Những ngày sau Tết:

Giá thực phẩm đã ổn định

11:43 | 09/02/2017
Theo khảo sát của phóng viên, bắt đầu từ ngày 6/2 (mồng 10 Tết), hầu như mọi hoạt động kinh doanh tại các chợ dân sinh đã bắt nhịp trở lại. Và điều đáng mừng, giá  tại các chợ thời điểm này đã rục rịch về giá cũ, đặc biệt là các loại rau củ. Các loại thực phẩm khác cũng có xu hướng giảm mặc dù có phần chậm hơn giá rau xanh nhưng theo nhiều người dân quanh vùng thì mức giá này đều ở ngưỡng ... chấp nhận.
tin nhap 20170209101338 Giá thực phẩm, rau xanh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
tin nhap 20170209101338 Giá thực phẩm tăng mạnh sau đợt mưa ẩm kéo dài

Chị Phạm Hạnh - một tiểu thương tại chợ Đại Từ cho biết, do thời tiết năm nay ấm áp, thuận lợi nên thị trường rau xanh không bị khan hàng như những năm trước. Tuy nhiên do năm nay thời gian nghỉ Tết vẫn tương đối dài nên lượng thực phẩm để phục vụ nhu cầu người dân cũng như các gia đình khá lớn, vì thế, giá thịt, cá... có xu hướng xuống giá hơi chậm.

Cụ thể, như su hào 2.000-3.000 đồng/củ, cải cúc 2.500 đồng/mớ; đậu phụ trong tết có giá 2.500 đồng/bìa thì nay đã về giá 2.000 đồng/bìa; rau cần, cải thảo và một số loại củ khác đều dần ổn định giá. Đặc biệt, các loại rau gia vị như hành tươi, húng, xà lách, bạc hà…rất tươi ngon và có mức giá hợp lý.

tin nhap 20170209101338
Nguồn rau xanh dồi dào và nhanh chóng trở về mức giá cũ ngay sau dịp Tết

Còn tại một số chợ dân sinh khác như chợ Cầu Tó (Thanh Liệt - Thanh Trì), chợ Xanh (Cầu Giấy) những ngày gần đây, giá bán các loại thịt, cá tuy đã có xu hướng giảm hơn so với 4 ngày trước. Cụ thể, giá thịt lợn dao động từ 70.000 - 110.000đồng/kg, riêng xương sườn, xương ống có mức giá tăng cao dịp trong Tết thì nay cũng đã về mức giá cũ là 40 – 45.000 đồng/kg; thăn bò cũng đã về giá 240.000 đồng/kg...

Trong khi nhiều người tỏ ý lo ngại về mức giá có thể tăng trở lại vào thời điểm rằm tháng Giêng nhưng tiểu thương chợ Xanh (Cầu Giấy) cho rằng giá chợ sau Tết chỉ tăng nhẹ so với các năm và sẽ trở lại bình thường vào sau mùng 10 tháng Giêng. Tuy nhiên, mặc dù giá thực phẩm nhanh chóng quay lại mức trước Tết nhưng hầu hết tiểu thương đều than vãn sức mua chậm. Có ý kiến lý giải rằng nguyên nhân là người dân chưa tiêu thụ hết thực phẩm dự trữ trong những ngày Tết.

Trong khi giá cả thực phẩm ở các chợ, các siêu thị đã hạ nhiệt thì một vài ý kiến vẫn phản ánh ở nhiều nhà hàng, quán ăn lại có mức giá cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/phần ăn so với thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên ở một số quán ăn sáng tại khu vực Linh Đàm, Kim Giang...cho đến thời điểm này đã trở về giá cũ. Trong khi đó, một số cửa hàng ăn tại các tuyến phố lớn, đông dân cư như Xã Đàn, Nguyễn Du... mức giá có xu hướng giảm nhưng vẫn còn chậm. Tuy nhiên, theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh hàng ăn tại các tuyến phố thì từ nay cho đến rằm tháng Giêng, mức giá này sẽ sớm ổn định lại.

Từ thực tế trên cho thấy, năm nay, giá các mặt hàng sớm về đúng “quỹ đạo” so với thời điểm trước tết Nguyên đán 2 tuần, thậm chí còn phần giảm hơn so với thời điểm cận tết Nguyên đán. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì đây có thể là tín hiệu đáng mừng cho người tiêu dùng. Ông Phú cũng cho rằng, nguyên nhân giá cả không tăng mạnh được là nhờ lượng hàng hóa cung ứng lớn cộng với sự chi phối của chương trình bình ổn thị trường và sự phát triển nhanh của kênh bán lẻ hiện đại. Chợ lẻ không còn nhiều lợi thế cạnh tranh nên phải thay đổi cách bán hàng, giữ giá để giữ khách. “Hi vọng thị trường, không chỉ ở dịp tết mà cả 12 tháng trong năm, sẽ ngày càng ổn định, giàu tính cạnh tranh để thúc đẩy sản xuất phát triển mà không cần các cơ quan quản lý can thiệp quá nhiều bằng các biện pháp hành chính, bằng hệ thống giấy phép như những năm trước.” – ông Phú nói.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này