Cảnh báo tội phạm tiền giả dịp cuối năm

10:05 | 27/12/2016
Càng gần Tết, các loại tội phạm diễn biến càng phức tạp. Một trong những loại tội phạm thường gia tăng vào thời điểm này là tội phạm tiền giả. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc nhưng tội phạm tiền giả vẫn diễn biến hết sức phức tạp. 
canh bao toi pham tien gia dip cuoi nam Bắt giữ đối tượng "ém" gần trăm triệu tiền giả mang vào Việt Nam
canh bao toi pham tien gia dip cuoi nam Lượng tiền giả thu giữ tăng 0,17%

Tinh vi và phức tạp

Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng thời gian gần Tết để mua bán, vận chuyển tiền giả từ các nước khác vào Việt Nam tiêu thụ. Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 23/12/2016. Khoảng 18h30 ngày 21/12, Phòng Cảnh sát hình sự – Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp Chi cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam tuần tra tại khu vực xã Tân Mỹ (Văn Lãng) phát hiện đối tượng Phạm Thành Chung (32 tuổi, quê ở Thái Bình) đang vận chuyển gần 100 triệu đồng tiền giả.

Chung khai mua tiền giả giáp biên giới để mang về quê tiêu thụ. Cùng ngày, lực lượng chức năng cũng thu giữ thêm gần 100 triệu đồng tiền giả của Đỗ Trọng Thủy (30 tuổi, quê ở Nam Định) tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam. Trước đó, khoảng 15h ngày 22/10, tại khu vực mốc 1107 (thuộc địa phận huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), lực lượng chức năng cũng bắt quả tang đối tượng Nguyễn Đăng Tùng (SN 1984, quê ở Bắc Ninh) vượt biên và vận chuyển trái phép số lượng lớn tiền giả từ Trung Quốc vào Việt Nam. Qua kiểm tra, trong túi của Tùng mang theo có 2.500 tờ tiền giả loại mệnh giá 200.000 đồng và 200 tờ loại mệnh giá 500.000 đồng…

canh bao toi pham tien gia dip cuoi nam
Đối tượng Đỗ Ngọc Thủy cùng tang vật tại cơ quan công an.

Không chỉ gia tăng tội phạm vận chuyển tiền giả tại các cửa khẩu biên giới, khi mà thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc thì mạng xã hội cũng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm tiền giả hoạt động. Hiện, trên mạng xã hội lan truyền nhiều địa chỉ rao bán các loại tiền giả với đủ mệnh giá. Loại tiền giả này được quảng cáo giống thật tới 99%, cũng được làm từ chất liệu polyme. Bên cạnh đó, các trang này liên tục đăng những hình ảnh rao bán tiền giả. Khi khách hàng có nhu cầu, chủ nhân của những trang này đề nghị khách hàng nhắn tin qua Facebook để trao đổi. Theo đó, khách hàng có nhu cầu mua tiền giả sẽ được quy đổi với giá trị 1 triệu tiền thật lấy 5 hoặc 6 triệu tiền giả (tùy vào mệnh giá tiền giả).

Cách nhận biết tiền giả

Theo các cơ quan chức năng, dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thể hiện: Về khách thể, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả xâm phạm quyền quản lý tài chính của Nhà nước thông qua việc phát hành tiền giả. Mặt khách quan của tội phạm, làm tiền giả là hành vi làm tiền giống tiền thật nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng để đưa ra thị trường lưu hành. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi thực hiện hành vi trên. Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi (khoản 1) hoặc từ 14 tuổi trở lên (khoản 2, 3) có năng lực trách nhiệm hình sự. Về mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện do cố ý. Người phạm tội biết hành vi làm tiền giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Về hình phạt, ngoài ba khung hình phạt, có thể kèm theo hình phạt bổ sung được quy định tại điều luật.

Vận chuyển, tàng trữ tiền giả có thể lĩnh án tử hình Tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định rõ về việc cấm làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Nếu bắt được quả tang tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Hình sự. Mức phạt đối với tội danh này từ 3 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ nghiêm trọng

Đặc điểm của các vụ án liên quan đến tiền giả là loại án truy xét, có vật chứng và phổ biến phát hiện ở khâu lưu hành. Trong khi đó, tàng trữ, lưu hành tiền giả là loại án thường liên quan tới nhiều tỉnh thành trong cả nước và có liên quan đến nước ngoài. Qua khảo sát sơ bộ các vụ án làm tiền giả, chưa phát hiện vụ án nào làm tiền giả ở trong nước. Hầu hết các đối tượng tàng trữ, lưu hành tiền giả đều khai nhận nguồn gốc tiền giả được đưa từ Trung Quốc, Đài Loan xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là cửa khẩu Lạng Sơn, tuy nhiên, đa phần các vụ án chỉ làm rõ được mảng trong nước, còn mảng ở nước ngoài chưa tiến hành được.

Để tránh sự phát hiện của công an Việt Nam, các đối tượng làm tiền giả có nhiều thủ đoạn đối phó rất tinh vi và thường không trực tiếp thực hiện tội phạm. Chúng mua bán, giao nhận tiền giả theo phương thức một người với một người, chủ yếu sử dụng điện thoại di động để liên lạc, hạn chế gặp mặt nên không biết nhau. Những đặc điểm này càng gây khó khăn cho công tác truy bắt đối tượng làm tiền giả, nhất là khi chúng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thêm vào đó, việc kiểm soát của các lực lượng tại cửa khẩu chưa thật chặt chẽ, nên tiền giả đưa về Việt Nam vẫn có chiều hướng gia tăng.

Về cách để nhận biết đâu là tiền thật, tiền giả, theo Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước), người dân thử xé nhẹ ở mép đồng tiền, nếu dễ bị rách thì có khả năng là tiền giả. Muốn kiểm tra kỹ hơn, người dân nên soi cửa sổ nhỏ của tờ tiền trước nguồn sáng đỏ (bóng đèn tròn, ngọn nến, que diêm cháy sáng), nếu không xuất hiện chữ Việt Nam đối xứng màu ngũ sắc thì đó là tiền giả. Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả. Một đặc điểm dễ nhận thấy của tiền giả là chất liệu in rất dễ bị bai, giãn, rách khi kéo, có thể xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc.

Trong khi đó, tiền thật làm bằng polyme có độ đàn hồi tốt, sau khi nắm, vò trong tay có thể trở về hình dạng ban đầu ngay. Chất liệu dai, mực in tốt giúp tiền thật bền màu và chịu được tác động ngoại lực tốt hơn hẳn tiền giả. Theo đó, có thể tự mình kiểm tra một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả bằng cách sau: Soi tờ bạc trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị); Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm); Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, hình ẩn nổi…); Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn); Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang). Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo sau khi kiểm tra các yếu tố bảo an, cần có tối thiểu 3 đến 4 yếu tố thì mới có thể khẳng định tờ bạc là tiền thật hay tiền giả.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này