Chuyện ít biết về Lễ Tuyên ngôn Độc lập

10:01 | 30/08/2013
LĐTĐ - Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 là sự kiện chính trị và lịch sử vô cùng trọng đại của đất nước ta sau hơn 80 năm chống chế độ cai trị của thực dân Pháp.

Trong bối cảnh cả nước vừa trải qua cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, bên cạnh sự thiếu thốn mọi bề là âm mưu chống đối của thù trong giặc ngoài. Việc tiến hành thành công sự kiện vô cùng quan trọng này có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân Hà Nội, mà việc làm của họ rất ít người biết đến và có những chuyện mang trong nó cả sự bí ẩn đến nay chưa giải mã được.

Lễ đài ngày Độc lập 2/9/1945

Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2 – 9 -1945 được Chính phủ lâm thời kháng chiến quyết định tổ chức trong một hoàn cảnh khá gấp gáp. Người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trọng trách làm trưởng ban tổ chức “ Ngày lễ Độc lập” là nhà báo Nguyễn Hữu Đang, một trong những người sáng lập Hội truyền bá Quốc ngữ, Thứ trưởng bộ Thanh niên. Trong buổi họp tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã nói rõ mục đích và yêu cầu của buổi lễ, trong đó có việc  dựng một lễ đài và trang trí quang cảnh quảng trường Ba Đình. Hôm ấy đã là ngày 28 tháng 8 năm 1945.

Ông Nguyễn Hữu Đang phân vân trước yêu cầu của Bác vì chỉ còn 4 ngày nữa để hoàn tất một khối lượng công việc khổng lồ. Biết suy nghĩ đó, Bác Hồ khích lệ thật khéo: “Có khó thì mới giao cho chú” khiến ông Nguyễn Hữu Đang nhận ra trách nhiệm và tràn đầy khí thế. Ông xin với Bác trao cho một cái quyền được huy động mọi người dân cùng góp sức góp của cho việc chuẩn bị ngày đại lễ. Được Bác cho phép ông đã tiến hành ngay một cuộc họp với các kiến trúc sư, các nhà đạo diễn điện ảnh và nhà hoạt động văn hóa để thông báo về công việc chuẩn bị cho đại lễ. Ban đầu việc thiết kế và phụ trách dựng lễ đài được giao cho họa sĩ Lê Văn Đệ.

Nhưng vốn tính cẩn thận ông yêu cầu phải có một kiến trúc sư cùng thực hiện vì lễ đài không chỉ đẹp, hoành tráng mà còn phải vững chãi khi vật liệu chỉ có thể là gỗ. Mấy chục người đứng trên đó nếu có sự cố gì thì đại lễ thất bại. Nghe ý kiến đó, một người bước ra giới thiệu là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh. Trong tay ông đã có sẵn một bản thiết kế lễ đài. Hóa ra ngay sau cuộc họp của Chính phủ lâm thời được một người bạn là đạo diễn Phạm Văn Khoa kể lại, ông Quỳnh đã ngay lập tức thiết kế một lễ đài. Sau khi nghe kiến trúc sự Ngô Huy Quỳnh giới thiệu về mọi thông số kỹ thuật của lễ đài, ông Nguyễn Hữu Đang mừng lắm, ký duyệt ngay và giao cho họa sĩ Lê Văn Đệ cùng kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh phụ trách việc xây dựng. Một lễ đài độc đáo, ấn tượng với sự đóng góp công sức và của cải của người dân Hà nội được dựng lên chỉ trong 48 tiếng đồng hồ. Lễ đài ngày Độc lập chỉ tồn tại trong vài chục giờ đồng hồ nhưng nó đã trở thành biểu tượng không thể nào quên của người Việt Nam gắn chặt với sự kiện lịch sử trọng đại khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những thước phim tư liệu vô cùng quý báu và số phận bí ẩn của nó

Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 được lưu lại bằng ảnh khá nhiều, nhưng quay thành phim thì rất ít. Những thước phim hiện có được quay với góc nhìn từ bên trái trên lễ đài. Hơn thế những thước phim với độ dài chỉ khoảng 5 phút ấy đã biến mất từ sau lúc quay suốt 30 năm trời  cho đến đúng ngày quốc khánh 2 tháng 9 năm 1975 nó xuất hiện lần đầu trong bộ phim “Ngày Độc lập 2-9-1945” của NSND Phạm Kỳ Nam. Vậy ai là người quay được những thước phim vô giá ấy và tại sao phải 30 năm sau nó mới hiện diện vào đúng thời điểm trọng đại của đất nước? Câu hỏi này đến nay vẫn không có, trả lời chính xác mà chỉ là những suy đoán của nhiều người.

