Thăm làng nhiếp ảnh hơn 100 tuổi

09:00 | 10/02/2017
Huyện Hoài Đức – Hà Nội, vốn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống như cơ khí, dệt may, điêu khắc… nhưng ít người biết nơi đây còn có một làng nghề độc đáo mang tên làng ảnh truyền thống Lai Xá.
tham lang nhiep anh hon 100 tuoi Vẻ đẹp phụ nữ Việt qua tà áo dài trong "Vườn xưa"
tham lang nhiep anh hon 100 tuoi Nhiếp ảnh gia Mỹ ra sách về phong tục Hầu đồng

Trước thực trạng làng ảnh đang rơi vào quên lãng với những thước phim truyền thống, tháng 7/2011, Hiệp hội các làng nghề truyền thống mới chính thức công nhận và trao giấy khen cho làng ảnh Lai Xá. Với những thành tựu đạt được, cũng như tuổi đời lâu năm, con người Lai Xá đã minh chứng sự tồn tại, để người ta phải “nhớ mặt, đặt tên” cho cái nôi nhiếp ảnh của cả nước.

tham lang nhiep anh hon 100 tuoi

Ông Nguyễn Đình Khánh và đông đảo thợ ảnh Lai Xá, ảnh tư liệu được người dân Lai Xá lưu giữ.

Được biết, làng ảnh Lai Xá có từ năm 1892, khi ông Nguyễn Đình Khánh – người con của làng mở được cửa hàng ảnh riêng trên phố Hàng Da và ông đã đưa những người cùng làng ra làm để vừa phụ giúp cửa hàng, vừa là để truyền lại nghề. Kể từ đó nghề ảnh Lai Xá rất phát triển, những người con trong làng, lớn lên là theo nghề ảnh, đến năm 1935 những người làm ảnh Lai Xá đã mở được 35 cửa hàng ở khắp mọi miền đất nước, lại có những cửa hiệu ở nước ngoài như Trung Quốc, Nga, Mỹ…

Dạo quanh làng nghề, phải có tới hàng chục các cửa hàng ảnh lớn nhỏ của người dân trong làng, có những nhà đã làm đến 3, 4 đời ảnh và từng ngày gìn giữ thứ nghề truyền thống nơi mảnh đất mình sinh ra. Ông Nguyễn Minh Nhật – chủ cửa hàng ảnh Sơn Hà nói: “Gia đình tôi có 4 đời làm nghề ảnh và giờ các con tôi vẫn làm nghề này nhưng không ai làm theo lối truyền thống như ông cha ngày xưa nữa, vì thời thế thay đổi, ảnh kỹ thuật số ngày càng nhiều, chụp lại nhanh, mình cũng phải thay đổi để bắt nhịp với cuộc sống mới chứ cứ làm theo lối truyền thống thì lấy gì mà ăn”.

Khi được hỏi về làng nghề của mình, ông Minh Nhật tự hào cho biết: “Làng ảnh Lai Xá đã tồn tại hơn một trăm năm nay. Thời kỳ đầu nghề ảnh gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu thốn nguyên vật liệu, những người làm ảnh trong làng đã biết vận dụng những thước phim thừa, phim cũ để làm ảnh mới. Bằng bí quyết truyền thống trong việc pha chế màu, cùng với những kỹ thuật chấm, rửa ảnh riêng của người Lai Xá đã tạo nên những bức ảnh “vang bóng một thời”.

Trước thực tế của làng ảnh ngày một đi xuống, những người con tâm huyết với nghề của làng đã đề nghị thành lập Hội nhiếp ảnh. Năm 2000, UBND xã Kim Chung đã công nhận Ban thường trực Hội nhiếp ảnh Lai Xá do anh Nguyễn Văn Thắng làm trưởng ban. Sau những nỗ lực đưa ra các bằng chứng, đến ngày 2/7/2011, Liên hiệp các làng nghề truyền thống đã trao bằng khen cho làng ảnh Lai Xá và tuyên dương 3 nghệ nhân cao tuổi của làng.

Với những tâm huyết gìn giữ làng nghề của người dân Lai Xá, tính tới nay, những nhiếp ảnh gia sinh sống trên vùng đất này đã thu về rất nhiều thành tựu, bằng khen. Làng đã có trên 10 bức ảnh đặc sắc về thiên nhiên, sự vật, con người của các hội viên được trao giải cao trong những cuộc thi ảnh chào mừng SEA Games 22 (năm 2003) tổ chức tại Việt Nam; có nhiều bức ảnh xuất sắc tham dự vào các triển lãm quy mô: triển lãm ảnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh “Nhịp sống đất và người Hà Tây”...

Nghề chụp ảnh ở làng Lai Xá như cái duyên, cái nghiệp của người dân nơi đây. Với tình yêu đất nước, thiên nhiên, con người, yêu nghề và ý thức trách nhiệm với lịch sử, người làng Lai Xá ngày nay vẫn kiên tâm với nghề, giữ nghề, phát huy nét độc đáo trong nghệ thuật nhiếp ảnh truyền thống của ông cha. Ông Minh Nhật xúc động chia sẻ: “Bây giờ, thời đại phát triển, con em của làng cũng không còn nhiều người quá thiết tha với nghề truyền thống. Bản thân những người già cả như chúng tôi sợ một ngày nào đó nghề bị mai một, cái tên của làng bị phai mờ, nhưng tôi tin, với ý thức, trách nhiệm của mình, người dân làng sẽ tiếp tục gìn giữ truyền thống này tới muôn đời”.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này