Chất thải y tế tăng, quản lý phải càng chặt

09:36 | 29/11/2016
Là một trong những đô thị có hệ thống các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ lớn nhất nước, nên đi kèm đó việc xử lý rác thải y tế cũng trở thành vấn đề nan giải. Tuy nhiên, dù nan giải đến đâu, xử lý rác thải y tế luôn là vấn đề được UBNDTP Hà Nội đặc biệt quan tâm.
quan ly phai cang chat Kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế

Rác thải y tế ngày càng tăng

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, toàn ngành hiện có 41 bệnh viện, 14 trung tâm chuyên khoa và 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với gần 10 nghìn giường bệnh. Bên cạnh đó, khối y tế ngoài công lập có 32 bệnh viện với 1317 giường bệnh; gần 3 nghìn phòng khám đa khoa, chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Tổng giường bệnh của cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố là gần 11 nghìn giường.

quan ly phai cang chat
Quản lý rác thải bệnh viện để cải thiện môi trường. Ảnh internet.

Cũng theo Sở Y tế trong năm 2015, lượng chất thải rắn phát sinh của các cơ sở y tế công lập khoảng 11 nghìn kg/ngày, trong đó, hơn 9 nghìn kg là chất thải rắn y tế thông thường; gần 2 nghìn kg là chất thải rắn y tế nguy hại. Các trạm y tế trung bình mỗi ngày thải ra từ 0,1-0,5kg chất thải rắn y tế nguy hại và từ 1-4kg/ngày chất thải rắn y tế thông thường. Ước tính đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày là gần 16 nghìn kg/ngày, trong đó có hơn 3 nghìn kg chất thải y tế nguy hại. Với chất thải lỏng, mỗi giường bệnh thải ra khoảng 0,5-0,95m3 nước thải/ngày, tùy thuộc vào khả năng cấp nước, dịch vụ bệnh viện, số lượng người bệnh và người nhà người bệnh…Còn với phòng khám tư nhân và trạm y tế, lượng nước thải trung bình không quá 2m3/cơ sở/ngày. Tổng lượng nước thải trung bình của các cơ sở y tế thuộc ngành Y tế Hà Nội trong năm 2015 thống kê được là 10.029m3/ngày và theo ước tính đến năm 2020 lượng nước thải sẽ tăng lên 13.495m3/ngày.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Dung Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mặc dù ngành Y tế Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong quản lý rác thải y tế song vẫn còn nhiều khó khăn, nan giải. Ông Dung cho biết, hệ thống xử lý nước thải y tế của 11 bệnh viện đã xuống cấp đang cần đầu tư, sửa chữa, nâng cấp; các trạm y tế xã nằm rải rác trên địa bàn nên gặp nhiều khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhất là rác thải y tế nguy hại; 16 bệnh viện được đầu tư lò đốt chất thải rắn y tế nhưng trong quá trình vận hành lò đốt còn nhiều khó khăn do tiêu tốn nhiều nguyên liệu, hay hỏng và thường xuyên phải bảo trì. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất thải y tế còn hạn chế.

Cần quản lý chặt chẽ chất thải y tế

Được biết, trong giai đoạn 2010-2015, TP Hà Nội đã đầu tư cho 16 bệnh viện lò đốt chất thải y tế; các cơ sở y tế khác ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải y tế với Công ty Urenco 10 - đơn vị đủ điều kiện xử lý chất thải y tế nguy hại. Cùng với đó, Thành phố đã xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải lỏng cho 30 bệnh viện, 45 phòng khám đa khoa khu vực; 32 bệnh viện tư nhân đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng trước khi đi vào hoạt động. Với các trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám tư nhân xây dựng hệ thống xử lý bằng cloramin B trước khi xả thải ra môi trường.

Ước tính đến năm 2020, tổng lượng chất thải y tế phát sinh một ngày là gần 16 nghìn kg/ngày, trong đó có hơn 3 nghìn kg chất thải y tế nguy hại. Với chất thải lỏng, mỗi giường bệnh thải ra khoảng 0,5-0,95m3 nước thải/ngày, tùy thuộc vào khả năng cấp nước, dịch vụ bệnh viện, số lượng người bệnh và người nhà người bệnh…

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Dung, Sở Y tế đã tích cực tham mưu cho UBND Thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch về thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030; kế hoạch quản lý chất thải y tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020… Hàng năm Sở Y tế đều có kế hoạch về quản lý chất thải y tế và kế hoạch kiểm tra công tác quản lý chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện các tồn tại ở một số đơn vị và đưa ra các biện pháp khắc phục ngay. Năm 2015, Sở Y tế đã kiểm tra, giám sát 68 bệnh viện và trung tâm y tế; có 33 đơn vị tự kiểm tra.

Đến năm 2016, Sở Y tế kiểm tra, giám sát 26 bệnh viện và trung tâm y tế; có 75 đơn vị tự kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, 100% đơn vị đều tổ chức tuyên truyền về quản lý chất thải y tế và bảo vệ môi trường; 80% đơn vị thực hiện đánh giá tác động môi trường; 87% đơn vị thực hiện quan trắc môi trường định kỳ; 82% đơn vị đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; 100% đơn vị thực hiện báo cáo công tác quản lý chất thải y tế; 100% đơn vị thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn y tế ngay tại nơi phát sinh; 90% đơn vị có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ công tác quản lý chất thải y tế theo quy định; 100% đơn vị có sổ theo dõi ban giao chất thải y tế nguy hại.

“Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong ngành về quản lý chất thải y tế. Đặc biệt, rà soát, xây dựng kế hoạch và lập dự toán kinh phí để có lộ trình đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế công lập của ngành” - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này