Phát triển xanh, bền vững: Bước đi tắt để đón chặng đường dài

13:46 | 19/01/2017
Không phải ngẫu nhiễn, ngay những ngày đầu mới về nhậm chức đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội và sau đó hầu hết trong các buổi hội nghị, hội thảo, làm việc với các sở, ngành, quận, huyện… Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đều nhấn mạnh: Thành phố phải phát triển theo hướng xanh - sạch- bền vững.
phat trien xanh ben vung buoc di tat de don chang duong dai Từng bước giảm nghèo bền vững
phat trien xanh ben vung buoc di tat de don chang duong dai Hà Nội nỗ lực cải thiện môi trường sống

Từ những con số…

Thế giới đã chuyển sang cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (chuyển sang mô hình kinh tế tri thức), song những hệ lụy của phát triển kinh tế trước đó đã làm cho thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đứng trước nhiều thách thức; trong đó nổi lên là vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Tại một cuộc hội thảo tổ chức trong năm 2016 về chủ đề bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo: Việt Nam đã, đang và sẽ có thể thiệt hại 5% GDP về ô nhiễm môi trường.

phat trien xanh ben vung buoc di tat de don chang duong dai
Chiến lược của thành phố là phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường.

Mặc dù, điều không thể phủ nhận trong suốt 30 năm qua, nhờ có nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn đầu tư tư nhân mà nền kinh tế đã có bước phát triển nhanh chóng, song theo báo cáo của Bộ Khoa học - Công nghệ trước Quốc hội cũng như các thống kê của Tổng cục Thống kê thì rất nhiều khu công nghiệp, làng nghề hiện nay chưa đảm bảo về các chỉ số về môi trường.

Cũng như các chuyên gia trong nước, tại Hội nghị về ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2016, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã đưa ra cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ làm thiệt hại 5% GDP hằng năm cho nền kinh tế Việt Nam (đấy là chưa kể đến thiệt hại về sức khỏe do khói bụi, ô nhiễm chất thải rắn mang lại) mà nếu không có kịch bản tốt để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong vòng 50 năm tới sẽ có 20% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế sẽ chiếm khoảng 10% GDP.

Còn ước tính của nhiều chuyên gia kinh tế môi trường, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần, đến năm 2025 có thể tăng gấp 4 đến 5 lần mức độ ô nhiễm môi trường hiện nay.

Và cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Ngoài tổn thất kinh tế thì ô nhiễm môi trường cũng sẽ tác động tiêu cực và trực tiếp tới sức khỏe con người với tỉ lệ chi trả để bảo vệ chăm sóc sức khỏe của năm 2010 khoảng 0,3% tổng sản phẩm.

Với Hà Nội, việc đô thị hóa ngày càng nhanh, kéo theo dân số tăng ở mức cơ học cũng làm cho Thành phố đứng trước thách thức rất lớn về môi sinh. Chỉ riêng hiện trạng tắc đường, ô nhiễm không khí cũng thiệt hại cho kinh tế Thành phố hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

… Đến quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng

Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP, 2011) xác định kinh tế xanh (KTX) là nền kinh tế vừa mang đến hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.

Hiểu một cách đơn giản, KTX là nền kinh tế ít phát thải các bon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội.

Nhằm cải thiện tình hình trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra Dự thảo "Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam" thời kỳ 2011-2020 và Tầm nhìn đến 2050. Trong đó, nhấn mạnh: "Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững".

Mục tiêu chiến lược này nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cụ thể: Khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế, tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với vấn đề biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Và để thực hiện chiến lược này, hiện Chính phủ đang hạ quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành quyết định đóng cửa rừng, không cho phép khai thác rừng tự nhiên; kiểm soát tối đa việc khai thác tài nguyên thô; đồng thời rà soát toàn bộ các nhà máy thủy điện hiện có cũng như quy hoạch hệ thống điện.

Không những thế, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các bộ, ngành, tỉnh, thành liên quan phải xem xét thật kỹ các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên cơ sở chỉ cấp phép cho những dự án có hàm lượng công nghệ cao, cương quyết nói không với những dự án sử dụng công nghệ cũ. Ngoài ra, để thay đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nền nông nghiệp vốn là lợi thế so sánh của quốc gia.

Đón chặng đường dài

Là Thủ đô có quy mô dân số hơn 7 triệu người, nếu tính cả khách vãng lai thì dân số hiện tại khoảng gần 9 triệu người, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, khiến quy mô dân số luôn tăng ở mức cơ học… dẫn đến Hà Nội đứng trước nhiều thách thức về vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi sinh đang ở mức báo động. Những vấn nạn về môi trường, không những gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Vì vậy, hòa chung vào chiến lược phát triển kinh tế xanh của thế giới và đất nước, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả về tư duy lẫn hành động về phát triển kinh tế xanh đi liền với việc bảo vệ môi trường.

Bằng chứng, trong các hội nghị, hội thảo, người đứng đầu Đảng bộ TP, UVBCT- Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải luôn nhấn mạnh: Thành phố không chạy theo tăng trưởng nóng bất cứ giá nào mà phải ưu tiên bảo vệ môi trường gắn với phát tiển bền vững.

Và thực tiễn, ngay trong năm 2016, Hà Nội ngoài các dự án liên quan đến xử lý môi trường, trong chiến lược phát triển kinh tế của Thủ đô, Thành phố cương quyết nói không với những dự án công nghệ thấp hút nhiều lao động, thay vào đó là khuyến khích những dự án công nghệ cao; gắn liền với phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, tài chính, thương mại và nông nghiệp sạch.

Quan điểm chỉ đạo của Hà Nội là đi tắt, đón đầu trong phát triển nền kinh tế xanh để giải “kép” bài toán mang lại giá trị gia tăng cao nhất gắn với bảo vệ môi trường sống trong lành. Thế nên, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng, gắn với “sàng lọc” các dự án có hàm lượng công nghệ cao được coi là bước đi tắt để đỡ cả chặng đường dài trong việc phát triển nền kinh tế Thủ đô theo hướng bền vững, giàu đẹp trong tương lai ngắn.

Hương Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này