Giảm thiểu, phòng ngừa lao động trẻ em: Vẫn là thách thức

16:25 | 03/12/2016
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Cả nước hiện có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em (LĐTE) và người chưa thành niên (từ 5-17 tuổi) đang phải làm việc nặng nhọc hoặc làm việc trong những điều kiện có hại cho sức khỏe. 
giam thieu phong ngua lao dong tre em van la thach thuc Vì lợi ích của người lao động
giam thieu phong ngua lao dong tre em van la thach thuc Xử lý nghiêm việc sử dụng trẻ em lao động trái pháp luật

Đói nghèo được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ LĐTE. Đó là thông tin từ hội thảo hướng dẫn thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016-2020 diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày từ 1-2/12.

giam thieu phong ngua lao dong tre em van la thach thuc
Để giảm thiểu LĐTE cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành.

Đói nghèo là nguyên nhân chính

Tại phiên khai mạc hội thảo do Bộ LĐTBXH phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) và Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức sáng 1/12, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) Đặng Hoa Nam cho biết: Trong số LĐTE được điều tra thì có 67% các em làm việc trong ngành nông nghiệp; 16% làm việc trong ngành xây dựng, chế tạo; 17% làm việc trong ngành dịch vụ. Đáng lo ngại trẻ em có nguy cơ làm trong các nghề bị cấm sử dụng LĐ chưa thành niên, hoặc điều kiện lao động có hại là 1,3 triệu (chiếm 75% LĐTE).

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE.

Hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE đang dần được hoàn thiện và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế về LĐTE. Bộ Luật lao động đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên.

“Thực tế cho thấy, trẻ em vẫn đang từng ngày buộc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động thậm tệ. Thời gian làm việc của các em bị chủ sử dụng ép buộc từ 11-12 giờ đồng hồ, thậm chí lên tới 16 giờ/ngày. Đối với những LĐTE phục vụ tại các quán ăn, số tiền lương 1,8-2 triệu đồng/tháng đã được xem là khoản thu nhập thuộc loại khá, vì vẫn còn không ít trường hợp trẻ phải làm việc mà không hề được trả lương”, ông Nam cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan, đói nghèo được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ LĐTE. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến LĐTE, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, vấn đề LĐTE cũng là thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thực hiện các hiệp định thương mại.

“Để giải quyết vấn đề LĐTE và đạt được mục tiêu của chương trình vào năm 2020, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, mà trước hết là nhận thức của gia đình các em và chính các em, cũng như người sử dụng LĐ còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến LĐTE; khả năng tiếp cận các hoạt động phát triển kỹ năng và nghề nghiệp hạn chế cũng là một trong những yếu tố cản trở việc xóa bỏ LĐTE”, bà Lan cho biết.

Cần sự cam kết của các ngành

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức LĐTE tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc và cam kết thực hiện Tuyên bố về một thế giới phù hợp với trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã ban hành hệ thống luật pháp và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE đang dần được hoàn thiện và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế về LĐTE.

Bộ Luật lao động đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên. Luật trẻ em mới được Quốc hội thông qua tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng, của các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE.

“Chúng ta có thể có các quy định luật pháp, ban hành các chương trình tốt, điều đó là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là năng lực thực thi luật pháp, là việc thực hiện có hiệu quả chương trình, là sự tham gia tích cực của tất cả các đối tác trong xã hội, gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội đối với việc phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc hội thảo, bà Trịnh Thanh Hằng - Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN cho biết: Trong phạm vi, chức năng của mình, Tổng LĐLĐVN thường xuyên chỉ đạo các cấp CĐ tham gia xây dựng ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), bộ quy tắc ứng xử tại doanh nghiệp, trong đó có đưa nội dung cấm sử dụng LĐTE, nhấn mạnh không được thuê mướn hoặc ủng hộ việc sử dụng LĐTE (dưới 15 tuổi).

Với LĐ chưa thành niên (dưới 18 tuổi), doanh nghiệp cũng phải có biện pháp sử dụng thích hợp, không được bố trí làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có hại cho sức khỏe và sự phát triển thể chất, tinh thần.

Cũng theo bà Hằng, hiện Tổng LĐLĐVN có bộ phận chuyên trách về công tác trẻ em thuộc Ban Nữ công, có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo Ban Nữ công tham mưu cho thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về các vấn đề liên quan đến LĐTE, chế độ, chính sách liên quan đến LĐTE, các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em...

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này