Tiếng còi vô tâm

14:42 | 22/02/2017
Còi xe là bộ phận được thiết kế ở tất cả các loại xe, dùng để xin đường, để xin vượt trong một số trường hợp và được luật giao thông cho phép. Chính vì thế, nhiều người coi chuyện bấm còi trên đường là đương nhiên. Và chính từ sự vô tâm đó, nhiều hệ lụy đã xảy ra…
tieng coi vo tam Vứt rác, đi tiểu tiện bừa bãi có thể bị phạt tới 7 triệu đồng
tieng coi vo tam Những tổ dân phố không rác

Trên thực tế, hành vi bấm còi inh ỏi, bừa bãi, loạn xạ trên mọi nẻo đường, bất chấp mọi hoàn cảnh là chuyện không lạ đối với người tham gia giao thông. Báo chí cũng viết nhiều, phản ánh nhiều. Đáng nói, không ít người tham gia giao thông coi việc sử dụng còi và bấm còi sai quy định là quyền của họ.

Đó là tiếng bấm còi liên tục của những thanh niên khi rẽ trái, rẽ phải, chờ đèn đỏ. Dường như, với những thanh niên này, tiếng còi thay thế cho giao tiếp, để dọn đường, để đi được nhanh nhất, mà họ không cảm thấy những hành vi đó là mất lịch sự, gây phiền nhiễu cho những người cùng tham gia giao thông.

tieng coi vo tam
Bấm còi là hành vi được quy định bởi luật giao thông, người bấm còi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu gây hậu họa.

Cũng trong khuôn khổ tiếng còi, không ít thừa nhận, họ thực sự cảm thấy sợ tiếng còi trên đường phố. Nhiều người từng choáng váng, giật mình với tiếng còi xe đinh tai nhức óc, tiếng hú kéo dài của còi ô tô từ một chiếc xe máy, một số người loạng choạng, mất tay lái với tiếng còi xe tải, xe container. Họ ví những chiếc xe tải, xe container là “hung thần” và ứng phó của họ là dừng lại hoặc leo lên vỉa hè để tránh. “Cứ nhìn qua gương, thấy những chiếc xe máy, xe tải lao lên, bấm còi, là tôi dạt ngay vào lề đường hoặc leo lên vỉa hè. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, chả cấm được thì phải tránh”, bác Thanh (56 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) chia sẻ.

Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như suy nghĩ của bác Thanh, rằng “cứ tránh là được”. Nhiều những tiếng còi to quá âm lượng, kéo dài quá mức cho phép, khiến không ít người giật mình, mất tay lái dẫn đến tai nạn. Báo chí đã từng phản ánh nhiều tai nạn thương tâm xảy ra từ tiếng còi. Đơn cử, vụ tai nạn ở An Giang xảy ra bởi tiếng còi là vụ tai nạn ám ảnh độc giả trong nhiều năm.

Theo đó, một người chồng chở vợ có bầu lưu thông trên QL91, khi đang lưu thông, chiếc xe bồn trộn bê tông phía sau nhấn còi inh ỏi đòi vượt qua đoạn đường hẹp. Người chồng giật mình, mất lái, khiến xe đổ xuống, hậu quả người vợ ngã ra đường, bị xe bồn vượt lên cán tử vong… Tai nạn thương tâm từ tiếng còi chưa dừng lại, tại một số địa bàn cũng xảy ra những trường hợp tử vong tương tự, nguyên nhân bởi những người cầm lái khi tham gia giao thông mất lái, ngã ra đường khi nghe tiếng còi hụ từ xe tải, xe container.

Cá nhân người viết bài này cũng từng hơn một lần đề cập đến hành vi xấu xí bắt đầu từ tiếng còi. Trong khuôn khổ bài này, xin được gọi đó là “tiếng còi vô tâm”, được tạo ra từ những người tham gia giao thông thiếu văn minh. Có lẽ, người tham gia giao thông, nhất là khi lưu thông ở khu vực đông dân cư, khu đô thị, cần hiểu hành vi bấm còi không phải là chuyện bấm cho vui, thích thì bấm, mà còn là điều luật. Người bấm còi phải chịu sự kiểm soát của luật giao thông và chịu sự xử lý của pháp luật nếu gây hậu họa.

Hạnh Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này