Bánh chưng Lỗ Khê đậm đà hương vị Tết

11:55 | 16/01/2017
Những ngày cuối  năm, người dân ở làng bánh chưng Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) dường như thức trắng, phải đến khi những mẻ bánh cuối cùng được vớt ra và chuyển đi, họ mới kết thúc công việc và chuẩn bị Tết cho gia đình.
banh chung lo khe dam da huong vi tet "Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết" năm 2017
banh chung lo khe dam da huong vi tet Nâng tầm bánh chưng truyền thống

Rộn ràng ngày giáp tết

Chỉ cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 30 km về hướng Đông Bắc và không “nổi tiếng” như bánh chưng ở làng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì), song nếu ai một lần đặt chân đến làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh) và thưởng thức bánh chưng truyền thống ở đây, có lẽ sẽ chẳng thể nào quên được. Nghề làm bánh chưng truyền thống ở Lỗ Khê có từ khi nào, ngay cả đến các bậc cao niên trong làng cũng không thể nào nhớ được, chỉ biết rằng khi họ lớn lên thì nghề làm bánh chưng đã có rồi. Cứ vậy, người đi trước truyền lại cho người đi sau và nghề gói bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, bản sắc riêng của người dân làng Lỗ Khê mỗi dịp Tết đến, xuân về.

banh chung lo khe dam da huong vi tet

Bà Phạm Thị Lành hạnh phúc khi được tiếp nối và gìn giữ giá trị truyền thống cha ông để lại.

Nhanh tay rửa đống lá dong xanh ngắt, bà Phạm Thị Lành (65 tuổi, ở làng Lỗ Khê) không dấu được sự vui mừng khi có người quan tâm và tìm hiểu về những điều đặc biệt xung quanh nghề làm bánh chưng ở Lỗ Khê. Bà bảo: “Ở làng này ai cũng biết gói bánh chưng, nhưng để có một người làm bánh chuyên nghiệp quanh năm, hiện chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở đây, người làng Lỗ Khê ai nấy đều thấy vui mừng về đặc sản bánh chưng quê hương. Đặc biệt, vào những ngày giáp Tết, người dân khắp nơi đổ về đây đặt mua bánh chưng rất nhiều, họ làm quà biếu, quà Tết gửi đi khắp mọi miền đất nước, khiến chúng tôi rất tự hào và trân quý những giá trị truyền thống mà cha ông để lại vô cùng”.

Được coi là “đại gia” bánh chưng ở làng Lỗ Khê, năm nào cũng vậy, giáp Tết, nhà bà Lành lại đông như trẩy hội bởi số người đến đặt bánh, gói bánh và chuyển bánh đi khắp nơi. “Nhà tôi gói bánh chưng quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là vào dịp cuối năm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 20 – 29 Tết, các cơ quan, công ty đến đặt bánh rất nhiều, số bánh chưng lên cả vạn chiếc. Không làm xuể nên thời điểm cận Tết, tôi phải mướn người gói thuê ở làng. Vào thời điểm đó, một thợ gói bánh 1 ngày có thể gói được 200 cái. Vì làm nhiều nên sẽ chia nhau làm theo công đoạn, người tước lá, gói bánh, luộc bánh, vớt bánh…các khâu tạo thành một hệ thống chuyên nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng, độ rền và vị đậm đà của bánh. Gói bánh chưng dịp Tết lãi thì chẳng được bao nhiêu, bởi phải thuê nhân công giá rất cao vì cận Tết không ai muốn làm. Nhưng vì giữ nghề, yêu nghề và không muốn nghề gói bánh chưng ở Lỗ Khê bị mai một nên tôi quyết tâm giữ bằng được” – bà Lành tâm sự.

