Bất bình đẳng giới:

Cần xóa bỏ định kiến!

08:09 | 02/11/2016
Một trong những nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng giới là do ảnh hưởng của khuôn mẫu cổ hủ và định kiến giới, vốn đã tồn tại từ rất lâu. Thậm chí, đó còn là nguyên nhân xuất phát của nhiều tội ác và bất hạnh trong gia đình - những vấn đề mà xã hội và hệ thống tư pháp của Việt Nam đang tìm cách đẩy lùi, ngăn chặn.
can xoa bo dinh kien Lương phụ nữ chỉ bằng 70% của nam giới
can xoa bo dinh kien Cần thu hẹp bất bình đẳng giới trong ngành nghề đào tạo

Việc phụ nữ được tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông ít hơn nam giới là do 3 rào cản lớn: Thể chế, nội dung công việc và văn hóa xã hội. Cùng với đó việc chưa tạo ra khuôn khổ pháp lý cần thiết để triển khai vấn đề này cũng là một nguyên nhân dẫn đến tiếp cận của phụ nữ cũng hạn chế hơn.

can xoa bo dinh kien
Để hỗ trợ phụ nữ trong việc tiếp cận thông tin, cần hướng đến việc hỗ trợ phụ nữ khai thác, phát huy điểm mạnh một cách hợp lý. Ảnh minh họa.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thụy An – huyện Ba Vì kể về trường hợp một hội viên của xã là em T.T.Hà (20 tuổi) bị xâm hại tình dục trong lúc đi chăn bò. Do bị đối tượng dọa dẫm sẽ sát hại nếu để lộ nên em đành chọn giải pháp im lặng suốt 2 năm và mặc định trong lòng một định kiến khi cho rằng phụ nữ sinh ra để cho đàn ông trêu ghẹo hoặc mua vui cho đàn ông, thậm chí là công cụ tình dục của đàn ông. “Tham gia sinh hoạt hội phụ nữ xã, Hà vẫn chưa hết hoang mang khi cho rằng, phải chăng pháp luật chưa quy định việc công khai bản án và không quy định việc buộc phải giữ bí mật danh tính của nạn nhân tố cáo khiến cho người bị hại như em ngần ngại khi quyết định có nên tố giác hành vi phạm tội hoặc yêu cầu cơ quan pháp luật khởi tố, bảo vệ quyền lợi cho mình.” – vị đại diện này cho biết thêm

Ghi nhận điều này, đại diện Hội phụ nữ xã Thụy An cũng nêu lên một thực tế là phần lớn các buổi đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức cho chị em phụ nữ đều phải tranh thủ tổ chức vào buổi tối vì ban ngày, hội viên đều bận việc đồng áng, gia đình nên không tham gia được. Tuy nhiên, số người tham gia đều đặn cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân được nhiều người đưa ra bắt nguồn từ nhận thức khi chị em cho rằng “không cần thiết”, “phụ nữ chỉ cần gia đình, chồng con là đủ”... “Điều đáng nói ở đây, tất cả những lý do trên đều là ngụy biện cho thực tế, nhiều chị em bị chồng ngăn cản, đánh đập không cho tham gia sinh hoạt, tập huấn.” – vị đại diện này nói.

Trong khi đó, ngay cả khi Luật tiếp cận thông tin mới chỉ trong giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến đóng góp, ông Lê Minh Thông – Phó Tổng thư ký Quốc hội đã từng có những phân tích tích cực khi cho rằng phụ nữ cũng là công dân, thậm chí là công dân rất có năng lực. Quan trọng là phải tuyên truyền sâu rộng cho phụ nữ thấy rõ quyền của họ trong việc tiếp cận thông tin, để luôn luôn làm giàu kiến thức của mình, đóng góp cho cuộc sống. “Luật ban hành để tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận thông tin, trong đó có phụ nữ bởi người phụ nữ làm chủ được thông tin là làm chủ cuộc đời mình...”-ông Thông nhấn mạnh.

Còn theo các chuyên gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, những khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế nhiều năm qua chưa được nhìn nhận đúng mức và có giải pháp hợp lý nên đa phần phụ nữ phải gồng mình san sẻ thể lực để giải quyết tốt những vấn đề của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Bà Cao Thị Hồng Minh – Phó ban Luật pháp chính sách (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) cho rằng, để hỗ trợ phụ nữ trong việc tiếp cận thông tin, cần hướng đến việc hỗ trợ phụ nữ khai thác, phát huy điểm mạnh một cách hợp lý, thông qua đó hạn chế bất lợi có thể nảy sinh trong thực tế và cần có các chính sách hỗ trợ để giảm thiểu khoảng cách về lương, thu nhập, thời gian... của nữ so với nam.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này