Hồi sinh những “lá phổi xanh”

Cần đẩy nhanh tiến độ

09:28 | 12/11/2016
Báo Lao động Thủ đô đã có nhiều bài viết phản ánh về tín hiệu đáng mừng trong việc “hồi sinh” ao, hồ ô nhiễm ở Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đáng ghi nhận, nhìn lại, vẫn còn thấy nhiều dự án cải tạo hồ diễn ra khá chậm.
can day nhanh tien do Những “lá phổi” của Thủ đô đang sống lại
can day nhanh tien do Nhiều “lá phổi xanh” đang hồi sinh

Là một trong những hạng mục quan trọng của dự án thoát nước giai đoạn II nhằm cải thiện môi trường, nâng cao khả năng tiêu úng cho Hà Nội nhưng sau 5 năm triển khai, dự án cải tạo hồ Định Công (quận Hoàng Mai) vẫn còn nhiều hạng mục thi công dang dở. Dự án cải tạo hồ Định Công chậm tiến độ làm phát sinh nhiều hệ lụy, nhất là về khả năng tiêu thoát nước cho khu vực Định Công, bởi đây được xem là vũng thấp, rất dễ bị ngập úng khi xảy ra mưa lớn.

can day nhanh tien do
Dự án cải tạo hồ Định Công thi công rất chậm chạp.

Cùng với đó là những hệ lụy về môi trường, trật tự văn minh đô thị. Ông Hồ Văn Dương, sống ở gần hồ Định Công cho biết: “Việc thi công của đơn vị nhà thầu rất chậm. Với diện tích hồ rộng gần 20ha, nhưng nhân lực, máy móc phục vụ thi công công trình lại rất hạn chế, chỉ lác đác 1 vài máy xúc, thậm chí có những thời điểm ngừng thi công hoàn toàn. Là người dân địa phương, chúng tôi thấy rất sốt ruột việc thi công cải tạo hồ Định Công. Việc chậm triển khai đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cuộc sống của người dân. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn 12 quận ở Hà Nội có khoảng 120 hồ, gồm các hồ tự nhiên và các hồ được đào, xây dựng theo quy hoạch, trong đó có 84 hồ đã được cải tạo, 10 hồ đang được cải tạo và 26 hồ chưa được cải tạo. Đối với các hồ như Trúc Bạch, Thủ Lệ, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thành Công, Linh Đàm, Hữu Tiệp… hiện đã được cải tạo kè đá, nạo vét, xây dựng đường dạo tạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ. Một số hồ còn xây dựng hệ thống cống tách nước thải, trạm bơm thoát nước nên không còn hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ. Điều kiện vệ sinh trên mặt hồ và xung quanh hồ nhìn chung đảm bảo yêu cầu, chất lượng nước tại các hồ này được cải thiện đáng kể.

Đặc biệt, dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh (Ba Đình) được thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành một số hạng mục. Người dân quanh khu vực cho biết, trước đây, hồ Ngọc Khánh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi dự án được triển khai, người dân hy vọng môi trường và cảnh quan hồ sẽ được cải thiện, sạch sẽ. Tuy nhiên, sau cải tạo một thời gian tình trạng ô nhiễm đã quay trở lại. Mặt hồ nước nổi váng cặn bẩn, tại một số cống kết nối với lòng hồ, nhiều loại rác rưởi, túi ni lon phủ kín. Ruồi muỗi và mùi hôi thối khiến không gian trở nên ngột ngạt. Đặc biệt, tại một số cửa cống, nước thải đen ngòm từ khu dân cư được xả xuống hồ. Đây là nước xả thải trực tiếp, chưa qua hệ thống xử lý. Nhìn từ xa thì sau khi được cải tạo hồ Ngọc Khánh trông khang trang, sạch sẽ nhưng vào gần mới thấy vẫn ô nhiễm…

Đối với những ao, hồ chưa cải tạo, môi trường nước hồ hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do người dân đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ làm thu hẹp diện tích sử dụng của hồ cũng như giảm khả năng điều hoà thoát nước và gây mất mỹ quan đô thị. Một số hồ lắp đặt các cửa để dâng nuớc nuôi cá cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy như hồ Tam Trinh, Đầm Lò Bát, Đầm Vỉ Ruồi...

Được biết, trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục rà soát các hồ và tiếp tục cải tạo 26 hồ bằng nguồn ngân sách và các nguồn ODA, BOT, xã hội hóa… Cải tạo toàn diện từ nạo vét, thi công, kè bờ, cải thiện môi trường, tách nước thải và hạ tầng đồng bộ quanh hồ để người dân có không gian sinh hoạt công cộng quanh hồ. Đối với các hồ đã cải tạo kè đá, có xây dựng hệ thống chặn nước thải nhưng chưa hoàn chỉnh như Hồ Tây, Trúc Bạch, Thanh Nhàn 2A, Kim Liên, Nghĩa Tân, Linh Đàm... Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ khảo sát chi tiết, lên phương án tách nước thải hoàn toàn nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước hồ. Về lâu dài, thành phố rà soát các quy định quản lý, khai thác, sử dụng các hồ theo hướng khai thác hồ phải đảm bảo phát triển bền vững, phục vụ cho lợi ích cộng đồng; mọi hoạt động liên quan đến hồ phải tuân theo quy hoạch hiện hành.

V. Giang – T.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này