Đẩy nhanh xây dựng nhà vệ sinh công cộng:

Cần tạo sự đồng thuận

13:13 | 23/02/2017
Việc Thành phố đồng ý với đề xuất xã hội hóa 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC)  được người dân hết sức hoan nghênh, mong chờ. Mục tiêu  đặt ra trong dịp tết Nguyên Đán 2016 phải có 200 NVSCC hoàn thành và được đưa vào sử dụng song đến nay mới chỉ có 2 NVSCC được thí điểm vận hành. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này?
can tao su dong thuan Lắp đặt, đưa vào sử dụng 200 nhà vệ sinh cộng cộng trước Tết Nguyên đán 2017
can tao su dong thuan Nhà vệ sinh công cộng cao cấp đầu tiên của Hà Nội

Trao đổi với phóng viên LĐTĐ về sự chậm trễ của dự án này, ông Bùi Thái Song, Trưởng phòng Dự án Công ty CP Truyền thông Vinasing (đơn vị tài trợ) cho biết, nguyên nhân gây chậm trễ có nhiều, có nơi do vướng quy hoạch phải hoàn trả mặt bằng, có nơi thì vướng công trình ngầm… Tuy nhiên, nguyên nhân chính lại là người dân phản đối việc xây dựng NVSCC cạnh khu vực mình sinh sống. “Ở đây có thể có cả trách nhiệm của các phường, xã, nhiều địa phương không tuyên truyền từ trước đó nên khi công nhân xuống lắp đặp người dân mới biết và phản ứng. Hơn nữa dù đã được giải thích là NVSCC hiện đại, không gây mùi nhưng nhiều người dân vẫn kiên quyết phản đối xây NVSCC gần nhà họ” - ông Song nhấn mạnh.

can tao su dong thuan
NVSCC mới trên vườn hoa Pastuer.

Vậy vấn đề đặt ra tại sao người dân lại phản đối? Theo ghi nhận của PV trên địa bàn TP hiện nay có không ít NVSCC được xây dựng cách đây khá lâu, chất lượng xuống cấp làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Đơn cử, như trường hợp NVSCC nằm trước cửa tập thể khu dân cư ngõ 54 -56 A phố Trần Hưng Đạo, con đường từng một thời đẹp nhất Thủ đô. Hàng ngày nước thải từ nhà vệ sinh chảy ra, hòa cùng với rác và mùi hôi thối nồng nặc vẫn thường trực “tra tấn” người dân trong khu vực.

Theo đại diện nhà tài trợ, vào ngày 24/02, đơn vị tài trợ sẽ bàn giao thêm 53 NVSCC nữa, nâng tổng số NVSCC mới được đưa vào vận hành, sử dụng trên địa bàn Thủ đô thêm 55 chiếc. Toàn bộ số NVSCC này sau đó sẽ được giao cho Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) vận hành, duy trì.

Không chỉ với các NVSCC cũ, nhiều NVSCC bằng thép mới được đầu tư ở thời điểm 1.000 năm Thăng Long cũng bộ lộ nhiều vấn đề, nơi thì xuống cấp, bẩn thỉu như trên phố Yết Kiêu, Tây Sơn, Đinh Tiên Hoàng; hoặc lại do nằm ở vị trí khuất vắng người sử dụng như ven đường Trích Sài mà lúc nào cũng đóng cửa im im… gây lãng phí, thất thoát.

Sự ám ảnh của nhà vệ sinh cũ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân về việc triển khai các NVSCC mới. Điển hình, tại khu vực vườn hoa Pastuer nhiều người ở đây cho hay vườn hoa này chỉ cần có một NVSCC là đã tạm đủ. Do đó, việc xây dựng thêm một NVSCC nữa các đó vài chục mét là không cần thiết gây lãng phí. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng việc triển khai NVSCC mới là việc phải làm để cho thành phố ngày càng văn minh, sạch. Không thể một TP văn minh, hiện đại mà để hệ thống nhà vệ sinh công cộng bẩn hiện hữu. Song cái chính, NVSCC thì ít mà nhu cầu sử dụng nên cái chính phải tính toán sao cho khoảng cách đặt NVSCC một cách hợp lý. Tránh tình trạng chỗ nhiều, chỗ không có.

Và một lần nữa khẳng định trong bối cảnh khó khăn về ngân sách; đặc biệt khi Quốc hội cắt giảm tỷ lệ phần trăm ngân sách Thành phố được giữ lại thì việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư của Thành phố, trong đó có xã hội hóa NVSCC là một chủ trương đúng. Vấn đề đặt ra, trong quá trình triển khai làm thế nào để taọ sự đồng thuận cao của nhân dân cũng như công tác bàn giao mặt bằng để sớm hoàn thành mục tiêu mà Thành phố đề ra.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này