Áo dài cách tân:

Cần tôn trọng các chuẩn mực

14:22 | 09/02/2017
Thời gian qua, đặc biệt trong dịp tết nguyên đán Đinh Dậu 2017, nhiều bạn trẻ chọn áo dài cách tân với nhiều kiểu dạng du xuân. Rất nhiều ý kiến khen chê xung quanh các mẫu áo dài này. Dưới góc nhìn của cách chuyên gia về thời trang, việc cách tân “áo dài” là xu hướng tất yếu, phù hợp với sự vận động của cuộc sống.  Tuy nhiên, vấn đề đặt ra dù ở bất kỳ mẫu thiết kế nào “chuẩn mực” của tà áo dài là điều cần được tôn trọng.
tin nhap 20170209103947 Ao Dài hồi sinh: Chính quyền và nhân dân cùng làm
tin nhap 20170209103947 NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Tôi muốn đóng góp cho thời trang Hà Nội

Theo sách Việt Nam văn hóa sử cương của tác giả Đào Duy Anh, áo dài hiện đại có khởi nguồn từ chiếc áo giao lãnh bốn vạt ở thế kỷ 17, đến Triều Minh Mạng (1820 - 1840), vua theo lời tâu xin của sĩ, dân Bắc hà, cuối năm 1828, ban lệnh từ sông Gianh trở ra Bắc kể từ mùa xuân sang năm phải đồng loạt thay đổi y phục. Từ thời điểm này áo dài năm thân cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được phổ biến toàn quốc và được coi như “quốc phục”, phổ biến từ trong cung đình ra dân gian.

tin nhap 20170209103947
Mẫu áo dài cách tân mùa Tết Đinh Dậu 2017.

Trên thực tế, trải qua bao thăng trầm biến động của lịch sử đất nước cùng nhịp sống ngày nay, có thể nói áo dài cách tân là chuyện đã lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có. Từ xa xưa, dân ta đã thiết kế nhiều loại áo dài như áo dài truyền thống, áo dài tứ thân và áo dài giao lãnh, áo dài ngũ thân. Ngày nay, chiếc áo dài truyền thống được thiết kế thêm nhiều kiểu hơn, cổ chữ U, cổ trái tim, cổ tròn làm đa dạng và đó chính là sự vận động đổi mới của thời trang nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chiếc áo dài đó là hai tà áo dài thướt tha cùng chiếc quần dài chấm gót, không thể bị lẫn lộn với kiểu dáng khác.

Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập kỷ 60 của thế kỷ 20, áo dài bắt đầu được may chít eo, eo áo cắt cao lên. Gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may dài gần đến mắt cá chân. Nhiều người sau đó còn may áo dài với cổ khoét tròn. Đến gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở thành thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng hơn, không chít eo nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể. Cổ áo thấp xuống còn 3cm. Tay áo cũng được may rộng ra. Đặc biệt trong khoảng thời gian này, vai áo dài bắt đầu được cắt lối raglan để ngực và tay áo ôm hơn, nhăn ít, mà lại đỡ tốn vải. Tay áo được nối với thân từ chéo vai. Quần may rất dài với gấu rộng đến 60cm và nhiều khi được lót hai ba lớp. Đến những năm 90 trở lại đến nay, áo dài đã trở lại, cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn và bắt đầu được bạn bè quốc tế nghĩ tới như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam!

Thực tế, đối với đời sống tinh thần của người Việt, áo dài luôn có một vị trí thiêng liêng và với mỗi người Việt, kể cả đàn ông lẫn phụ nữ, đều nhìn nhận áo dài như một Quốc phục của Việt Nam. Chính vì vậy, dù ở bất kỳ mẫu thiết kế nào, chuẩn mực của tà áo dài là nó phải làm sao khi mặc lên chúng ta cảm thấy hồn Việt Nam trong đó, và khi chúng ta tìm đến với áo dài, chính là để tìm về một nét truyền thống.

Về vấn đề này, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam người đã từng giành nhiều giải thưởng thời trang danh giá trong nước và cả quốc tế cho biết: Trong những ngày qua, có những ý kiến phê bình rất gắt gao, thậm chí hơi nặng khi đưa những hình ảnh cô bé, cậu bé mặc những chiếc áo “canh tân” lên mạng xã hội phê phán. Tôi không đồng ý quan điểm này, đây đơn thuần là sự sáng tạo của các bạn trẻ khi kết hợp chiếc áo dài với chân váy và vì vậy việc chỉ trích là không nên. Tuy nhiên, theo NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam anh vẫn ủng hộ xu hướng truyền thống. “Để thời trang phát triển được thì chúng ta vẫn phải lưu giữ những nét truyền thống, kế thừa và phát triển nó nếu không sẽ bị tụt hậu. Tôi ủng hộ sự đổi mới của áo dài nhưng không ủng hộ một số trường hợp mặc phản cảm khi kết hợp quần tất hay nhái theo hàng Trung Quốc” – NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam nhấn mạnh.

Việc cách tân là điều cần thiết cho một chiếc áo truyền thống được tồn tại ở tương lai. Song điều quan trọng, sự cách tân phải tạo ra sự cân bằng để đời sống của chiếc áo dài mang tính bền vững. Nghĩa là phải phù hợp với xu thế thời đại, song không đánh mất đi bản sắc truyền thống của nó, hồn của nó đấy mới là điều đáng bàn.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này