Huyện Thanh Oai:

Lấy khoa học - công nghệ làm đòn bẩy phát triển

10:22 | 01/11/2016
Hỗ trợ người dân 50% giá một số giống lúa; giá mua máy móc để cơ giới hóa trong nông nghiệp; hỗ trợ một phần kinh phí thuốc bảo vệ thực vật cho các xã thực hiện lúa hàng hóa...
lay khoa hoc cong nghe lam don bay phat trien Giám sát về khoa học công nghệ tại huyện Ba Vì
lay khoa hoc cong nghe lam don bay phat trien Khẳng định vị trí tiên phong của khoa học - công nghệ

Sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền huyện Thanh Oai qua những chính sách cụ thể, thiết thực đã góp phần tạo diện mạo mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là nâng cao đời sống của người dân nông thôn với mức thu nhập bình quân dự kiến đạt khoảng 31 triệu đồng/người trong năm 2016.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Cơ sở sản xuất bánh đa nem Bào Hồng ở thôn Mùi, xã Bích Hòa là đơn vị đầu tiên của huyện Thanh Oai được ứng dụng nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất qua đề tài. "Nghiên cứu xây dựng mô hình sấy bánh đa nem sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với yêu cầu của làng nghề". Ông Nguyễn Văn Bào - chủ cơ sở sản xuất cho biết, mô hình máy sấy được triển khai từ tháng 4/2015 đến nay đã phát huy khá hiệu quả: Bánh đa nem được sấy bằng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng nên không chỉ sạch hơn (không bám bụi, không bị ô nhiễm môi trường, côn trùng như ruồi, muỗi) mà vẫn giữ nguyên được khẩu vị, màu sắc của bánh đa nem truyền thống.

lay khoa hoc cong nghe lam don bay phat trien
Khảo sát hiệu quả ứng dụng KHCN vào sản xuất tại cơ sở sản xuất bánh đa nem Bào Hồng (thôn Mùi, xã Bích Hòa).

Hơn nữa, việc sấy bằng công nghệ sạch, sử dụng nguồn năng lượng mặt trời kết hợp nguồn năng lượng sinh khối đã giúp hộ gia đình chủ động trong kinh doanh, không lo phải nghỉ làm khi trời mưa, ngày nồm mà có thể sản xuất bất kỳ thời điểm nào, góp phần tăng năng suất lao động, sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Áp dụng mô hình này, trừ chi phí vận hành, trả công người làm, mỗi năm cơ sở sản xuất của ông Bào cũng có thu nhập từ 80-90 triệu đồng.

Câu chuyện đời sống người dân được nâng cao nhờ ứng dụng KHCN vào sản xuất như ở cơ sở Hồng Bào chỉ là ví dụ điển hình trong các hoạt động chính quyền cùng vào cuộc hỗ trợ người dân tại Thanh Oai. Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Oai, huyện hiện có 20 xã và 1 thị trấn, 51 làng nghề (trong đó có 16 làng nghề truyền thống và 35 làng nghề mới). Từ năm 2011-2015, UBND huyện đã đầu tư ngân sách trên 42 tỉ đồng cho việc ứng dụng vào KHCN và triển khai các mô hình.

Trong đó, huyện Thanh Oai đã triển khai, ứng dụng KHCN thực hiện một số mô hình hiệu quả như mô hình trồng hoa ly ở một số xã, thị trấn: Bình Minh, Thanh Cao, Thanh Văn, Cao Dương, Cao Viên, thị trấn Kim Bài, Xuân Dương với tổng diện tích trên 6.000m2, hiệu quả gấp 3-4 lần so với cấy lúa.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây Thanh Oai có thay đổi rất lớn về bộ giống lúa, vốn trước kia năng suất rất thấp. Chia sẻ câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Bổng – Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Oai khẳng định: Là huyện nghèo, nguồn vốn còn hạn hẹp, nhưng Thanh Oai là địa phương hiếm hoi của Hà Nội năm nào cũng đầu tư, hỗ trợ 50% giá một số giống lúa như: Bắc thơm số 7, RVT, TBR225 nhằm duy trì và mở rộng diện tích chất lượng, hàng hóa. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ một phần kinh phí thuốc bảo vệ thực vật cho các xã thực hiện lúa hàng hóa, góp phần nâng cơ cấu lúa hàng hóa chiếm 55% diện tích cấy lúa toàn huyện, tập trung ở các xã: Thanh Văn, Tam Hưng, Mỹ Hưng... Đáng chú ý là mô hình nếp cái hoa vàng tại Tam Hưng 250ha; mô hình tám xoan 20ha cho giá trị tăng 30-40% so với cấy giống lúa bình thường.

Đặc biệt, huyện cũng đã đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bảo vệ môi trường với mô hình chăn nuôi lợn tại HTX Hoàng Long. Mô hình này đã được nhiều địa phương đến học tập, nhân rộng, trong đó phát triển khá hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh.

Tích cực cơ giới hóa, giải phóng sức lao động

Để giải phóng sức lao động cho người nông dân, góp phần nâng cao năng suất lao động, huyện Thanh Oai đã tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Cụ thể, huyện đã ban hành đề án cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ 50% giá mua máy (nhưng không quá 150 triệu đồng/máy) cho 4 loại máy: Máy làm đất, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu và máy gặt đập cho các hợp tác xã nông nghiệp thay vì giao cho từng cá nhân qua đó giúp các hợp tác xã vừa tiếp cận vốn ngân sách của huyện, vừa quản lý được giá, vừa hỗ trợ sản xuất cho hội viên và người dân.

Đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ được 31 máy làm đất và 4 máy cấy, 1 dây chuyền gieo mạ khay, 3 máy gặt với kinh phí trên 5 tỉ đồng, góp phần giải phóng sức lao động, trong đó cơ giới hóa khâu làm đất trên 90% diện tích; cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa xấp xỉ 70% diện tích lúa. Theo Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Văn Bổng, hiệu quả rõ rệt nhất của việc ứng dụng KHCN và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là thu nhập bình quân của người nông dân đã tăng từ 14,6 triệu đồng/người/năm 2011 lên 31 triệu đồng/người/năm 2016. Đặc biệt, giá trị diện tích canh tác đất nông nghiệp, từ 120 triệu đồng/1ha năm 2011 tăng lên gần 230 triệu đồng/1ha trong năm 2016. “Nếu không đi sâu nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp - nông thôn, đời sống người nông dân không thể phát triển. Quan điểm này đã trở thành ý thức thường trực của mỗi lãnh đạo huyện”, ông Bổng khẳng định.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này