Xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai):

Giàu lên nhờ vịt trời

09:20 | 17/12/2016
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn  khiến không ít người chăn nuôi bỏ chuồng thì mô hình thuần phục vịt trời đã đem lại hiệu quả cao do chi phí đầu tư ít, không chịu nhiều rủi ro. Đây là mô hình được nhiều nông dân xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai chọn lựa để vươn lên thoát nghèo, làm giàu và phát triển kinh tế địa phương.
giau len nho vit troi "Vịt trời trúng độc" - thông điệp nghệ thuật về môi trường

Cách đây vài năm, khi thấy giá trị của vịt trời mang lại lợi nhuận lớn hơn so với những loại gia cầm khác, những người dân Ngọc Mỹ đã tìm cách thuần phục chúng để nuôi thử nghiệm và kết quả đã đem lại giá trị kinh tế khá cao. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, người dân xã Ngọc Mỹ kể lại: Ban đầu, người dân tìm cách nuôi vịt trời, sau khi đánh bẫy được chúng về, người ta nhổ bớt lông cánh để đảm bảo chúng không thể bay lên được.

Tiếp đến, dân quây lưới thành trang trại ven cánh đồng rồi thả vị trời vào đó. Phương pháp này không ngờ đã đem lại hiệu quả rất lớn. Vịt trời là loài có sức đề kháng thần diệu. Trong khi gia cầm khác thường bị bệnh tật thì vịt trời quanh năm suốt tháng kiếm ăn mà người nuôi không mất một đồng tiền thuốc nào.

giau len nho vit troi

Hiện tại, tại xã Ngọc Mỹ có hàng chục trang trại chăn nuôi vịt trời với số lượng lên đến hàng nghìn con. Nếu so sánh giá trị của vịt trời với vịt nhà, có thể thấy giá cả vênh nhau quá lớn. Trong khi vịt, ngan nhà có giá 40 – 50 nghìn/kg thì vịt trời có giá tới 160 nghìn/kg, chất lượng được cho là ngon hơn vịt nhà. Nhiều người buôn bán chim trời tại Ngọc Mỹ cho biết, trong số các loài chim thì dễ thuần phục nhất là vịt trời, còn các loại chim khác thường khó hơn. Chẳng hạn như chim ngói thường di cư theo mùa.

“Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Bí thư xã Ngọc Mỹ, hiện phong trào nuôi vịt trời đang phát triển rất mạnh ở xã Ngọc Mỹ nói riêng và trên địa bàn huyện Quốc Oai nói chung. Từ một loài chim trời, nay vịt trời trở thành loại gia cầm chất lượng cao được nhiều người ưa chuộng. Nhiều trang trại hình thành cách chăn nuôi chuyên nghiệp như cung ứng giống, thức ăn và bao tiêu vịt trời. Quán vịt trời mọc lên khắp các ngõ nhỏ ra phố lớn. Người nuôi vịt trời cũng có cuộc sống sung túc, đủ đầy”.

Mùa hè, chim ngói sống ở phương Bắc, mùa thu, chúng di cư về phía Nam tránh rét, rồi sau đó lại về phương Bắc. Trước đây, có người định thuần phục loài chim ưa xê dịch này, nhưng tính đi tính lại thấy chi phí nuôi quá lớn vì phải đầu tư chuồng trại hiện đại, có điều hòa...

Đến nay, phong trào nuôi vịt trời đang phát triển rầm rộ tại Ngọc Mỹ và nhiều địa phương khác. Vịt được nuôi theo quy mô hộ gia đình. Nhà nào nuôi ít thì 100 – 200 con, nhà nuôi nhiều khoảng 700 – 800 con. Anh Trương Văn Bảy, người dân xã Ngọc Mỹ tiết lộ: Ngoài vịt trời, một số hộ đang nuôi thử chim cuốc, giống như trường hợp chim cút hay vịt trời trước đây. Tuy nhiên, mức độ thành công thì chưa thể nói trước được, bởi chim cuốc là loài khá nhạy cảm, phải “biết tính” chim nó như thế nào thì mới có thể thuần phục được.

Khi chúng tôi hỏi về thu nhập từ việc nuôi vịt trời thế nào, chị Tuyền cho hay, một con chim ngói tôi bán 65 nghìn đồng, 1 con vịt trời bán với giá 160 nghìn/kg, 1 con diệc bán 700 nghìn đồng, 1 con cò 45 nghìn/kg. Mỗi ngày, chị bán được hàng chục con chim trời, thu về cũng tiền triệu. “Nếu trừ chi phí, mỗi tháng từ nuôi vịt trời gia đình lãi được gần chục triệu đồng. Trước đây, việc chăn nuôi rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm cho gia súc, gia cầm ăn. Nếu chẳng may dính đợt dịch bệnh thì coi như công sức cả năm mất hết. Hiện nay việc thuần phục chim trời, đặc biệt là vịt trời không hề vất vả mà thu nhập thì gấp chục lần so với trước đây. Nhờ những khoản lời này mà có gia đình dựng được nhà cao, mua được xe ô tô giúp cuộc sống thoải mái hơn”- chị Tuyến cho biết thêm.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này