Hợp tác giữa trường học và Nhà hát

Nghệ thuật chuyên nghiệp thăng hoa

09:06 | 24/02/2017
Vở kịch “Quẫn” của đạo diễn NSƯT Trần Lực do các em sinh viên K33 thể hiện là thành quả đầu tiên đánh dấu sự hợp tác đào tạo thực hành sân khấu giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đây được cho là điểm khởi phát chắp cánh cho nhiều sinh viên nhanh chóng bước vào môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp.
nghe thuat chuyen nghiep thang hoa Bất ngờ khi được đóng vai Kiều
nghe thuat chuyen nghiep thang hoa Cười nghiêng ngả với "Đàn ông cũng khóc"
nghe thuat chuyen nghiep thang hoa Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở kịch "Kiều"

“Bà đỡ” cho nghệ sĩ tương lai

Trước đây, khi mới thành lập, Nhà hát Tuổi trẻ cũng có mô hình đào tạo thực tế nghệ sĩ sân khấu. NSND Lê Khanh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, vào năm 1978 khi từ Liên Xô trở về sau quá trình học tập, NSND Phạm Thị Thành đã khởi xướng thành lập một nhà hát dành cho tuổi trẻ với nòng cốt là một số nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật, còn lại là những người trẻ chưa được đào tạo nghề, trong đó có Lê Khanh. Khi đó nhà hát mới toanh, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực rất hạn chế. Những lớp nghệ sĩ đi trước đã cần mẫn dìu dắt thế hệ sau từng bước để có những vở kịch đầu tiên. NSND Lê Khanh khi đó mới chỉ là sinh viên năm đầu tiên nhưng cũng đã được đảm nhận vai chính của hai vở kịch “Hòn đá cháy”, “Hoàng tử học nghề”. Bà kể: “Chúng tôi đã trở thành những diễn viên trên sân khấu thực tế sau học kì đầu tiên. Thậm chí năm 1982, tôi đóng vai Juliet trong vở “Romeo và Juliet”, có ngày đã phải diễn 4 suất. Và cứ như vậy, sau 3 năm hệ trung cấp chúng tôi đã trở thành những diễn viên chuyên nghiệp, có thể đảm nhận rất nhiều loại vai”.

nghe thuat chuyen nghiep thang hoa
Sự hợp tác giữ nhà hát và trường học sẽ chắp cánh cho nghệ sĩ tương lai.

Thế nhưng, đáng tiếc sau đó mô hình này không còn được duy trì. “Hiện nay, rất nhiều bạn sinh viên ra trường, thậm chí học lên cả cao học, nhưng chưa một lần đứng trên sân khấu chuyên nghiệp. Sau đó các em lại mất rất nhiều thời gian làm quen trên sân khấu, xếp hàng để đợi vai và may mắn lắm mới được đóng vai chính. Rồi có khi lại lấy chồng, sinh con đẻ cái…và chìm dần, hoặc rẽ sang những ngành nghề khác” – NSND Lê Khanh trăn trở. NSND Lê Khanh cũng cho biết, Nhà hát Tuổi trẻ cùng giảng viên, lãnh đạo Ban giám hiệu Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã đi thực tế ở những nước tiên tiến. Tại đây đều có những cơ sở nhà hát đón nhận, tiếp nhận các sinh viên đến từ các trường nghệ thuật để giao lưu, trao đổi, học nghề. “Chính từ những quá trình học hỏi đó mà sinh viên có cơ hội cọ xát với nghề, được xem cách vận hành sân khấu từ A đến Z. Các bạn sinh viên có cơ hội được hỏi tại sao lại như thế này mà không phải thế khác, phải làm như thế nào…Đấy chính là lý do mô hình này cần được thực hiện” – NSND Lê Khanh cho hay.

Theo ông Nguyễn Đình Thi – Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác được ký kết, Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và Nhà hát Tuổi trẻ sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ sinh viên làm bài tiền tốt nghiệp. Nhà hát Tuổi trẻ hỗ trợ sinh viên của trường thực tập trong thời gian dài hạn với nhiều nghiệp vụ như diễn xuất, đạo diễn, biên kịch, âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu… Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cung cấp các vở diễn, các chương trình nghệ thuật là bài tập của giảng viên và sinh viên nhà trường để biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ bằng hình thức biểu diễn có bán vé.

“Quẫn” – trái ngọt đầu tiên từ sự hợp tác

Để mở đầu cho dự án này, Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và Nhà hát Tuổi trẻ đã phối hợp tổ chức công diễn vở kịch “Quẫn” của tác giả Lộng Chương do đạo diễn NSƯT Trần Lực và các bạn sinh viên K33 thể hiện. Thành quả đầu tiên của sự hợp tác này là vở diễn đã đạt giải Nhì trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2016. “Quẫn” được coi là tác phẩm kinh điển của kịch nói Việt Nam. Tác phẩm nói về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh. Lo sợ khối tài sản lớn, tích cóp lâu năm bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt được phơi bày. “Đây là vở kịch tôi vô cùng yêu quý, trân trọng và ngưỡng mộ. Tôi đã xem vở kịch này do cha tôi đóng (NSND Trần Tiến) diễn từ khi tôi còn nhỏ, trong tôi còn nguyên dấu ấn về nghệ thuật viết kịch, dàn dựng, tài năng diễn xuất…”.

Sau đó NSND Lê Khanh cũng từng cậy nhờ 3 đạo diễn dựng lại vở này nhưng đều bị từ chối, vì cho rằng quá cũ. Vì thế, khi vở kịch này được chính các em sinh viên Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thể hiện, bà đã vô cùng hào hứng. Bà nhớ lại: “Hôm ấy rất đông khán giả. Tôi ngồi ở tầng 2 rạp Công nhân (Hà Nội), không bỏ qua chi tiết nào, ngay từ mở đầu tới khi kết thúc vở diễn, cực kỳ thú vị. Dàn dựng theo phương pháp ước lệ, cả về mặt không gian và diễn xuất, đạo diễn Trần Lực đã mở ra cho Quẫn điều mà biết bao nhiêu người theo nghề phải học, chứng minh được rằng, với nghệ thuật sân khấu, cái gì cũng có thể làm được… Quẫn đã bước qua câu chuyện cũ, cách thể hiện cũ”.

Theo dự án hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Quẫn sẽ được biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát này vào tối 18/2 và 25/2/2017. Đây là hoạt động mở đầu cho quá trình hợp tác lâu dài, cả về hỗ trợ đào tạo và biểu diễn. Đạo diễn NSƯT Trần Lực, giảng viên chuyên ngành Điện ảnh – Truyền hình,

Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh nhấn mạnh: “Các giảng viên và lãnh đạo trường luôn có ý thức làm thế nào để đào tạo ra thế hệ diễn viên tương lai. Muốn được như vậy, các em sinh viên phải trải nghiệm qua nhiều phong cách biểu diễn, nhiều trường phái diễn khác nhau. Với vở “Quẫn” này, các em đã được diễn với tâm thế là một diễn viên thực sự. Đây là một điều rất tốt với các em sinh viên và với cả Nhà hát. Các sinh viên sẽ có cơ hội, có địa điểm để thể hiện tài năng, sự sáng tạo và được tiếp cận với khán giả. Còn với Nhà hát, sẽ có điều kiện để chắt lọc, lựa chọn những gương mặt nghệ sĩ mới”– đạo diễn NSƯT Trần Lực, cho hay.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này