Thị trường bột ngọt giả:

Vì sao vẫn còn tung hoành

15:24 | 17/02/2017
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, từ nay đến năm 2022, nhóm mặt hàng gia vị Việt Nam (bao gồm bột ngọt, hạt nêm) sẽ có mức tăng trưởng đạt từ 25-32%/ năm. Tốc độ tăng trưởng cao đã tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái phát triển.
vi sao van con tung hoanh Đẩy mạnh công tác phòng chống hàng giả
vi sao van con tung hoanh Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Đáng nói, tiếp tay cho hành vi tiêu thụ mặt hàng kém chất lượng này chính là sự thờ ơ của các tiểu thương và sự thiếu thông thái của người tiêu dùng cũng như sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Hàng giả tung hoành

Từng mục sở thị một nồi nước dùng của một quán phở gần nhà, chị Hải Hòa – CT12 (Kim Văn – Kim Lũ) không khỏi băn khoăn: “Thông thường, một nồi canh xương đủ ngon cho gia đình ăn thì ngoài 0.5kg xương ninh hầm mình vẫn phải cho thêm 3 thìa bột nêm mới cảm thấy đủ ngon và ngọt. Vậy không hiểu sao, cả một nồi nước dùng chan cho hàng trăm bát phỏ mà chỉ ninh có 2kg xương nước dùng sao vẫn ngọt thế?!”.

vi sao van con tung hoanh
Giả các thương hiệu lớn để trục lợi

Trong khi bài toán “dinh dưỡng” này khiến nhiều bà nội trợ băn khoăn thì với những người kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các hàng quán bình dân câu trả lời chính là: Mì chính hoặc bột nêm!. Chủ một quán phở bò trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) cho biết: “Mỗi bát phở bình dân chỉ bán với giá từ 20 - 25 ngàn đồng. Nếu mua xương ống về nấu nước dùng thì nắm chắc phần lỗ”. Vị chủ quán này tính toán, mỗi cân xương có giá buôn nhà hàng từ 50 - 70 ngàn đồng/ kg, chưa kể tiền điện nước…. Nấu theo cách đó thì không có lãi. Vì thế, giải pháp tối ưu là ra mấy sạp tại chợ Đồng Xuân mua bột ngọt, hay viên nêm thả vào nồi nước dùng là chả thấy có thực khách nào ì xèo gì về nước dùng. Khi đó, xương hầm chỉ là thứ tượng trưng!.

Tâm sự của vị chủ quán trên có vẻ như tỷ lệ thuận với số vụ mỳ chính giả, bột nêm không nguồn gốc mà các cơ quan chức năng quản lý phát hiện thời gian qua. Đáng chú ý, phần lớn các vụ hàng giả bột ngọt bị bắt và thu giữ có nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài có được tiểu ngạch – vốn được cơ quan y tế cảnh báo là rất nguy hại cho sức khỏe con người. Tại một hội thảo với nội dung về công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng mới đây, ông Nguyễn Công San – Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội từng đưa ra cảnh báo: Mặt hàng thực phẩm như gia vị, đồ uống... là những thứ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng khi bị dùng phải hàng giả, hàng không nguồn gốc rõ ràng thì người tiêu dùng khó tìm được công ty nào chịu trách nhiệm. Vì thế, rủi ro cho người tiêu dùng là rất lớn.

Song cũng theo dự báo của Nielsen, với nhu cầu sử dụng hạt nêm cho các bữa ăn tại gia đình Việt Nam rất lớn. Cụ thể 30 triệu lít canh/ngày, nêm nếm cho các món chiên xào vào ngày cuối tuần tăng 18 triệu dĩa/ngày, nêm ướp vào món kho 14 triệu nồi/ngày... Hay theo vị đại diện của một siêu thị lớn tại Hà Nội cho biết, tuy không phải là mặt hàng chủ lực nhưng kinh doanh mặt hàng gia vị của siêu thị này cũng có mức tăng trung bình 20 - 25%/năm...” thì vẫn là “cơ hội” cho kẻ xấu trục lợi.

Hàng thật “lép vế”!

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui về mức tăng trưởng của ngành hàng này thì việc cạnh tranh với hàng giả đang là cuộc chiến “không cân sức” của các công ty sản xuất kinh doanh hợp pháp mặt hàng này. Theo thông tin từ Phòng cảnh sát Kinh tế (Đội chống hàng giả), Công an TP Hà Nội, trong năm 2016, Phòng đã phối hợp với Phòng bảo vệ chính trị - CA TP Hà Nội đã thu giữ 105 gói bột ngọt (mì chính) nhãn hiệu AJNOMOTO và 100 gói bột ngọt nhãn hiệu MIWON đều là hàng giả. Theo khai nhận của đối tượng thì thủ đoạn chính là nhập nguyên liệu và bao bì giả mang các thương hiệu nổi tiếng do Trung Quốc sản xuất về làm giả rồi đem tiêu thụ tại 5 cửa hàng tạp hóa quanh địa bàn Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Người ăn phải thực phẩm chứa nhiều đường hóa học, bột ngọt chất lượng kém có thể gây nên cảm giác nhức đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn hoặc có thể dị ứng nếu dùng với số lượng nhiều. Lâu ngày, các chất độc tích tụ sẽ gây phá hủy tế bào, làm biến đổi gien, tạo thành khối u dẫn đến bệnh ung thư”.

Còn một cuộc khảo sát bỏ túi mới đây của PV LĐTĐ tại một số siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn huyện Thanh Trì, quận Cầu Giấy Hà Nội cho thấy, nếu như tại các cửa hàng, siêu thị lớn, khi sự kiểm duyệt các sản phẩm đầu vào khá chặt chẽ nên khách hàng hầu hết chỉ tiếp cận các mặt hàng chính hãng trong nước cùng một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc.. có giá không dưới 50.000 đ/kg như: giá bột ngọt Ajinomoto là 57.000 đ/kg, Miwon 62.000đ/kg, hạt nêm thịt heo Vedan giá 58.000đ/kg... Trong khi đó, ngoài chợ dân sinh, cũng không khó kiếmloại bột ngọt có thương hiệu lớn như... nhưng giá dao động 30.000 - 40.000đ/kg, rẻ hơn từ 1/2 các loại bột ngọt cùng loại bán trong siêu thị. Điều này cũng có thể nhận diện được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả.

Và điều đáng quan ngại hơn, theo chị Hải – chủ sạp hàng khô có buôn bán bột nêm, bột ngọt (Chợ cầu Tó- Thanh Trì) cho biết, chị không rõ và không quan tâm nhiều đến nguồn gốc xuất xứ hàng này mà thấy người giao hàng đến bỏ mối có giá rẻ, nhiều người hỏi mua thì nhập về để bán kiếm lời. Còn phần lớn khách mua chọn mua bột ngọt giá rẻ bán theo cân ở của hàng của chị chủ yếu là người kinh doanh dịch vụ hàng ăn bình dân. Cũng theo chị Hải cho biết thêm, loại sản phẩm có giá rẻ này thường được sang chiết thủ công từ các bao có trọng lượng lớn thành những bao có trọng lượng nhỏ mà phổ biến là 500g và 1kg. Theo đó, mỗi ngày, sạp hàng của chị tiêu thụ không dưới 10kg.

Bên cạnh sự tuyên truyền để trở thành người tiêu dùng thông thái nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng, rất cần những người kinh doanh dịch vụ ăn uống hay tiểu thương kinh doanh mặt hàng này thức tỉnh lương tâm: Đừng vì lợi nhuận mà nhắm mắt tiếp tay đầu độc sức khỏe người tiêu dùng.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này