Kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XIV: Xây dựng trụ sở làm việc theo hình thức PPP

10:20 | 01/11/2016
Sáng 31.10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển, QH làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình vào Báo cáo thẩm tra các dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); dự án Luật Cảnh vệ.
xay dung tru so lam viec theo hinh thuc ppp Hoàn thiện chính sách về đầu tư xây dựng
xay dung tru so lam viec theo hinh thuc ppp Bộ GTVT triển khai 23 dự án PPP với TMĐT 39.899 tỷ đồng

Sẽ khoán cả điện thoại, nhà công vụ

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước QH về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Theo quy định tại dự thảo về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công.

xay dung tru so lam viec theo hinh thuc ppp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước

Cụ thể, mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng.

Riêng việc khoán kinh phí sử dụng tài sản được áp dụng đối với nhà công vụ, xe ôtô phục vụ chức danh và xe ôtô phục vụ công tác chung của cơ quan nhà nước; điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động và các tài sản khác theo chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước cũng như bị kỉ luật, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, nhấn mạnh đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung (giao một Bộ làm đầu mối quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương; mỗi tỉnh, thành phố giao một đầu mối để quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan nhà nước thuộc địa phương) nhằm tăng cường hiệu quả trong đầu tư, bố trí sử dụng, khả năng điều hòa tài sản nhà nước và hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như hiện nay.

Mô hình quản lý này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Ngoài ra, đề nghị cần bổ sung quy định về hoạt động giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả.

Xây trụ sở không thể mạnh ai nấy làm

Tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách QH, trăn trở trước những bất cập trong quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Có những quy định lâu nay đã ổn định như tiêu chuẩn cấp ôtô thì nên đưa thẳng vào luật, không nên để các văn bản dưới luật quy định để tránh lạm dụng.

Cùng đó ĐB Thanh Vân cũng cho rằng lâu nay chưa có quy định ở cấp nào thì được diện tích làm việc bao nhiêu, nên mạnh ai nấy làm. “Làm gì có chuyện thiếu nhất quán thế. Tại địa phương, phòng sở khác còn to hơn phòng tỉnh uỷ”, theo ông Vân nên xem xét kỹ lưỡng dự thảo luật này trong 3 kỳ họp, sau đó vừa làm vừa tổng kết rồi nâng lên thành bộ luật vì tài nguyên, nguồn lực vốn đầu tư, kể cả nhân tài cũng đang cạn kiệt.

Cũng đề cập đến vấn đề về trụ sở, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) dẫn trường hợp khu hành chính tập trung trị giá 2.000 tỉ đồng của TP Đà Nẵng. ĐB Khánh đặt câu hỏi TP Đà Nẵng xây toà tháp rất hay, nhưng tới khi muốn bỏ lại nêu lý do không đảm bảo kỹ thuật.

Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi 2.000 tỉ đồng ngân sách đã bỏ ra xây trụ sở hoành tráng như vậy. Đồng thời, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng đã gọi là khu hành chính tập trung, thì Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải ngồi lại để xây dựng mô hình khu hành chính tập trung áp dụng chung cho cả nước, chứ không thể mạnh ai nấy làm, mỗi nơi mỗi kiểu.

Cùng đó, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cũng đề nghị luật cần quy định cụ thể, đầy đủ, và minh bạch. Bởi thực tế mua sắm tài khoản công có “hoa hồng” rất lớn. Dẫn chứng câu chuyện mới đây Bộ Tài chính khoán xe ôtô, ông Vũ Trong Kim đặt câu hỏi vậy đó là thế nào, có phải là sự lãng phí mới không?.

Chỉ giảm ở việc không đến nhà phục vụ nhưng tăng 9-10 triệu đồng vào túi cá nhân vậy đó có phải là giảm không?. Cùng đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu, cho biết: Việc khoán đã áp dụng lâu nhưng gần đây việc khoán tưởng như thay đổi lớn tiết kiệm được khi nợ công đang tăng cao.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thì hiện nay, tài sản công theo báo cáo Chính phủ thống kê là 2.800.000 tỉ đồng. Đã thống kê thì phải công khai, phải gửi ĐBQH biết xem ở dạng nào: Đất đai, nhà cửa, xe… thì các cơ quan hệ thống chính trị, mặt trận tổ quốc hay QH, đoàn thể có thể tăng cường giám sát.

Trong tài sản công thì vấn đề về trụ sở, đất đai rất nhiều. Làm sao điều chuyển được để khỏi tốn tiền đầu tư nữa trong việc xây dựng trụ sở mới, ngay TPHCM hay địa phương khác rất bức xúc các cơ quan của bộ đóng trên địa bàn của mình.

Đồng tình dự thảo luật về việc bổ sung quy định đầu tư xây dựng các cơ sở sự nghiệp theo hình thức đối tác công tư và có thể thuê vận hành. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM cho biết hầu hết cơ sở làm việc cũ, chật hẹp, thấp tầng, không đảm bảo điều kiện làm việc cho công chức, viên chức nhưng điều kiện ngân sách bố trí cho việc này rất khó khăn.

Nếu như có thể áp dụng được đầu tư đối tác công tư sẽ thu hút được vốn đầu tư xã hội để cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn thời gian tới, để sử dụng đất hiệu quả hơn. Nhiều trụ sở ở vị trí đắc địa, rất đẹp mà trụ sở ọp ẹp, xuống cấp mà không có ngân sách để đầu tư.

Để tránh lợi dụng chính sách này, Chính phủ cần chỉ đạo, có quy định riêng về lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và điều chỉnh được những bất cập trong quá trình sử dụng chung trụ sở giữa cơ quan sự nghiệp với những đối tác để tránh quá trình sử dụng xong lại mất luôn những khu đất này.

Đ. Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này