Phong tục rửa trang sức, tiền trước giao thừa của người Thái Tây Bắc:

Mong năm mới bình an, sung túc

15:59 | 16/01/2017
Thời khắc giao thừa là thời điểm thiêng liêng và được mong đợi nhất được người Thái nói chung và người Thái Tây Bắc nói riêng gọi là “Pi Mâư”. Khác với nhiều dân tộc khác, người Thái Tây Bắc có nhiều phong tục tập quán độc đáo khi đón giao thừa.
mong nam moi binh an sung tuc Hà Nội: "Tứ trấn" hút khách đi lễ đầu xuân

Một trong những phong tục được người Thái Tây Bắc lưu giữ và bảo tồn qua nhiều đời đó là tục rửa đồ trang sức, hoặc tiền cũ bằng vàng, bạc trước giao thừa. Ý nghĩa của phong tục này là để cầu mong một năm mới bình an, sung túc, sinh sôi nẩy nở dồi dào phúc lộc.

Đối với người dân tộc Thái sống ở khu vực phía Tây Bắc của Tổ quốc, Tết Nguyên Đán là một trong những lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm. Trước Tết một tháng, nhà nhà người người đã nhộn nhịp tưng bừng chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Không khí Tết tràn ngập trên khắp các bản làng, núi đồi khi những cành hoa mơ, hoa mận, có năm có cả hoa ban, nở trắng xóa, khi những tiếng chày giã bánh, giã gạo vang lên từ những nếp nhà sàn ven núi. Đến ngày 30 Tết, nếu bước vào các bản Thái sẽ thấy một bầu không khí khác hẳn, đường xá quang đãng, sạch sẽ. Mùi rượu cần, hoa đào, trầm hương, cơm lam và các thứ bánh truyền thống bay lên từ các nếp nhà cùng những làn khói tím làm cho mùa xuân thêm ấm áp.

mong nam moi binh an sung tuc
Nhà nghiên cứu văn hóa Đào Quang Tố.

Thời khắc giao thừa là thời điểm thiêng liêng và được mong đợi nhất được người Thái gọi là “Pi Mâư”. Trước khi chuẩn bị sang năm mới vài giờ hoặc vài phút, những người già sẽ thức dậy mang hết những đồ trang sức hoặc đồng tiền cũ bằng vàng, bạc đem ra rửa. Đây là một tục lệ rất quan trọng, không phải tộc người nào cũng làm, thường chỉ có những người già trong một số dòng họ có tục hỏa táng là rửa tiền. Sau khi rửa xong, người ta đem lau khô rồi lại cất vào chỗ cũ và cầu mong một năm mới bình an, sung túc hơn nữa.

Gặp gỡ nhà nghiên cứu văn hóa Đào Quang Tố - người còn được biết đến với cái tên Quàng Công (Công là người có ơn, có công; Quàng là cái họ cha ông bao đời người Thái đã mang), là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về những phong tục tập quán đặc sắc của người Thái, được biết một số công trình của ông đã được Viện Văn hóa và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, báo chí, truyền hình, nghiệm thu, sử dụng. Mới đây nhất, bộ chữ Thái cổ Yên Châu do ông và cộng sự sưu tầm, đã được Dự án Bảo tồn di sản văn hóa của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tài trợ.

Nói về phong tục rửa tiền độc đáo trước giao thừa của người Thái Tây Bắc, ông Đào Quang Tố cho biết: Tục rửa tiền vào dịp Đắp bươn pi mâư (hết tháng12 vào năm mới) chỉ thực hiện ở một số dòng họ của người Thái đen như Quàng, Vì, Lò... Đồng tiền xưa (bạc trắng) có ý nghĩa tâm linh rất lớn. Nhờ có tổ tiên thần linh, trời đất, chủ nước, chủ đất phù hộ mới có, nên Tết đến, phải trả ơn họ bằng 2 lễ cúng: Trước 3 tháng và trước 3 ngày. Nghi lễ được thực hiện rất nghiêm túc, ông chủ đi tắm rửa sạch sẽ, nhất là 2 tay và mặt, kiêng phụ nữ để hành lễ rửa tiền. Phụ nữ chỉ được đi lấy nước ở nơi đùn ra trong lòng đất (nắm bo) bằng cái ống nước mới làm, nước đó được mang về và để vào một chỗ kín không cho ai biết. Nghi lễ rửa tiền làm bí mật, vì vậy ngoài phụ nữ thì trẻ con, tuyệt đối không được biết.

mong nam moi binh an sung tuc
Người Thái Tây Bắc đi ăn Tết. Ảnh: Đào Quang Tố.