Chuyện quanh những thước phim về ngày Độc lập được chính những người chịu trách nhiệm tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập trong đó có ông Nguyễn Hữu Đang, đạo diễn điện ảnh Phạm Kỳ Nam ...kể lại. Ông Nguyễn Hữu Đang cho biết trong chương trình buổi lễ có nội dung quay phim. BTC đã thuê chủ hiệu ảnh Hương Ký, có máy quay, ghi lại sự kiện trọng đại này. Nhưng trong buổi lễ hôm ấy người ta còn thấy một máy quay loại nhỏ nữa của nhân viên phái đoàn Patty của Mỹ sử dụng. Tuy nhiên sau đó, ông chủ tiệm ảnh Hương Ký bảo do máy quay bị trục trặc nên không quay được phim buổi lễ. Chuyện thật đáng tiếc nhưng lúc ấy bộn bề công việc của một nhà nước non trẻ, không ai quan tâm đến nữa. Chỉ có điều lạ là sau đó không lâu, khi quân đội Tưởng Giới Thạch vào giải giáp quân đội Pháp, bảo trợ cho Quốc dân đảng và dựng lên một số tay sai bù nhìn như Vũ Hồng Khanh thì ông chủ hiệu ảnh Hương Ký chạy theo bọn này.

Bí ẩn hơn là sau 30 năm từ sự kiện trọng đại ấy của đất nước, những thước phim vô giá lại tình cờ trở về với đất nước ta cũng trong một hoàn cảnh hi hữu. Ấy là một dịp trước ngày giải phóng miền Nam, đạo diễn điện ảnh Phạm Kỳ Nam lúc ấy đang ở thủ đô nước Pháp nhận được một cuộc điện thoại của một Việt kiều mời đạo diễn đến nhà chơi và trao tặng một hộp phim được bảo quản rất cẩn thận. Ông già Việt kiều cho biết đây là những thước phim rất quý giá với đất nước và nhân dân Việt Nam. Ông cũng không cho biết ông có được nó như thế nào và cũng không biết ai là người quay nó, nay ông tặng nó lại cho nhân dân Việt nam qua đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Có được báu vật và dựng lại nó trong bộ phim “Ngày lễ Độc lập 2-9-1945” NSND Phạm Kỳ Nam đã lưu giữ cho đất nước và nhân dân ta một tư liệu lịch sử vô giá. Tuy nhiện cho đến tận lúc qua đời vào năm 1984, nhà đạo diễn tài danh vẫn không thôi băn khăn về việc ai ghi những thước phim ấy.

Cũng có phán đoán cho rằng hay nó do những người Mỹ trong đoàn Patty quay?. Tuy nhiên với góc nhìn từ bên trái trên lễ đài, và việc chỉ những người có trách nhiệm, mới được phép lên lễ đài thì đây chỉ có thể là những thước phim của chủ hiệu ảnh Hương Ký. Việc ông ta nói rằng không quay được vì máy trục trặc, và hơn thế ông ta gia nhập phe phái phản động sau đó rất có thể là lý do ông ta không bàn giao phim lại cho BTC buổi lễ. Sự trở về đầy bí ẩn của những thước phim ngày Độc lập càng chứng tỏ mỗi sự kiện quan trọng đều có số phận của nó. Có thể ai đó muốn hủy hoại hoặc làm quên lãng đi những hình ảnh đó nhưng rồi nó vẫn tìm được đường về một khi nó mang trong mình những chân giá trị to lớn.

Bộ quần áo Bác Hồ mặc  trong những giây phút lịch sử.

Ở gian trưng bầy các hiện vật lịch sử liên quan đến ngày lễ Độc lập ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có một bộ quần áo đã bạc mầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc lần đầu trong ngày đọc tuyên ngôn độc lập.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này