Khó thật!

14:13 | 30/09/2014
LĐTĐ - 10 năm trước, các rạp chiếu phim không thu hút được khán giả. Khi đó, không ít người nhận định thời phim rạp đã cáo chung.

Lý do đơn giản, thời của vô tuyến tràn ngập, internet, băng hình tràn lan ở đâu cũng có thể xem. Nhận định đó tưởng trúng, ai ngờ 5 năm lại đây, đèn ở các rạp chiếu phim lại luôn sáng, khách đến xem phim đông nghịt. Không chỉ ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia mà các rạp chiếu phim khác lúc nào cũng đông khách.

Song dạo quanh một vòng thì đa số phim chiếu rạp đều là phim “bom tấn” của thế giới, phim Hàn. Còn phim Việt rất hiếm. Nếu không nhầm từ khi các rạp đèn bật sáng trở lại, duy nhất chỉ có bộ phim Chân dài của đạo diễn Lê Hoàng hút được khách chỉ vì sự tò mò, song xem dần  khán giả đã thành nhảm.

Nói về sự vắng bóng của phim Việt ở rạp, nhiều chuyên gia cho rằng vì đa số là phim “mỳ ăn liền” nên khán giả quay lưng, song vừa qua bộ phim nổi đình nổi đám  “Sống cùng lịch sử” - một bộ phim được đầu tư số tiền lên tới 21 tỷ đồng khi đưa vào hệ thống rạp cũng không bán nổi vé nào. Và đến nay, bộ phim này đã bị gạt tên khỏi lits các rạp chiếu phim trên cả nước.

Dẫu với giá trị đầu tư 21 tỷ đồng, so với mặt bằng làm phim nước ta thì rất lớn, song  bộ phim này chưa là gì so với những siêu phẩm Hollywood đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD vẫn chiếu hàng tuần ở hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam.

Dĩ nhiên, lịch sử điện ảnh thế giới ghi nhận có những bộ phim giá trị sản xuất chỉ từ 500 -700 ngàn USD đã “đốt cháy” các rạp chiếu ngoạn mục, doanh thu lên tới hàng trăm triệu USD. Nhưng đó là những câu chuyện đã trở thành kỳ tích. Trong thời buổi hiện nay, khi nhu cầu và thị hiếu của người xem đã ở một đẳng cấp cao hơn thì một bộ phim với mức độ đầu tư tầm 21 tỷ đồng (xấp xỉ 1 triệu USD), nếu không đạt đến giá trị cao của nghệ thuật, rất khó chen chân vào rạp.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi một bộ phim của một hãng phim nhà nước có thể bán vé đắt như tôm tươi ở các rạp chiếu phim đô thị. Kể cả nội dung phim rất giàu tính nhân văn, chất lượng nghệ thuật hơn hẳn so với những dòng phim thương mại. Bởi vì phim nhà nước vốn không đặt nặng mục đích thương mại mà coi trọng mục đích tuyên truyền.

Do đó, chi phí để nghiên cứu thị trường và xây dựng chương trình quảng bá cũng rất hạn hẹp. Đây là một điều thua thiệt rất đáng lưu tâm. Ngay cả bộ phim “Sống cùng lịch sử”, trước khi gây sốc vì vụ ra rạp không bán được vé, thì bộ phim này từng tạo ra rất nhiều cảm xúc ở các đợt chiếu phim cho khán giả vùng sâu, vùng xa.

Điều đó cho thấy nếu chọn đúng chỗ chiếu, đánh giá đúng thị hiếu của từng bộ phận khán giả thì phim nhà nước vẫn có chỗ đứng và không bị quàng vào cái tội “gây lãng phí”. Nhưng nói cho cùng, dù là nhà nước hay tư nhân, dù là thương mại hay tuyên truyền thì điều cơ bản của phim khi sản xuất ra mục đích chính vẫn là thu hút được người xem. Nếu phim sản xuất ra không có người xem, điều đó đồng nghĩa với việc thất bại hoàn toàn!

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này