Để tiến hành nghi lễ rửa tiền, người ta mang những đồng tiền để lên mẹt (tiền bạc không để hòm rương mà chôn trong hũ). Lúc đó ông chủ (ông chủ chết thì con trai cả được làm) có lời khấn gọi là Lẩu Lang (lời khấn nôm na ngắn gọn) Sau đó, đổ nước ra một chậu đồng hoặc chậu sành để rửa và giữ lấy nước (quý). Rửa từng đồng tiền, vừa nói lời cám ơn tổ tiên, chủ đất, chủ nước đã cho mình. Tiếp tục, lấy nước đã rửa tiền dùng tay trân trọng vẩy ra sàn Sia (quan trọng), một ít vẩy xuống gầm sàn, một ít vẩy lên trời rồi rơi đâu cũng được. Ý nghĩa của việc làm này là trả công cho trời đất tổ tiên thần linh. Sau cùng, dùng vải thổ cẩm lau sạch cho vào hũ như của và đem chôn trong đên 30 trời càng tối càng tốt. Ý nghĩa của việc làm này là không để ma quỷ người xấu nhìn thấy thì đồng tiền không hay ở với chủ, hoặc mất linh thiêng. Đồng tiền chỉ dùng phát lộc cho con cháu đi ở riêng lấy vợ, lấy chồng… Đến tận ngày nay, người Thái không mở ví tiền để cho người khác nhìn thấy, vì sợ đồng tiền mất thiêng, ra đi không chịu ở với mình.

Người Thái Tây Bắc tin vào sức mạnh của nước có thể gột rửa tất cả và mang đến cho họ những niềm vui, niềm hạnh phúc với muôn vàn điều tươi mới nhất. Đặc biệt là nước trong ngày mùng 1 đầu năm mới, họ tin vào thời điểm đất trời chuyển giao này nước cũng đã được thay nguồn là nước mới. Từ “nặm mâư” trong tiếng Thái nghĩa bóng là giao thừa, nhưng thực chất dịch theo nghĩa đen nó có nghĩa là “nước mới”. Giao thừa của người Thái cũng gắn liền với nước như vậy. Mọi người cố gắng dậy thật sớm, mang theo những ống tre, ống nứa để đựng nước từ suối về. Tất cả nước của năm cũ được đổ dồn vào những chum vại khác, những ống tre nứa còn lại trong nhà thì dùng để đựng nước mới. Tầm 5, 6 giờ sáng mùng 1 Tết, khi trời còn tờ mờ sương, ta đã nghe thấy tiếng long tong va đập của ống tre nứa ngoài đường, đó là lúc người Thái đi lấy nước đầu năm như đi mở hội.

Sau giao thừa và những ngày tiếp theo, người Thái Tây Bắc nổi trống chiêng, mặc đồ trang sức mới, như khăn piêu, xà tích những vòng xòe, điệu múa sạp xuất hiện nối tiếp nhau trong men rượu cần và tiếng khèn sáo dìu dặt, họ lại tưng bừng chào mừng một mùa xuân mới trên bản Thái và trên khắp đất nước Việt Nam.

Phong tục, tập quán đón Tết của người Thái dù đôi nét có khác nhau với những phong tục tập quán của các dân tộc khác, nhưng đều có một điểm chung là đón chào một năm mới, đầy khát vọng ấm no hạnh phúc, họ xóa đi những gì va chạm nhau trong quá trình sinh sống, để cùng nắm tay vào vòng xòe vào chum rượu cần đón một năm mới. Đó là nét nhân văn, ở khát vọng ấm no, hạnh phúc thịnh vượng của mỗi cá nhân, gia đình và Tổ quốc.

Trần Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này