Đậm đà hương vị bánh chưng Lỗ Khê

Theo các vị cao niên trong làng, người làng Lỗ Khê có cách gói bánh chưng rất đặc biệt, đặc biệt ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu chế biến cho đến cách trình bày. Bởi lẽ, bánh chưng Lỗ Khê chủ yếu là loại bánh dài (bánh hình ống), người làng Lỗ Khê cũng gói bánh chưng vuông, nhưng rất ít, chủ yếu là để thắp hương cúng lễ tổ tiên và theo yêu cầu của khách hàng. Khi gói, lá dong phải là loại lá to, xanh mướt và được rửa sạch trước vài ngày cho ráo nước, khi gói, gạo sẽ bám vào lá và không có cảm giác nhớp nháp. Đặc biệt, gạo nếp dùng để gói bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng, và được trồng ngay tại vùng Lỗ Khê (không dùng gạo nếp cái hoa vàng ở vùng khác). Đậu xanh cũng phải là loại đậu còn nguyên vỏ, sau đó đem ngâm rồi đãi, tuyệt đối không dùng loại đậu tách vỏ, làm sẵn, bởi như thế khi nấu, bánh sẽ mất thơm.

banh chung lo khe dam da huong vi tet
Bánh chưng Lỗ Khê có vị thơm ngon, đậm đà.

Trước khi gói bánh, gạo sẽ được ngâm trước khoảng 1 giờ bằng nguồn nước giếng của làng, sau đó vớt gạo để ráo nước rồi xóc 1 ít muối cho bánh đậm đà. Đậu xanh sẽ ngâm khoảng 2 giờ cho bong hết vỏ rồi đãi sạch, thịt nhân bánh phải là loại thịt ba chỉ (nửa mỡ, nửa nạc), nếu thịt nhiều mỡ quá bánh sẽ bị ngậy và kém ngon, còn thịt nạc quá nhiều sẽ khiến bánh bị khô. Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu, bánh sẽ được gói bằng khuôn, vì là bánh chưng tròn và dài nên khi gói phần quan trọng nhất là giàn dây go (loại dây vải, chắc chắn để cố định hình chiếc bánh), sau khi gói tạo hình, người gói mới dùng dây lạt mềm để gói chắc chắn, lúc này dây go sẽ được tháo ra. Bánh sẽ được nấu trong khoảng thời gian từ 6 – 8 giờ đồng hồ, sau đó vớt bánh ra và nhúng vào nước cho nguội bớt.

Nói về nghề gói bánh chưng truyền thống ở Lỗ Khê, ông Hoàng Đức Minh - Trưởng thôn Lỗ Khê tự hào cho biết, ở làng này nhà nào cũng biết gói bánh chưng, nhưng làm chuyên nghiệp nhất và nhiều nhất là nhà bà Lành. Bánh chưng Lỗ Khê có vị ngọt thơm của gạo nếp cái hoa vàng, bánh rền và xanh bởi lá dong và sự đậm đà của nguồn nước giếng khơi ở đây mà không nơi nào có được.

Cũng theo bà Lành, trước đây vào mỗi dịp lễ, Tết, người làng Lỗ Khê lại tập trung tại một nhà nào đó rồi cùng gói bánh và trông nồi bánh chưng Tết. Những lúc ấy, các cụ cao niên trong làng lại tụ tập đến, cụ ông thì đánh trống chầu, cụ bà lại ngân nga những làn điệu ca trù (còn gòi là hát ả đào, hát nhà tơ…) nổi tiếng, tạo nên nét đặc trưng trong văn hóa và phong tục tập quán của người dân.“Ngày xưa thể loại ca trù được coi là thể loại nhạc quý tộc, nhạc cung đình, nhưng ở làng Lỗ Khê (cái nôi của ca trù) thì người dân hát mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, các cụ vừa nấu bánh chưng vừa hát, nó thi vị và ý nghĩa vô cùng, giờ thì không còn nữa” – bà Lành nói giọng đầy tiếc nuối.

Theo thời gian, nét sinh hoạt độc đáo ấy dần mai một, giờ đây người làng Lỗ Khê không còn hát ca trù khi trông nồi bánh chưng Tết nữa. Nghề gói bánh chưng truyền thống, hiện cũng không còn nhiều người gìn giữ bởi mang lại ít giá trị kinh tế, nhưng nét độc đáo, vị ngọt thơm của bánh chưng Lỗ Khê vẫn khiến nhiều người vấn vương mỗi khi thưởng thức. Đặc biệt vào dịp Tết, mỗi người trong làng vẫn muốn tự tay gói bánh chưng như muốn níu giữ vẻ đẹp truyền thống, nét đặc trưng của quê hương, để dâng lòng thành kính lên tổ tiên vào năm mới và cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này