Thu nhập của giáo viên: Còn nhiều khoảng cách

10:06 | 16/12/2016
Cùng là nhà giáo, thậm chí cùng một bậc học, cấp học nhưng trong khi có những người sống ung dung với  thu nhập từ chính chuyên môn của mình thì không ít giáo viên khác phải chật vật, xoay xở làm thêm nhiều nghề mới đủ trang trải cuộc sống.  
thu nhap cua giao vien con nhieu khoang cach Giảm bớt áp lực cho giáo viên và phụ huynh
thu nhap cua giao vien con nhieu khoang cach Sắp khảo sát thu nhập giáo viên

Người ung dung với nghề

Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh - Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Thu Hoài trở thành giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường THCS thuộc quận Long Biên. Ngoài thời gian dạy trên lớp, về nhà, Hoài kèm cặp thêm tiếng Anh cho mấy đứa nhỏ con nhà anh em, họ mạc, hàng xóm gửi nhờ.

thu nhap cua giao vien con nhieu khoang cach
Cũng là dạy chữ, nhưng mỗi một bộ môn thu nhập lại khác. Ảnh minh họa.

Dù không có ý định phát triển việc dạy thêm, nhưng nhờ có phương pháp sư phạm, lại kèm cặp tận tình, mấy đứa trẻ mà Hoài kèm dạy thêm đều tiến bộ rõ rệt. Thế rồi, người nọ mách người kia, ngày càng có nhiều người tìm đến nhờ Hoài dạy thêm tiếng Anh cho con em mình.

“Ban ngày đi dạy ở trường đã rất mệt, tối về tôi không muốn tiếp tục làm thêm tại nhà, cho nên phải từ chối nhu cầu của rất nhiều bậc phụ huynh, chỉ những người thật sự thân thiết, gần gũi tôi mới nhận kèm cho con em họ”.

Ở một khía cạnh nào đó, dạy thêm cũng là một việc làm chính đáng bằng sức lao động chân chính của nhà giáo.

Nếu ai sai, ai lạm dụng việc dạy thêm để thương mại hóa giáo dục thì cần bị xử lý, nhưng không có nghĩa là cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm

Hạn chế số lượng như vậy, nhưng hiện tại, mỗi buổi tối trong tuần, kể cả ngày nghỉ, Hoài vẫn phải dạy thêm cho một lớp với 10 học sinh, trong 1,5 giờ,. Hỏi về mức thu nhập, Hoài bảo, cô không đặt nặng vấn đề kinh tế mà chỉ giúp các cháu nhỏ là chính, nhưng cô cũng cho biết, với mức học phí “bình dân” 70 ngàn đồng/cháu/ ca, mỗi ca (10 cháu) cô thu được 700 ngàn đồng, sơ sơ mỗi tháng thu nhập từ việc dạy thêm của Hoài cũng đạt con số hai, ba chục triệu trở lên...đủ để cô có thế sống ung dung trong thời buổi giá cả vùn vụt tăng cao.

Chuyện của cô giáo Nguyễn Thu Yến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tương tự.Yến tốt nghiệp loại giỏi khoa Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với năng lực ấy, dù mới đi dạy chưa lâu,Yến đã nổi tiếng là một cô giáo lớp 1 có phương pháp rèn chữ, luyện đọc cho các con rất tốt.

Vì thế, Yến được nhiều phụ huynh tin tưởng, thường xuyên gửi con đến nhà nhờ kèm cặp, nhất là vào dịp hè, và thời gian sắp bước vào năm học mới. Thu Yến không bật mí về thu nhập từ việc dạy thêm của mình, nhưng chắc chắn, cuộc sống của cô rất ung dung, thoải mái, dù thu nhập cơ bản của một giáo viên tiểu học tại trường không đáng là bao.

Người xoay xở làm thêm mới đủ sống

Bên cạnh những cô giáo có thể sống ung dung với chính chuyên môn nghề nghiệp của mình như cô Hoài, cô Yến, trên thực tế, vẫn còn không ít giáo viên phải sống chật vật, khó khăn, phải xoay sở đủ thứ để trang trải cuộc sống dù họ không hề kém về chuyên môn, bằng cấp. Như trường hợp cô giáo Phạm Thị Hồng (Hoài Đức, Hà Nội).

