậy, vị trí đài phường, loa phường ở đâu, tồn tại và phát triển như thế nào là một bài toán khó?

Trái ngược với ý kiến trên, theo bác Phạm Ngọc Minh – Bí thư chi bộ khu tập thể Điện Máy Trần Hưng Đạo, phường Đồng Nhân, lại cho rằng, thông tin loa phường thực sự hữu ích đối với các cán bộ về hưu như bác. “Nghe loa phường đã trở thành thói quen với tôi từ lâu, nó giống như một chiếc đồng hồ báo thức cho ngày chi trả lương, ngày tiêm phòng, kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt, thông báo tình hình an ninh quốc phòng trên địa bàn… và ngay gần đây thôi, loa phường cũng đã thông tin về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021” – bác Minh tâm sự

Mỗi người một ý kiến, song muốn bỏ loa phường, một phương tiện truyền thanh đã từng gắn bó hàng chục năm với người dân, không thể chỉ một sớm một chiều nhất là khi chưa có một hình thức thay thế một cách hiệu quả. Việc xin ý kiến nhân dân là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tính dân chủ trong các quyết định của chính quyền Thành phố... Bà Trần Thị Mai Dung, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản – Truyền thông (Sở TT-TT) cho biết, kết quả khảo sát nêu trên chưa thể hiện được quan điểm nên bỏ hay giữ loa phường và việc khảo sát chỉ là một kênh tham khảo.

“Trong tháng 2 và đầu tháng 3/2017, Sở sẽ tư vấn các địa phương tiếp tục lấy ý kiến về loa phường tại khu dân cư qua hình thức họp tổ dân phố. Ngoài ra, Sở cũng sẽ nghiên cứu tổ chức hội thảo để thu thập ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, những người trực tiếp làm công tác phát thanh ở cơ sở” – bà Trần Thị Mai Dung cho biết thêm

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này