Phát triển công nghiệp chế biến: Đòn bẩy cho tăng trưởng và việc làm

10:48 | 25/11/2016
Tiềm năng rất lớn, nhưng làm sao để thu hút nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển để không chỉ góp phần tái cơ cấu nền kinh tế mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đang là vấn đề được các cấp, ngành quan tâm.
don bay cho tang truong va viec lam Kinh tế Thủ đô dự kiến tăng trưởng cao nhất trong 6 năm trở lại
don bay cho tang truong va viec lam Tránh đầu tư dàn trải không mang lại hiệu quả

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) tại Hội thảo về Xúc tiến đầu tư trong lĩnh cực công nghiệp thực phẩm cho thấy; mặc dù Việt Nam được đánh giá là có nguồn nông sản phong phú, đa dạng và giàu tiềm năng, song hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm mới chỉ đạt khoảng 7,6 tỉ/290 USD tổng vốn đầu tư. Điều đặc biệt, hầu hết các nguồn vốn đầu tư này vẫn chưa có sự gắn kết với các vùng nguyên liệu khiến việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân, hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn.

don bay cho tang truong va viec lam
Cần tạo chơ chế hơn nữa để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm

Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như lĩnh vực công nghệ thực phẩm cho rằng, vấn đề chính là do hiện nay Việt Nam chưa phát triển được các vùng nguyên liệu có quy mô lớn, vì thế chưa đáp ứng được việc cung cấp sản phẩm ổn định, bền vững…

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền cho biết, hiện thị trường Việt Nam đang có sức hút lớn với các doanh nghiệp nước ngoài, bởi chúng ta có một thị trường tiêu thụ lớn, tiềm năng. Dẫu thời gian qua, nhiều lĩnh vực trong ngành chế biến thực phẩm được hưởng ưu đãi lớn từ Nhà nước, từ đầu tư máy móc, thiết bị tưới tiêu, sản xuất… song có nghịch lý đang diễn ra các sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chỉ được sản xuất ở mức thô (sơ chế và xuất khẩu) nên giá trị gia tăng không cao. “Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên để tạo được sức hút đầu tư từ các nguồn vốn nước ngoài, Nhà nước ta cần đưa ra nhiều hơn những ưu đãi trong đầu tư về tái chế biến nông nghiệp, đồng thời đưa ra các đề án quy hoạch, hình thành cánh đồng mẫu lớn, tập trung vùng sản xuất theo hợp tác, liên kết…đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm” – ông Tiền nói.

Chia sẻ về việc, làm sao để tạo sức hút đầu tư nguồn vốn nước ngoài vào ngành công nghiệp thực phẩm, ông Trần Quân, Giám đốc chuỗi cửa hàng Sói Biển, một trong những doanh nghiệp trẻ đang khá thành công với mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn cho hay, hiện nay ngành công nghiệp thực phẩm ở Việt Nam còn đang rất thiếu và yếu, đặc biệt là đối với nông sản. Hiện người dân vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và không có được những vùng trồng lớn. Ngoài ra, họ chưa đầu tư nhiều vào công nghiệp thực phẩm, chế biến hiện đại, mà chủ yếu chỉ sản xuất thô, qua sơ chế và được thương lái thu gom, xuất bán. Nếu không đầu tư cho công nghiệp thực phẩm, chế biến, thì trong tương lai khi mà Việt Nam mở cửa thị trường, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi sản phẩm của chúng ta ít được sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình chế biến hiện đại, như thế sẽ khó cạnh tranh.

“Vì thế, muốn nông nghiệp phát triển, muốn ngành công nghiệp thực phẩm phát triển và thu hút đầu tư, nguồn vốn từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, Nhà nước cần có những chính sách mở hơn, khoanh vùng trồng quy mô lớn, đảm bảo nguồn cung ứng cho sản xuất bền vững, lúc đó nguồn đầu tư vào công nghiệp thực phẩm sẽ tự đến”- ông Quân cho hay.

Cần tạo sức hút trong đầu tư

Tiềm năng là rất lớn, thế nhưng ngành công nghiệp thực phẩm vẫn khó thu hút vốn đầu tư. Nguyên nhân được các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng tuy nguyên liệu dồi dào, nhưng chất lượng lại chưa ổn định. Không những thế, hiện công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn yếu, chưa hỗ trợ được các khâu sản xuất công nghệ cao, dẫn đến nhiều nhà đầu tư không mặn mà.

“Cần phải có những doanh nghiệp đi trước, đặc biệt là những doanh nghiệp trong nước, đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp thực phẩm. Một khi các doanh nghiệp gặt hái được thành công sẽ là động lực thu hút các doanh nghiệp khác và thậm chí là doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Ngoài ra, không chỉ có Nhà nước mà các địa phương cũng cần chủ động quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang các nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận theo quy định của Nhà nước và theo pháp luật đất đai, như thế sẽ thu hút và tạo niềm tin để doanh nghiệp đầu tư và phát triển” – chuyên gia kinh tế Đặng Đình Tiền cho hay.

Cùng chung quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội Thực phẩm minh bạch cũng cho rằng, mấu chốt của vấn đề là phải giảm bớt sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực công nghiệp chế biến (từ khâu nuôi, trồng, sản xuất- chế biến đến lưu thông). Đồng thời, có chính sách phù hợp để tạo đòn bẩy cho công nghiệp chế biến phát triển, có như thế mới tạo sức hút để doanh nghiệp vào đầu tư, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Những năm qua, khi nền kinh tế phát triển chậm lại do hệ lụy của suy thoái kinh tế thế giới, nông nghiệp chính là ngành đã góp phần đưa kinh tế nước nhà phát triển ở mức trên 6%. Và hiện tại, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ bị trì hoãn thì các chuyên gia cho rằng đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, không chỉ phát huy lợi thế so sánh quốc gia mà còn góp phần chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này