Nghệ sĩ hài Quốc Khánh:

Người độc thân vui tính

07:44 | 01/01/2017
Khán giả truyền hình ắt hẳn rất nhớ tới gương mặt luôn luôn ủ rũ, dúm dó đến tức cười của nghệ sĩ hài Quốc Khánh, trong các tiểu phẩm “Gặp gỡ cuối tuần”; và dáng vẻ ung dung, cố tỏ ra cứng rắn nhưng lại hóm hỉnh, trong vai Ngọc Hoàng của chương trình “Gặp gỡ cuối năm”.
nguoi doc than vui tinh Vân Dung: “Với Táo quân, đừng nói đến cát- sê”
nguoi doc than vui tinh Chí Trung, Vân Dung tiết lộ “sự thật” cưỡi cá lên chầu trời
nguoi doc than vui tinh Nghệ sĩ hài và nghệ sĩ sân khấu truyền thống: Kẻ vui, người buồn

Nói cho đúng nghĩa là mỗi vai của Quốc Khánh đều có màu riêng. Cùng trang lứa với anh hồi học khóa kịch nói ở Nhà hát Kịch Việt Nam (1978-1982) còn có các nghệ sĩ khác như Trung Anh, Đỗ Kỷ, Lan Hương, Quế Hằng…Ngay từ đầu anh đã có cá tính trong diễn xuất, thể hiện nét độc đáo của nhân vật, đượm sắc hài hước tự bên trong. Đáng chú ý về ngữ điệu của lời thoại bao giờ Quốc Khánh cũng chia cung bậc rành rọt và tìm được điểm nhấn để lột tả được diễn biến tâm lý của vai diễn. Sau này màu sắc nghệ thuật diễn xuất của anh được hiện diện ở nhiều kịch bản sân khấu và điện ảnh với hiệu quả thẩm mỹ cao. Đặc biệt sau giành được HCB trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1990 và Giải Nam diễn viên xuất sắc do Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao tặng năm 2002, anh được mời đóng nhiều phim cả bên điện ảnh và truyền hình.

nguoi doc than vui tinh
Nghệ sĩ hài Quốc Khánh.

Anh là một trong những diễn viên đóng hài đầu tiên trong các kịch mục của chương trình “Gặp gỡ cuối tuần”(bắt đầu từ năm 2002), với ngôn ngữ sân khấu mới, cười vui chế giễu những thói hư tật xấu của con người. Và, cũng từ đây gương mặt hài Quốc Khánh trở nên quen thuộc và được khán giả mến mộ cùng những bạn diễn như Quốc Thắng, Vân Dung, Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc…

Sang đến sân khấu hài, Quốc Khánh cũng thể hiện mình là một ánh xạ riêng trên sàn diễn. Không ồn ào vội vã, hoặc khuếch đại sự dị dạng, khuyết tật của con người để gây cười; mà anh nuôi mạch nguồn hài hước tự bên trong nhân vật, nên từng câu anh thoại đều tạo nên tiếng cười hết sức tự nhiên. Chính vì thế mà đến năm 2004, anh được các nhà làm phim mời đóng thay nghệ sĩ Quốc Trượng, trong vai Ngọc Hoàng của chương trình “Gặp gỡ cuối năm”. Ngay lập tức, anh càng trở nên nổi tiếng với vai diễn “rất” Ngọc Hoàng của mình, nghe nhiều nói ít, nhưng câu nói nào cũng làm nổ tung tiếng cười khán giả.

Từ đó đến nay đã 13 cái tết anh được khán giả yêu mến vai diễn này. Mỗi năm là một Ngọc Hoàng làm mới mình theo thời cuộc để cho bớt nhàm chán. Trong khi các vai Táo thả sức bay bổng trong đất diễn, thi vai Ngọc Hoàng của Quốc Khánh lại kiệm lời và chủ yếu là diễn “câm”, lắng nghe và diễn tả tâm trạng qua nét mặt. Thật là khó, vì nếu không nuôi cảm xúc và theo dõi những bản báo cáo chi tiết của các Táo, thì anh khó có thể tung được những câu rất “dị” của vai Ngọc Hoàng đúng lúc, để làm khán giả bật cười. Khán giả đã xem 13 ông Hoàng của Quốc Khánh mà không thấy nhàm chán là vì biệt tài sáng tạo của anh. Mỗi lần một sắc thái thú vị.

Cũng vì khả năng tư duy, khám phá nhân vật mang những góc cạnh dị biệt của Quốc Khánh, nên những nhà làm phim mời anh cộng tác từ rất sớm. Ngay khi mới tốt nghiệp khóa kịch đầu tiên, năm 1982 (20 tuổi), anh đã tham gia đóng phim. Đầu tiên là “Đứa con người lính” rồi sau đó là phim “Chiếc bình tiền kiếp”. Nhưng có lẽ đến năm 1998, tài “chọc cười” của anh mới được phát huy qua vai Thái trong phim “Ghen”; vai Thi của phim “Tết này ai đến xông nhà” (2002)…Và, đặc biệt anh gây ngạc nhiên đối với người xem, khi vào vai Chàng Gù trong phim “Áo lụa Hà Đông”, đậm chất trữ tình. Hơn thế đó lại là một vai mang yếu tố bi ai, ẩn chứa những nỗi niềm sâu lắng trong nỗi cay đắng của số phận.

Có thể nói, vai diễn Chàng Gù là một thử thách mang tính đột phá, với một nghệ sĩ đã chuyên đi diễn hài như anh. Cái khó là phải sống với tâm hồn nhân vật hết sức tập trung cùng với khả năng tưởng tượng hóa thân cao độ mới có thể dẫn tới thành công. Nhưng quả là nghệ sĩ Quốc Khánh đã làm được hơn sự mong đợi. Nỗi lòng cay đắng và đầy ẩn ức của nhân vật Người Gù qua diễn xuất của anh đã làm xúc động lòng người. Một bi kịch của tâm hồn về tình yêu. Nếu quá độ thì thành bi lụy chỉ dừng lại diễn tả tâm trạng của nỗi đau thất tình của nhân vật. Nhưng do biết tiết chế và nuôi ý tưởng cho nhân vật nên khán giả đã thấy ở đây vẻ đẹp tâm hồn trong sáng và đầy khao khát với tình yêu. Ẩn ức nhưng không cay đắng, xót xa khi tình yêu không tới. Một niềm hy vọng xanh trong với nỗi buồn lắng đọng. Người xem yêu nhân vật vì lẽ đó. Chính sự thành công ấy đã đem lại cho anh vinh quang, khi đoạt Giải diễn viên nam Xuất sắc nhất, trong Liên Hoan phim toàn quốc, năm 2006. Sau đó liên tiếp anh tham gia các bộ phim dài tập như “Người độc thân vui vẻ”, hay “Bão qua làng” cùng những “show” quảng cáo trên truyền hình…Đến năm 2012, Quốc Khánh cùng một số đồng nghiệp được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT). Đó là sự tôn vinh xứng đáng với những đóng góp của nghệ sĩ Quốc Khánh cho nền sân khấu và điện ảnh trong hơn 32 năm qua.

Bội Kỳ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này