Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

15:34 | 08/11/2016
Chiều qua (7/11), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 2017.
bao ve moi truong de phat trien ben vung Triển lãm về đề tài bảo vệ môi trường của học sinh Việt Nam
bao ve moi truong de phat trien ben vung Thủ tướng Chính phủ kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường
bao ve moi truong de phat trien ben vung
Để chọn hiền tài cần qua thi cử nghiêm túc (Ảnh minh họa)

Bảo vệ môi trường tốt hơn nữa

Nếu so với các Nghị quyết tại những kỳ họp Quốc hội trước, thì Nghị quyết lần này đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường.

Cụ thể, theo Nghị quyết, năm 2016, mặc dù Chính phủ đã triể̉n khai nhiều giải pháp quyết liệt ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng tái cơ cấu kinh tế còn chậm, đạt hiệu quả chưa cao; sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung...

Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2017

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã)…

Đời sống người dân, nhất là vùng bị thiên tai và vùng bị sự cố môi trường gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh đề ra các mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2017, Nghị quyết đưa ra yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện 3 đột phá chiến lược; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, kinh doanh; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp bền vững, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội.

Đặc biệt, Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, xem bảo vệ tốt môi trường là yếu tố sống còn để phát triển bền vững.

11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2017, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Kiểm toán Nhà nước theo chức năng của mình tập trung thực hiện các nhiệm vụ. Cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh thêm nợ xấu, xử lý hiệu quả nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống… Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, loại bỏ rào cản đầu tư kinh doanh bất hợp lý…

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Vấn đề tài nguyên khoáng sản, khi tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta thấy, bên cạnh dầu khí, nguồn lợi mang lại từ khai thác khoáng sản chiếm tới 40 - 50% GDP. Chúng ta cần đặt vấn đề giảm khai thác xuất khẩu khoáng sản thô. Điều đó hiển nhiên, muốn làm được điều đó thì cần phải làm tốt các công việc sau:

Thứ nhất là sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả nhất; lựa chọn công nghệ khai thác tiên tiến, chế biến sâu; chọn thời điểm khai thác, xuất khẩu khoáng sản hợp lý nhờ vào tín hiệu của thị trường.

Thứ hai là công tác khai thác, bảo vệ môi trường mỏ; kiên quyết xử lý theo luật định các mỏ, điểm mỏ đang gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và sử dụng công nghệ lạc hậu.

Thứ ba là thiết lập cơ chế đấu thầu khai thác mỏ khoáng sản để đạt được hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế và bảo vệ được môi trường mỏ. Riêng về vấn đề môi trường, sau các sự cố môi trường, chúng ta nhận thấy, việc đổi mới cơ cấu kinh tế chính là xác lập vị trí mới của vấn đề môi trường. Trước đây, môi trường thường là đi sau các hoạt động phát triển, "phát triển trước, làm sạch sau". Hiện nay, vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào quá trình đó. Trước đây, chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển; nhưng bây giờ, phát triển thì môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược, quy hoạch phát triển. Hiện nay, xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế các bon thấp cũng khẳng định mối quan hệ cơ cấu giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường - đặt vấn đề môi trường cần phải đầu tư ngay từ đầu.

Trích tham luận của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên thảo luận về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016- 2020.

Thứ tư, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung vào 3 trọng tâm tái cơ cấu cũng như các nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên và chương trình hành động theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Thứ năm, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng huy động các nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công với cách mạng.

Thứ sáu, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu COP-21 và các giải pháp tổng thể phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ và phát triển rừng.

Cải thiện chất lượng môi trường, tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là tại các thành phố lớn, khu vực nông thôn, các làng nghề, cụm công nghiệp địa phương và các lưu vực sông, vùng ven biển, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Kiên quyết không đầu tư, triển khai các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái.

Thứ bảy, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch. Nâng cao năng lực, thái độ thực thi pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức… Thứ tám, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội…

Thứ chín, tiếp tục đưa quan hệ đối ngoại với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân...

Thứ mười, nắm chắc diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để chủ động giải quyết mọi tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Thứ mười một, Quốc hội yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về thông tin truyền thông. Chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại về cơ chế, chính sách gắn với sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Vận hành tốt trang thông tin điện tử của các cấp, ngành để cung cấp thông tin và thu thập ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp, làm căn cứ nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách và điều hành của bộ máy quản lý nhà nước các cấp…

M. Hạnh - H. Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này