Tốt nghiệp loại giỏi, khoa Văn Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây (cũ), trầy trật gần 5 năm ở vị trí giáo viên hợp đồng, cô giáo Hồng mới trúng tuyển công chức và trở thành giáo viên biên chế của một trường THCS ở địa phương. Thêm gần chục năm đứng lớp nữa, tổng cộng 14 năm kể từ khi ra trường, tới bây giờ, thu nhập của cô Hồng (cả lương và phụ cấp) chỉ đạt hơn 4 triệu đồng.

“Vợ chồng tôi phải xoay đủ nghề từ chăn nuôi đến kinh doanh nhỏ mà cuộc sống vẫn thiếu thốn,vất vả. Hầu hết đồng nghiệp ở trường tôi đều chung cảnh như vậy”- cô Hồng cho biết. Hỏi tại sao không làm thêm bằng chính công việc của mình (dạy thêm), cô Hồng thở dài: “Chủ trương của trường và ngành là không được dạy thêm, nhưng cơ bản ở đây là vùng nông thôn, dân trí còn thấp, đời sống người dân còn khó khăn, họ chưa thực sự coi trọng việc học hành và cũng không có điều kiện đầu tư cho việc học hành của con em mình, thế nên có tổ chức lớp dạy thêm thì cũng chẳng có ai theo học”.

Cô Hồng là giáo viên tại nông thôn, cuộc sống chật vật đã đành, nhưng thầy Thắng- một giáo viên THCS ở một quận trung tâm Thành phố cũng có cuộc sống chật vật không kém. “Đi làm chục năm rồi, lương của tôi bây giờ là 4 triệu đồng/ tháng, còn vợ được 3,8 triệu.

Tổng thu nhập hai vợ chồng chưa được chục triệu, mà sống giữa thành phố đắt đỏ này, thực sự là cuộc sống khó khăn quá. Nhưng khổ nỗi hai vợ chồng tôi đều là giáo viên dạy môn phụ, tôi dạy thể dục, còn vợ tôi dạy kỹ thuật, thế nên muốn dạy thêm, kèm thêm rất khó. Để có thể trang trải cuộc sống, chúng tôi phải mở thêm cửa hàng photo và bán thêm ít văn phòng phẩm tại nhà”- thầy Thắng cho biết.

Cũng theo thầy Thắng, hiện nay trong các trường học có sự phân chia rất rõ ràng về thu nhập giữa các giáo viên. Giáo viên dạy Toán, Lý, Hóa, Anh thì rất giàu do họ có dạy tăng tiết trong trường và dạy thêm ở nhà, bộ phận giáo viên còn lại có đời sống rất vất vả.

“Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến đời sống giáo viên, lương và thu nhập của đại bộ phận nhà giáo đã tăng lên đáng kể, nhưng thực sự mà nói sự tăng này không đồng đều, và đời sống của một bộ phận không nhỏ giáo viên còn hết sức chật vật. Tôi rất mong muốn các cấp, ban ngành hãy quan tâm hơn nữa đến những giáo viên dạy môn phụ (thể dục, kỹ thuật, sử, địa, công dân)...như tôi và có những cơ chế nào đó để xóa dần khoảng cách thu nhập giữa giáo viên môn phụ và môn chính”- thầy Thắng bày tỏ.

Còn cô Hồng thì bộc bạch: “Giáo viên mà chỉ sống bằng lương như chúng tôi thì cuộc sống khó khăn lắm. Tôi mong rằng Nhà nước và các cấp ngành chức năng, ngoài việc quan tâm tăng lương cho giáo viên thì cũng cần có những biện pháp tạo điều kiện cho giáo viên được làm thêm bằng chính chuyên môn, nghề nghiệp của mình.

Ở một khía cạnh nào đó, dạy thêm cũng là một việc làm chính đáng bằng sức lao động chân chính của nhà giáo. Nếu ai sai, ai lạm dụng việc dạy thêm để thương mại hóa giáo dục thì cần bị xử lý, nhưng không có nghĩa là cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm”.

Tâm tư của thầy Thắng và cô Hồng có lẽ cũng là tâm tư của nhiều thầy giáo, cô giáo đang chật vật sống chỉ bằng đồng lương cơ bản trong nhà trường. Thiết nghĩ, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nếu những người làm giáo dục không đủ sống thì thật khó dồn hết tâm trí của mình vào công tác chuyên môn.

Rất mong sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trong việc chăm lo đời sống, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các giáo viên, để tất cả các nhà giáo được yên tâm với sự nghiệp trồng người.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này