12 giờ!

10:03 | 15/01/2017
“Đất nước Việt Nam yêu dấu/Có sạch đẹp mãi được không?/Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn/ Chỉ thuộc vào bạn mà thôi”. Lời bài hát thiếu nhi , giờ ngày nào cũng vang lên trên mỗi con phố của Thủ đô thân yêu khi cứ vào buổi chiều hàng ngày, những chiếc xe của Công ty vệ sinh môi trường đô thị đi gom rác.
12 gio Thời trang rác thải kêu gọi bảo vệ môi trường
12 gio Chung tay làm sạch môi trường

Bảo vệ môi trường hôm nay là góp phần bảo vệ tương lai tươi sáng cho thế hệ mai sau. Câu chuyện bảo vệ môi trường sống tưởng đơn giản, nhưng đi sâu vào mỗi chúng ta mới thấy ý nghĩa to lớn của nó. Khi tôi ngồi viết bài báo này, cũng là lúc hay tin GS Võ Quý - chuyên gia hàng đầu về bảo tồn thiên nhiên của nước ta - người Việt Nam duy nhất được Tạp chí TIMES của Mỹ vinh danh anh hùng môi trường thế giới qua đời ở tuổi 88.

Nhớ lại cách đây khoảng 5 năm, người viết có dịp trò chuyện với GS về chủ đề môi trường, ông nói: Mỗi một loại trên thế giới này được sinh ra đều là một “mắt xích” quan trọng trong việc bảo tồn sự tồn vong của trái đất. Bởi thế, nếu một trong số các loài đó giảm đi hoặc tuyệt chủng đồng nghĩa với việc tuổi thọ của trái đất cũng giảm theo. “Vậy với sự biến mất của các loài động, thực vật rất nhanh như hiện nay; cùng với sự khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi nếu lấy chuẩn tuổi thọ của trái đất theo kim đồng hồ là 24 tiếng một ngày- Theo GS trái đất của chúng ta đang ở kim thứ mấy?”- tôi hỏi? GS Quý trầm ngâm hồi lâu rồi nheo mắt trả lời: Kim thứ 12! Thú thật, câu trả lời của GS khiến tôi khá bàng hoàng. Nhưng suy nghĩ kỹ lại tin chắc GS nói đúng.

Các nhà khoa học đã chứng minh để có một loài xuất hiện trên trái đất, để có những tài nguyên tích tụ trong lòng đất tạo hóa phải mất cả triệu năm tái tạo mới có được. Trong khi đó, con người trên hành tinh chúng ta chỉ mất 50 năm đến trên 100 năm là khai thác gần như cạn kiệt khá nhiều nguồn tài nguyên. Ví như hiện nay, rất nhiều loại động, thực vật đã bị tuyệt chủng chỉ còn ghi trong sách đỏ; những cánh rừng tự nhiên đang bị tàn phá nặng nề; những khoáng sản tự nhiên trong lòng đất đang bị khai thác kiệt quệ… chưa biết đến bao giờ mới tái sinh.

Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên là để phục vụ đời sống con người; tuy nhiên khai thác một cách khoa học để cân bằng sinh thái vì sự tồn vong của trái đất mới là điều quan trọng. Suốt mấy chục năm qua, cả thế giới, trong đó có nước ta đã khai thác quá nhiều tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến mất cân bằng sinh thái, gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu, tầng ô zôn bị phá vỡ… Và hệ quả đầu tiên là tình trạng hạn hán, bão lũ, thời tiêt cực đoan ngày càng diễn ra với quy mô phức tạp khó lường.

Theo tính toán của các nhà khoa học, việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi sinh đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế tương đương 5% GDP, và nếu không có các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Do đó, để kim đồng hồ không nhích vượt con số 12 như GS Quý từng đề cập, để con em chúng ta được hưởng cuộc trong lành không bị trả giá về môi trường ngay từ bây giờ bạn và tôi; cùng tất cả chúng ta phải chung tay bảo vệ môi trường sống.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này