Để người nghiện không tái nghiện:

Cần xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý

07:41 | 11/11/2016
Những trạng thái tâm lý căng thẳng, khó chịu khiến cho người nghiện xuất hiện nhu cầu sử dụng lại ma túy để lấy lại cảm giác dễ chịu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ tái nghiện vẫn còn đang rất cao và trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội.
can xoa bo hoan toan su le thuoc tam ly Tỉ lệ tái nghiện vẫn ở mức hơn 90%
can xoa bo hoan toan su le thuoc tam ly Cai nghiện ma túy: Thành công bằng phương pháp châm cứu

Vì sao người nghiện dễ tái nghiện

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thu Hà (Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD) cho biết, ở Việt Nam có 90% người tái nghiện ma túy sau khi cai. Dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), bà Hà cho hay, nếu năm 1995 cả nước mới chỉ có khoảng 68 nghìn người nghiện ma túy, chủ yếu là nghiện thuốc phiện tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thì đến năm 2005 số người nghiện là 12.800 người phân bố tại tất cả 63 tỉnh, thành phố cả nước; đến năm 2015, tổng số người nghiện ma túy tăng lên khoảng 204.400 người, trong đó 19% là người nghiện ma túy tổng hợp.

can xoa bo hoan toan su le thuoc tam ly
Để cai nghiện thành công thì người bệnh phải có ý chí và quyết tâm cao.

Cũng theo bà Hà, nguyên nhân của việc tái nghiện chính là con đường đấu tranh chống lại sự lệ thuộc ấy là không hề dễ dàng, ngay cả khi có một bộ phận không nhỏ người nghiện ma túy khi nhận ra tác hại của ma túy luôn khao khát muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào nó. Việc không thắng nổi sự cám dỗ của ma túy đẩy họ và tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng, khiến họ vừa tự hủy hoại bản thân vừa gây tổn hại đến gia đình và xã hội bởi những hành vi thiếu lý trí.Qua nghiên cứu của PSD, người nghiện sau khi cắt cơn vẫn tiếp dục nhớ ma túy trong một thời gian rất dài, nhớ và thèm cảm giác sảng khoái do ma túy đem lại. Bộ não của người nghiện ma túy đã phản ứng hàng ngày trong một thời gian dài với những cảm giác dễ chịu, sảng khoái do chất ma túy gây ra; từ đó dẫn đến việc hình thành những phản xạ có điều kiện trong não bộ. Cơ sở sinh học của những phản xạ này rất vững chắc nên rất khó mất đi.

Khi gặp một yếu tố kích thích gợi nhớ chất ma túy, các phản xạ có điều kiện đó được kích hoạt trở lại, làm xuất hiện cảm giác thèm nhớ ma túy, dẫn đến thúc đẩy người nghiện quay lại tìm và sử dụng ma túy.Vì thế, sự thèm nhớ ma túy cùng với sự thiếu kiểm soát môi trường sống là những yếu tố kích thích người nghiện chỉ cần bắt gặp hình ảnh giống với nơi họ từng mua ma túy trước đây, mùi môi hôi chua chua quen thuộc hay gặp một người bạn từng chơi ma túy cùng… thì dòng hồi tưởng về ma túy của họ sẽ được kích hoạt trở lại. Cùng với dòng hồi tưởng này, cảm giác thèm nhớ ma túy cũng quay trở lại kèm theo những căng thẳng, khó chịu về mặt cơ thể như: Nhịp tim tăng, huyết áp tăng, hơi thở trở nên nhanh hơn, trong người thấy nôn nao, khó chịu, da gà nổi từng đợt… dù đã rất lâu không dùng ma túy.

Không ai giúp mình bằng chính mình

Theo Ths.Bs Nguyễn Văn Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tư vấn cai nghiện (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), trong tất cả các biện pháp tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người nghiện không tái nghiện thì biện pháp quan trọng vẫn là do bản thân người nghiện phải có ý chí vươn lên, vượt qua cám dỗ về thể xác và tâm hồn mới có thể cai nghiện thành công.

Cũng theo bác sĩ Thủy, có rất nhiều bệnh nhân đến điều trị tại Trung tâm, dù đã áp dụng hầu hết những phương pháp hỗ trợ về tâm lý nếu bệnh nhân đó đến với ma túy vì stress, kết hợp với điều trị cắt cơn, cùng với sự quan tâm của gia đình,… nhưng khi người nghiện không có ý chí muốn cai thì tất cả những biện pháp trên đều trở lên vô nghĩa.

Tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tư vấn cai nghiện, trung bình mỗi tháng trung tâm tiếp nhận và điều trị khoảng 10-15 người nghiện, trong đó tỉ lệ người nghiện thành công thường rất ít. Theo như bác sĩ Thủy chia sẻ, những trường hợp cai nghiện thành công là do người nghiện ngay từ trong quá trình điều trị đã thể hiện quyết tâm, nguyện vọng muốn được cai nghiện. Những trường hợp đó, thường thường hòa nhập cộng đồng rất tốt sau cai nghiệm, không ít trong số đó đã tìm lại được hạnh phúc. “Có những người đã điện cho tôi kể, dù đôi lúc em vẫn bị bạn bè lôi kéo, một vài lần cảm giác thèm thuốc quay trở lại hoặc khi bị stress… nhưng em vẫn quyết tâm không quay lại con đường nghiện nghập. Bởi em nhận ra một thực tế là đối với ma túy tuyệt đối không bao giờ được thử dù chỉ một lần” – bác sĩ Thủy cho hay.

Để minh chứng cho điều mình chia sẻ, bác sĩ Thủy cũng kể về trường hợp một bệnh nhân nữ đã cai nghiện thành công nhờ vào ý chí quyết tâm của chính bản thân mình. Đó là bệnh nhân N.T.H, sinh năm 1982 (Hà Nội), nhờ sự quyết tâm của N.T.H mà giờ cô đã có một gia đình ổn định với hai cô con gái, công việc của N.T.H là nhân viên kế toán tại một công ty xây dựng (Cầu Giấy, Hà Nội).

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Trung Tuấn - Chủ tịch PSD cho biết, ông đã từng nghiện 6 năm và phải mất 14 năm cai nghiện. Trong suốt thời gian ấy, ông Tuấn luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao người nghiện lại tái nghiện. Sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu, sách báo, ông đã đúc rút rằng, người nghiện chịu hai sự lệ thuộc về thể chất và sự lệ thuốc về tâm lý. Quá trình nghiện đã được tự động ghi nhớ vào trong não bộ. Muốn xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý phải qua quá trình giải tỏa căng thẳng tâm lý. Đây là giai đoạn cần qua điều trị trợ giúp về tâm lý, tư vấn và giúp người nghiện hình thành những kỹ năng sống mới.

“Để làm được điều này thật khó, nhưng nếu bạn nhận thấy một thực tế là thứ mà bạn sử dụng một thứ chất vô bổ. Chất này đang hàng ngày, hàng giờ hủy hoại cả thể xác và tâm hồn bạn. Chưa hết, những tốn kém về kinh tế và những suy sụp về mặt tinh thần của những người thân bên bạn chính là điều mà bạn cần phải nhìn lại để lựa chọn. Nếu tiếp tục bạn và người thân sẽ chết hay nếu bạn vượt qua tất cả đều tốt đẹp!” – ông Tuấn nói.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này